Cách phân loại rác và vứt rác đúng ở Nhật Bản




Ở Nhật Bản, các loại rác thải đều được phân loại trước khi mang vứt. Nếu bạn đang sống hoặc có ý định đến Nhật Bản thì điều quan trọng đó chính là biết cách phân loại rác. Tùy vào khu vực bạn sinh sống mà sẽ có cách phân loại rác khác nhau, tuy nhiên cũng sẽ có những điểm chung cơ bản, hãy nhớ nó nếu có thể nhé!

LocoBee sẽ giải thích thật kỹ cho các bạn những điểm khó khăn trong việc phân loại và vứt rác nhé!

Cách vứt rác

Tùy vào khu vực bạn sinh sống mà việc vứt rác cũng khác nhau, nhưng về cơ bản nó không có nhiều sự thay đổi. Phân loại rác và đặt vào đúng nơi quy định vào ngày quy định trong tuần. Thậm chí nếu bạn vứt rác ở bên ngoài nơi quy định hoặc không đúng ngày quy định sẽ không được thu gom, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh nên hãy thật lưu ý nhé.

Ngoài ra, khi vứt bỏ rác, bạn nên cho rác vào trong túi bóng trong suốt có thể nhìn thấy được bên trong. Nếu bạn để chúng trong một túi có màu không nhìn thấy được bên trong, sẽ có những trường hợp rác của bạn không được thu gom. Ở Nhật cũng có cả quạ, mèo lạc, chó lạc có thể sẽ lục lọi túi rác, chính vì thế hãy buộc thật chặt túi rác trước khi mang vứt đi và đặt nó ở đúng nơi quy định.

 

Rác cháy được

  • Rác tươi sống (hãy lọc bỏ hết nước trước khi vứt)
  • Vỏ sò, vỏ trứng
  • Dầu dùng cho nấu ăn (được thấm bằng giấy hoặc vải, hoặc dạng vón cục)
  • Giấy phế thải (những loại không thể tái chế được nữa)
  • Tã, những loại rác sinh lý…
  • Cành gỗ, hoa (hãy thu gọn kích thước dưới 30 cm)
  • Quần áo
  • Các thùng hoặc hộp chứa bằng nhựa không còn bám bẩn (hộp đựng natto, hộp đựng mayonnaise…phải rửa qua trước khi mang vứt)
  • Túi da, giày da,…
  • Sản phẩm cao su (găng tay cao su, ống cao su, giày, bóng…)
  • Băng đĩa video, CD, DVD…
  • Các sản phẩm nhựa không có nhãn nhựa…



Rác không cháy được

  • Sản phẩm kim loại mà không thể tháo các bộ phận bằng nhựa
  • Kính, đồ gốm, dao kéo (Hãy đặt nó trong túi và viết chữ 危険“Nguy hiểm” ở bên ngoài)
  • Đồ dùng gia đình nhỏ dưới 30 cm (nếu lớn hơn sẽ được xem là rác cỡ lớn)
  • Kim loại
  • Bình phun, bật lửa, xi lanh… ( Hãy loại bỏ hết đồ ở bên trong bình)
  • Bóng đèn sáng, đèn huỳnh quang ( Hãy bọc nó trong hộp giấy trước khi vất đi)

Nhựa có thể tái chế

Những sản phẩm nhựa có gắn ký hiệu プラ và không bị bẩn  đều thuộc loại rác nhựa có thể tái chế. Trước khi mang vứt hãy lưu ý phải rửa sạch vết bẩn còn sót trên hộp. Tùy vào từng khu vực, có những khu vực ngoài khay đựng thức ăn ra tất cả đều được xem là rác cháy được. Chính vì điều đó khi đến nơi ở mới hãy tìm hiểu về cách phân loại và vứt rác ở khu vực bạn sinh sống nhé.

→ Bạn có thực sự cần đến ống hút nhựa?

Những sản phẩm được gắn mắc プラ vào những hộp nhựa, túi chứa các sản phẩm như thực phẩm, quần áo đều thuộc loại rác nhựa có thể tái chế.

  • Khay đựng thức ăn
  • Cốc đựng pudding và sữa chua
  • Hộp nhựa đựng trứng, dâu tây, đậu phụ…
  • Chai đựng như dầu gội đầu, chất tẩy rửa…
  • Các vật liệu đệm như thùng xốp, hộp xốp…
  • Túi nhựa, túi bánh kẹo…
  • Nắp chai của các chai nước, nắp vung…



Giấy cũ, giấy đã qua sử dụng

Giấy đã sử dụng là các loại như giấy báo, bìa giấy, giấy gói, giấy linh tinh (tạp chí, bưu thiếp, hộp bánh kẹo…) là những loại giấy có thể tái chế được. Hãy chia nó thành 4 loại sau đây rồi buộc riêng từng loại giấy  trước khi mang vứt.

  • Giấy báo (Bao gồm cả tờ rơi các loại…)
  • Tạp chí
  • Bìa cacton
  • Gói giấy (phía bên trong có màu trắng)

Dưới đây là những loại rác không thể xem như là rác giấy tái chế được mà là loại rác cháy được.

  • Những vật liệu không phải là giấy (chẳng hạn như bao giấy mà bên trong được phủ bằng nhôm)
  • Giấy không thấm được (cốc giấy, giấy dầu, giấy sáp…)
  • Giấy nhiệt, giấy carbon, giấy không carbon, ảnh…
  • Giấy dầu, giấy lụa…

 

Bình, lon, chai nhựa

  1. Đổ tất cả các dung dịch còn thừa trong chai, rửa qua bằng nước để loại bỏ bẩn.
  2. Cho vào khu vực vứt lon, chai, bình vào ngày thu gom rác.

【Chai nhựa PET】

Những sản phẩm có gắn ký hiệu loại chai nhựa PET (bên trong hình tam giác có số 1 và phía dưới sẽ có ký hiệu PET) thì sẽ được xếp vào loại này. Hãy tháo nắp và nhãn nilon bên ngoài ra, rửa sạch bên trong chai nhựa và nghiền nát nó, cho vào túi có thể nhìn thấy bên trong và đặc biệt lưu ý phải tháo nắp ra. Đối với những bao bì nhựa không có dán nhãn PET thì được xếp vào loại rác có thể cháy được.

【Bình】

Những chai nước giải khát như nước trái cây, rượu vang, thức uống dinh dưỡng, các chai thực phẩm, chai gia vị…

※ Bình không phải là loại rác có thể tái chế

×Chai mỹ phẩm ×Chai dầu ăn ×Chai bị vỡ → Đây là những loại rác không cháy được

【Lon】

  • Những lon như nước trái cây, đồ uống có cồn, cà phê…
  • Những lon thực phẩm đóng hộp như trà, bột nhão, bánh quy…
Nhãn nhôm (アルミマーク) Nhãn thép (スチールマーク)

 

Những ký hiệu nhôm, hoặc nhãn thép có thể được ký hiệu trên lon



Rác cỡ lớn

Những loại rác có kích thước vượt quá 30cm được xem là rác cỡ lớn. Để thu gom rác cỡ lớn phải đăng ký với trung tâm thu gom rác cỡ lớn ở mỗi khu vực, tiến hành các thủ tục cần thiết và mua “Phiếu thu gom rác cỡ lớn”, dán vào bên ngoài bề mặt của rác và đặt nó ở đúng nơi quy định hoặc mang đến nơi được hướng dẫn.

Đăng ký thu gom rác cỡ lớn có thể đăng ký trực tiếp trên mạng hoặc gọi điện thoại. Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ với trung tâm thu gom rác cỡ lớn của địa phương.

※ Những sản phẩm sau đây không được chấp nhận là rác cỡ lớn: tivi, máy lạnh, tủ lạnh, tủ đông, máy giặt, máy sấy quần áo, máy tính cá nhân, đàn piano…

 

Bạn sẽ phải làm gì nếu nó không được công nhận là rác thải cỡ lớn?

Trong số các thiết bị gia dụng, máy điều hòa không khí, ti vi, tủ lạnh, máy giặt và máy sấy quần áo là những thiết bị được coi là các sản phẩm được nhà sản xuất thu hồi lại và sử dụng cho việc tái chế theo luật tái chế thiết bị gia dụng.

Mỗi người phải tự yêu cầu các nhà sản xuất và các đại lý điện tử gia dụng thu gom lại sản phẩm. Trong trường hợp này sẽ phải trả phí tái chế và thu phí vận chuyển.

 

Bảng tóm tắt những thông tin về việc thu gom rác thông thường

Những loại rác trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản đều cần phải phân loại như đã nêu ở trên. Nếu nghi ngờ đây là loại rác gì, hãy hỏi những người Nhật, bạn bè mà bạn biết. Khi mang vứt rác, hãy để nó trong một túi rác trong suốt có thể nhìn thấy bên trong. Tùy vào từng khu vực sẽ chỉ chấp nhận những loại túi rác đã yêu cầu nên hãy xác nhận thật rõ ràng. Những loại rác có kích thước lớn hơn 30 cm sẽ được coi là rác thải thô, trong nhiều trường hợp sẽ phải thực hiện các thủ tục đặc biệt. Về thiết bị gia dụng và máy tính cá nhân, không thể thể vứt đi như những loại rác thông thường. Yêu cầu xử lý thu gom đến các nhà sản xuất và các cửa hàng bán đồ điện gia dụng.

Nếu có những thứ bạn không biết hãy hỏi người Nhật. Nếu bạn vứt rác không đúng cách, không đúng quy định cũng có thể bị phạt, vì vậy hãy thật sự chú ý.

 

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.



bình luận

ページトップに戻る