Cơ cấu gia đình Nhật Bản thay đổi như thế nào trong 30 năm Heisei?

Hộ gia đình tiêu chuẩn ở Nhật Bản thường được hiểu là người chồng giữ trọng trách đi làm kiếm tiền nuôi vợ và các con. Tuy nhiên trong 30 năm Heisei gần đây, cơ cấu gia đình như thế này đã có sự thay đổi lớn, những hộ gồm vợ chồng và con cái không còn là “tiêu chuẩn” nữa.

Theo một khảo sát của chính phủ Nhật Bản, tỉ lệ “hộ gia đình gồm vợ chồng và con cái” năm 1990 là 37% và giảm xuống còn 27% vào năm 2015. Thay vào đó là tỉ lệ những người “sống một mình” từ 23% tăng lên 35%. Hiện tại những người sống một mình cũng giữ tỉ lệ cao nhất.

 

Các sản phẩm dành cho một người có xu hướng gia tăng

Một ví dụ tiêu biểu là sản phẩm cà ri ăn liền bán tại các siêu thị. Theo công ty nghiên cứu thị trường INTAGE, 2018 là năm đầu tiên doanh thu sốt cà ri đậm đặc chế biến sẵn dành cho một người đã vượt qua sản phẩm dành cho hộ gia đình.

 

Ngay cả chương trình nấu ăn nổi tiếng “Món ngon hôm nay” của đài NHK cũng đã thay đổi từ việc giới thiệu nguyên liệu cho 4 người sang cho 2 người từ năm 2019 và gần đây là cho 1 người.

 

Các công ty du lịch cũng dần chú ý vào các chuyến du lịch cho 1 người. Một công ty du lịch có trụ sở tại Tokyo đã lên kế hoạch cho 1000 chuyến đi dành cho 1 người và thu hút tới 50.000 người tham gia.

 

Những người cao tuổi không phụ thuộc vào gia đình

Sự gia tăng nhanh chóng của những người sống 1 mình ở Nhật Bản trong những năm Heisei với tỉ lệ cứ 3 người thì có 1 người là người trên 65 tuổi. Theo phân tích của giáo sư Naoyoshi Karakama đại học Ritsumeikan thì một nửa trong số những người cao tuổi sống 1 mình đang có cuộc sống “nghèo nàn” với thu nhập dưới mức tiêu chuẩn.

 

Một ví dụ điển hình là ông Hiroshi Ogawa năm nay 74 tuổi. Ông kết hôn năm 20 tuổi và có 1 cô con gái. Vợ ông đã mất vì bệnh ung thư. Sau đó con gái ông kết hôn và ông sống 1 mình đã hơn 10 năm qua. Thu nhập chính của ông Ogawa là lương hưu. Mặc dù đã từng làm việc ở một công ty in ấn nhưng vì có một khoảng thời gian ông không làm việc chính thức nên số tiền ông nhận được hàng tháng chỉ là 90.000 yên (18 triệu đồng). Trừ tiền ăn và chi phí điện nước thì hầu như ông chẳng còn lại gì trong tay. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng ông không muốn dựa dẫm vào con gái nên ngay cả khi đã hơn 70 tuổi ông vẫn làm việc bán thời gian 2 tiếng 1 ngày, 4 ngày 1 tuần để có thêm thu nhập.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Viện nghiên cứu xã hội Hakuhodo vào năm 2016 thì có đến 94% người cao tuổi “không muốn tạo thêm gánh nặng kinh tế cho con cái” như ông Ogawa.

Những người phụ nữ cao tuổi chỉ làm nội trợ khi li hôn thường có cuộc sống rất khó khăn và được nhận khoảng 40.000 yên (8 triệu đồng) mỗi tháng. Số tiền này rất khó để họ có thể ở một mình, trả tiền nhà, hoá đơn điện nước, chi phí sinh hoạt…

Hệ thống lương hưu quốc gia Nhật Bản được xây dựng trên giả định rằng cuộc sống được duy trì bằng tiền lương hưu của cả vợ và chồng. Tuy nhiên nếu lương hưu tính cho sinh hoạt phí dành cho 1 người thì thực sự khó khăn. Có nhiều người trên 70 tuổi nhận mức lương hưu 75.000 yên (14 triệu đồng) mỗi tháng đã được chính quyền tư vấn làm thêm để cải thiện cuộc sống.

 

Thách thức mới dành cho chính quyền

Lương hưu cho những người không lao động chính quy và lao động tự do là khoảng 50.000 yên (10 triệu đồng) một tháng. Hệ thống lương hưu hiện nay sẽ có sự chênh lệch về số tiền nhận được hàng tháng tuỳ theo vị trí làm việc và lương. Những người không phải nhân viên chính thức, các bà nội trợ sau li hôn sẽ nhận được số tiền khá thấp.

Làm thế nào để hỗ trợ người cao tuổi sống 1 mình hiện là vấn đề lớn cho chính quyền. Đây cũng là thách thức liên quan đến chi phí an sinh xã hội, nguồn lực tài chính mà cả xã hội Nhật Bản cần phải đối diện.

 

Tham khảo: NHK

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る