Chi phí dỡ bỏ nhà hoang tăng 17 lần trong 3 năm

Nhà hoang hay nhà bỏ hoang là những ngôi nhà mà bình thường không có người ở. Tính đến thời điểm tháng 10 năm 2018 trên toàn Nhật Bản có 8.490.000 ngôi nhà hoang. Do những ngôi nhà hoang có nguy cơ bị sụp đổ nếu cứ để nguyên như vậy nên chính quyền địa phương buộc phải thực hiện các biện pháp dỡ bỏ.

Theo điều tra của đài NHK, trong năm 2018 toàn quốc có 67 nhà hoang cần bắt buộc dỡ bỏ, tổng chi phí dỡ bỏ lên tới 380 triệu yên (80 tỉ đồng). So với năm 2015 khi Luật thực thi đặc biệt được ủng hộ để chính quyền địa phương dỡ bỏ nhà hoang, con số này đã tăng lên tới 17 lần.

8 hệ luỵ nghiêm trọng của vấn đề dân số già ở Nhật Bản

Những ngôi nhà hoang tiềm ẩn các nguy cơ như rơi mái ngói xuống đường đi, dễ phát sinh hoả hoạn, ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh… Mặt khác, do chính quyền địa phương không thể liên lạc với chủ sở hữu ngôi nhà hoặc chủ sở hữu đã qua đời nên việc thu hồi lại chi phí dỡ bỏ rất khó thực hiện, hơn 90% số tiền này là sử dụng tiền công.

Tại thành phố Katori tỉnh Chiba, có ít nhất 120 ngôi nhà hoang nguy hiểm đã được xác nhận. Trong trường hợp chủ sở hữu qua đời, người ta sẽ xác định vợ/chồng và con cái thông qua hộ khẩu. Tuy nhiên với những trường hợp số người liên quan lên đến hàng chục người thì việc liên hệ với từng người để xác định chủ sở hữu là cực kì mất thời gian và công sức, chưa kể chính quyền cũng không có nhân viên chuyên trách về vấn đề này. Năm 2015 thành phố đã thực hiện dỡ bỏ một số ngôi nhà hoang không có chủ sở hữu hoặc không xác định được chủ sở hữu, chi phí dỡ bỏ tiêu tốn ít nhất 15 triệu yên và sử dụng tiền từ quỹ công của thành phố.

Theo điều tra của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số lượng nhà hoang năm 1963 là 520.000 căn, đến năm 1998 tăng lên 10 lần là 5.750.000 căn, năm 2008 là 7.570.000 căn và năm 2018 là 8.490.000 căn. Cùng với đó số lượng nhà hoang không có sự quản lí trong thời gian dài dần trở nên nguy hiểm cũng đang tăng lên.

 

Thành phố Kofu tỉnh Yamanashi là nơi có tỉ lệ nhà hoang cao nhất Nhật Bản. Từ năm 2017 chính quyền thành phố đã phải lập ra một phòng ban mới với 5 nhân viên chỉ để phụ trách vấn đề về nhà hoang. Toàn thành phố có khoảng 3.000 ngôi nhà hoang, 44 căn thuộc diện nguy hiểm có khả năng sụp đổ cao. Thành phố đã liên hệ với chủ sở hữu để gửi tài liệu cải thiện cùng với hiện trạng ngôi nhà nhưng rất nhiều trường hợp không phản hồi lại hoặc do thoái thác vì lí do tài chính. Được biết ở Nhật Bản thuế tài sản cố định sẽ được giảm kể cả đó có là nhà hoang. Người ta nói rằng nếu nhà bị dỡ bỏ thì cái mất sẽ nhiều hơn cái được nên đó là lí do tại sao mà chủ sở hữu không tiến hành chủ động dỡ bỏ nhà hoang.

Nhiều chuyên gia đang lên tiếng cần có các biện pháp hỗ trợ cho việc dỡ bỏ nhà như huỷ bỏ việc giảm thuế tài sản cho nhà trống, đưa ra ưu đãi về thuế khi chủ sở hữu chủ động dỡ bỏ nhà hoang…

Cập nhật tin tức về Nhật Bản

 

Tổng hợp LOCOBEE

* Bài viết thuc bn quyn ca LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoc s dng khi chưa có s đng ý chính thc ca LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る