Những điều cần biết để bảo vệ trẻ em khỏi bị say nắng trong mùa hè

Tại thành phố Toyota, tỉnh Aichi, một cậu bé là học sinh tiểu học năm thứ nhất sau khi tham gia vào lớp học ngoại khoá ở công viên cách trường học 1km đã mất ý thức và ngã xuống khi trở về trường. Em đã tử vong ngày 17/7 tại bệnh viện, nguyên nhân được xác định là do say nắng.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ em có nguy cơ bị say nắng cao hơn người lớn rất nhiều.

 

Nguyên nhân trẻ em dễ bị say nắng

Khả năng điều tiết thân nhiệt chưa hoàn thiện

Trẻ em thường được gắn với hình ảnh mồ hôi ướt đẫm nhưng sự thật là chức năng tiết mồ hôi của các bé chưa hoàn thiện. Do đó so với người lớn thì trẻ em cần nhiều thời gian từ lúc cơ thể cảm nhận được nhiệt độ của môi trường cho đến lúc cơ thể tiết ra mồ hôi, việc hạ thân nhiệt xuống cũng mất thời gian hơn. Chính vì vậy cơ thể trẻ em hấp thụ nhiệt cũng nhanh hơn người lớn.

Phản xạ nhiệt

Trẻ em có diện tích bề mặt cơ thể lớn hơn so với trọng lượng cơ thể nên dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường xung quanh như nhiệt độ… Ngoài ra, do trẻ em thấp hơn người lớn nên cơ thể phải nhận nhiều hơn sự phản xạ nhiệt từ mặt đất. Ví dụ nhiệt độ trên khuôn mặt của người lớn là 32 độ thì trẻ em sẽ là khoảng 35 độ.

Ngay cả khi cho trẻ em ngồi trong xe đẩy cũng phải hết sức chú ý đến phản xạ nhiệt do xe đẩy ở vị trí khá gần mặt đất.

Chưa tự bảo vệ được bản thân

Trẻ em khi vui chơi thường quên hết mọi thứ xung quanh và không hề nhận ra rằng cơ thể có sự thay đổi.

 

Các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bị say nắng

Giấc ngủ

Không có gì quan trọng hơn việc ngủ đủ giấc, thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể dễ bị say nắng hơn so với bình thường. Khi ngủ cần tạo trạng thái cơ thể tốt nhất cho trẻ như sử dụng quạt, điều hoà ở mức vừa đủ.

Buổi sáng với 1 chén súp miso

Khi trời nóng và bị ra mồ hôi, cơ thể sẽ mất nước và muối. 1 chén súp miso vào buổi sáng sẽ giúp cung cấp lượng muối cần thiết cho cơ thể.

Công thức bổ sung cả nước và muối

Bạn có thể tự làm đồ uống cung cấp cả nước và muối cho cơ thể theo công thức sau: 1 lít nước và nửa thìa cà phê muối (muối biển hoặc muối tinh). Có thể cho thêm nước ép của hoa quả hoặc rau củ vào để dễ uống.

Chú ý đến màu của nước tiểu

Nếu nước tiểu có màu đậm thì cần phải đặc biệt chú ý. Mức an toàn của màu nước tiểu là màu vàng chanh, nếu màu đậm hơn thì nhất định phải bổ sung thêm nước cho cơ thể. Đối với trẻ sơ sinh, khi thay tã cha mẹ cần chú ý quan sát màu nước tiểu của trẻ và quan sát màu nước tiểu của bản thân để điều chỉnh bổ sung nước. Nếu số lần đi tiểu ít hơn so với bình thường cũng có thể là dấu hiệu của việc thiếu nước.

 

Dấu hiệu trẻ bị say nắng

Khi trẻ đang vui chơi mà có dấu hiệu ngáp ngủ hoặc đổ nhiều mồ hôi, đau chân tay… thì cha mẹ cần hết sức lưu ý. Nếu trẻ mệt mỏi, buồn nôn, sau đó là đau đầu và co giật thì rất có thể trẻ đã bị say nắng ở mức độ nặng.

 

Xử lí khi trẻ có dấu hiệu say nắng

Khi các triệu chứng xuất hiện, cần nới lỏng quần áo của trẻ, đưa trẻ vào nơi thoáng mát, đặt trẻ ở trạng thái nằm, đầu không gối cao, cho trẻ uống nước từ từ từng chút một. Giữ cơ thể ở nơi thoáng mát, đắp khăn ướt ở các vị trí như: cổ, hai bên nách, 2 bên bẹn, tháo tất… Nếu cơ thể trẻ trên 40 độ và không ra mồ hôi, có biểu hiện mất ý thức cần gọi ngay cấp cứu. Trong lúc chờ xe cấp cứu đến phải liên tục làm mát cơ thể trẻ.

Những gia đình có con nhỏ đặc biệt nên chú ý tới các biện pháp để bảo vệ con em mình khỏi bị say nắng trong mùa hè này.

Nguồn: NHK

bình luận

ページトップに戻る