Một buổi nomikai ở Nhật diễn ra như thế nào?

Khi đi làm tại các công ty Nhật, chắc chắn bạn sẽ phải tham gia vào các buổi nomikai hay còn gọi là bữa nhậu. Một số dịp như tất niên – bonenkai, năm mới, sinh nhật sếp hay ăn mừng một việc gì đó trong công ty là những lí do người Nhật tổ chức nomikai. Để tránh những lúng túng khi tham gia buổi tiệc, hãy tìm hiểu xem một buổi nomikai diễn ra như thế nào nhé!

Văn hoá công ty Nhật – Ý nghĩa của việc tham gia các sự kiện bên trong và bên ngoài công ty

Một buổi nomikai ở Nhật sẽ qua các bước như sau:
① Lời chào từ người phụ trách
② Chào khai tiệc
③ Nâng cốc chúc mừng
④ Trò chuyện và dùng bữa
⑤ Lời kết thúc

 

① Lời chào từ người phụ trách

Người phụ trách (kanji – 幹事) là người sắp xếp, đặt chỗ, đại diện thanh toán… cho buổi tiệc hôm đó. Trước khi vào tiệc, người chủ trì sẽ có vài lời chào hỏi, giới thiệu đơn giản.

Ví dụ: 本日はお集まり頂き有難うございます。幹事の○○(自分の名前)です。よろしくお願いします。早速、○○社長(部長)に一言ご挨拶を頂きたいと思います

(Honjitsu wa o atsumari itadaki arigatougozaimasu/Kanji no ○○ desu/Yoroshikuonegaishimasu/Sassoku,○○ shacho (bucho) ni hitokoto go aisatsu o itadakitai to omoimasu)

Nghĩa: Trân trọng cảm ơn mọi người đã tới góp mặt trong buổi tiệc ngày hôm nay. Tôi tên là xx, là người phụ trách bữa tiệc hôm nay. Mong mọi người giúp đỡ. Ngay bây giờ, rất mong Giám đốc (Trưởng phòng), anh/chị xx lên phát biểu vài lời.

Lời chào từ người chủ trì cần ngắn gọn, súc tích.

 

② Chào khai tiệc

Thông thường, người có chức vụ cao nhất tại buổi tiệc sẽ phát biểu vài lời, chào hỏi mọi người, người này có thể là giám đốc hoặc trưởng phòng…

Nếu muốn họ phát biểu thì hãy có lời yêu cầu trước buổi tiệc để tránh họ bị bất ngờ, bị động.

 

③ Nâng cốc chúc mừng

Sau lời chào đầu buổi tiệc sẽ đến phần nâng cốc.

Trong văn hóa ăn nhậu Nhật Bản, người tham gia buổi tiệc sẽ nâng cốc có rót đồ uống (bia, rượu,…) và cùng nói “kanpai – 乾杯” có nghĩa là “cạn chén” rồi mới uống. Chú ý, không được phép uống trước khi thực hiện phần nâng cốc chúc mừng này.

“Kanpai” có thể do người thực hiện lời chào đầu buổi tiệc nói hoặc chuyển cho người khác nói. Vì không có quy tắc cụ thể nào cả nên có thể là người chủ trì buổi tiệc nói, cũng có thể là người nào đó thường cổ động tinh thần của mọi người hoặc là một người được giao nhiệm vụ khuấy động buổi tiệc ngày hôm đó nói.

 

④ Trò chuyện và dùng bữa

Sau đó, mọi người sẽ bắt đầu dùng bữa, vừa uống vừa trò chuyện thoải mái.

Đây là cơ hội tốt để bạn có thể làm quen thêm nhiều người, trò chuyện với cả những người mà bình thường không có điều kiện giao lưu. Thông thường để phục vụ cho phần nâng cốc đầu tiên, cốc đầu tiên mọi người sẽ uống bia, sau đó, từ cốc thứ hai trở đi có thể tùy ý chọn loại đồ uống mà mình thích.

Nếu thấy cốc của người khác vơi đi, hãy rót thêm bia cho họ hoặc hỏi xem họ muốn gọi thêm đồ uống gì.

 

⑤ Lời kết thúc

Cuối cùng, khi kết thúc buổi nomikai sẽ có lời chào kết thúc. Lời kết thúc này thường do người có chức vụ cao thứ hai nói nhưng hãy nhớ phải có lời nhờ họ trước. Nếu như người đó đã quá chén thì có thể nhờ người khác.

Ví dụ có thể nói “今後も頑張りましょう!” (kongo mo ganbarimasho), nghĩa là “Từ nay về sau cũng tiếp tục cùng nhau cố gắng” rồi kết thúc buổi tiệc tại đó.

Với quá trình như trên, một buổi nomikai thường sẽ kéo dài khoảng từ 2 tiếng đến 2 tiếng rưỡi. Có hai phần phát biểu ở đầu và cuối buổi tiệc, cơ bản mà nói thì đây là một buổi tiệc giao lưu ăn uống trò chuyện nên đừng lo lắng mà hãy thoải mái tận hưởng. Nếu bạn là nhân viên mới thì hãy trò chuyện về các đam mê hay kì vọng của mình chẳng hạn. Phát biểu trong buổi nomikai chỉ cần chú ý đảm bảo ngắn gọn súc tích là bạn đã ghi điểm rồi.

Văn hoá công ty Nhật: 5 nguyên tắc cần ghi nhớ tại bàn tiệc

 

Kazuharu (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る