[Người Nhật nghĩ gì?] Học sinh tiểu học chuẩn bị năm học mới như thế nào?

Mùa hoa anh đào tháng 4 tại Nhật Bản báo hiệu thời điểm trẻ em tốt nghiệp cuối cấp và bước vào năm học mới. Giai đoạn chuyển từ nhà trẻ/trường mẫu giáo sang tiểu học được coi là bước ngoặt mới đối với cả học sinh và các bậc phụ huynh. Công tác chuẩn bị cho học sinh tiểu học ở Nhật Bản thường như thế nào? Học sinh tiểu học tại Nhật Bản đi học có khác gì so với học sinh tiểu học ở Việt Nam không?

Cùng giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết sau của LocoBee nhé!

 

Nhật Bản 6-3-3 Việt Nam 5-4-3

Khác biệt lớn nhất trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản và Việt Nam là số năm học của cấp 1 và cấp 2. Ưu điểm của 6 năm tiểu học được cho là để tạo mối giao lưu giữa các lứa tuổi. Học sinh lớp dưới (1 đến 3) coi lớp trên như hình mẫu và học sinh lớp trên được học sinh lớp dưới lấy làm gương khiến các em tăng thêm lòng tự trọng. Ngoài ra, giai đoạn tiểu học là lúc trẻ em lớn rất nhanh nên giáo viên có thể vừa hướng dẫn vừa theo dõi sự phát triển của các em liên tục.

 

Đồ mang đi học

randoseru

Cũng giống như nhà trẻ/trường mẫu giáo, học sinh tiểu học sẽ cần có các loại túi đựng khác nhau dùng cho từng mục đích sử dụng như: túi đựng quần áo thể dục, túi đựng dụng cụ học tập, túi đựng đồ ăn trưa… Mỗi trường tiểu học sẽ có quy định riêng về kích thước các loại túi hay dụng cụ học tập nên phụ huynh cần kiểm tra thông báo về những thứ cần thiết để nhập học từ trường để không mua phải những thứ không cần thiết, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Ngoài ra tất cả mọi thứ mang đi học đều phải ghi tên cá nhân để tránh thất lạc hoặc cầm nhầm. Chính vì thế nếu gia đình nào có con sinh đôi, sinh ba… thì riêng việc viết tên lên dụng cụ học toán (que tính…) cũng đủ mệt vài đêm!

Mặc dù không bắt buộc nhưng hầu hết học sinh tiểu học tại Nhật đều dùng cặp Randoseru cho 6 năm liền. Giá của loại cặp này thường từ 20.000 yên (khoảng 4 triệu đồng) trở lên và có nhiều thiết kế khác nhau cho phụ huynh và học sinh lựa chọn.

Mức giá và màu sắc được yêu thích của cặp chống gù lưng randoseru ở Nhật

 

Lộ trình đến trường

tiểu học

Khác với học sinh ở Việt Nam được người thân đưa đi/đón về tận cổng trường, học sinh tiểu học ở Nhật khi đi học sẽ được chia thành từng nhóm nhỏ theo khu vực sống, có địa điểm và giờ gặp nhau cố định mỗi buổi sáng. Các em sẽ xếp thành một hàng nối đuôi nhau với học sinh lớp lớn hơn đi đầu và đi cuối để “chốt đoàn”. Tuy nhiên khi tan học các em sẽ tự về một mình hoặc đi cùng bạn bè, bố mẹ sẽ chờ ở nhà hoặc điểm tập kết ban sáng để chờ con về.

Trước khi khai giảng năm học mới, nhiều gia đình cùng con đi dạo trên con đường đến trường để quan sát các ngã tư và những đoạn đường nguy hiểm. Gia đình nào có lo lắng về con cái thì có thể đến điểm tập kết buổi sáng cùng con và đợi con ở ngã tư gần nhà nhất khi đến giờ tan học.

 

Bài tập về nhà

Về cơ bản học sinh tiểu học đã làm bài tập về nhà trong khi học trên trường. Thời gian còn lại sau khi tan học các em có thể ra công viên chơi cùng nhau, đăng kí các lớp học ngoại khoá… Tuy nhiên càng lên lớp lớn hơn thì số lượng bài tập và dụng cụ học tập sẽ càng tăng.

 

Ngủ trưa

tiểu học

Tại nhà trẻ/trường mẫu giáo Nhật Bản, trẻ em lớp 3 tuổi trở đi sẽ bỏ giấc ngủ trưa để chuẩn bị cho việc vào tiểu học. Điều này khác hẳn với giáo dục tiểu học tại Việt Nam khi luôn duy trì hình thức bán trú bao gồm ăn và ngủ tại lớp học.

 

Chi phí học tiểu học

Ở bậc tiểu học, học sinh tại các trường công lập được miễn học phí nhưng đồ dùng học tập như văn phòng phẩm và nhạc cụ cùng các vật dụng phụ huynh đều phải tự trả phí. Thông thường tốn nhiều tiền nhất là học sinh lớp 1 do phải chuẩn bị đồ dùng học tập và học sinh lớp 6 phải đi dã ngoại và chuẩn bị tốt nghiệp. Theo “Khảo sát chi phí giáo dục trẻ em năm 2018” của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản thì tổng chi phí cho trẻ em học tại các trường tiểu học công lập từ lớp 1 đến lớp 6 như sau:

Đơn vị tính: yên

Quy đổi: 1 yên ~ 180 đồng

Chi phí học tập Chi phí giáo dục tại trường Chi phí ăn trưa tại trường Chi phí hoạt động ngoại khoá
Lớp 1 350,860 109,753 43,105 198,002
Lớp 2 263,310 36,477 43,667 183,166
Lớp 3 292,950 46,674 43,425 202,851
Lớp 4 309,617 45,661 44,217 219,739
Lớp 5 339,132 56,358 43,927 238,847
Lớp 6 370,940 84,511 43,995 242,434
  • Chi phí hoạt động ngoại khóa bao gồm chi phí học thêm (học thêm ở nhà, học thêm ở trung tâm,…), chi hoạt động ngoại khóa (hoạt động văn nghệ, thể thao, giải trí,…)
  • Chi phí giáo dục tại trường bao gồm đồ dùng học tập, tài liệu đào tạo thí nghiệm và thực tế, đồ dùng đi lại, chi phí học tập ngoài thực tế, tham quan…

Trên thực tế, một trong những thứ dao động nhiều nhất ở học sinh tiểu học là “chi phí học thêm”. Mức trung bình hàng năm cho học sinh lớp 1 là 17.991 yên, nhưng nó đã tăng đáng kể lên 84.579 yên cho học sinh lớp 5 và 96.289 yên cho học sinh lớp 6. Riêng về điểm này thì Nhật Bản và Việt Nam đều khá giống nhau nhỉ?

 

Lời khuyên từ các mẹ Nhật

  • Không mua trước dụng cụ học tập theo sở thích của mình hoặc con, hãy đợi đến khi trường có thông báo về danh sách đồ dùng học tập cần chuẩn bị mới đi mua, như vậy sẽ không lãng phí thời gian và tiền bạc
  • Dạy con kĩ năng sử dụng điện thoại công cộng, nhà vệ sinh xổm kiểu Nhật, cách xử lí tấm phủ chống nước cặp randoseru sau khi đi trời mưa, tự thay quần áo, tự xỏ giày và buộc dây
  • Dành thời gian đi cùng con từ nhà đến trường để ghi nhớ các ngã tư, tránh những chỗ có thể xuất hiện người xấu, tránh đường tắt không an toàn, tốt nhất là chọn tuyến đường an toàn với nhiều người đi bộ và dễ nhìn thấy. Học về các quy tắc giao thông như: chỉ qua đường trên vạch kẻ cho người đi bộ, dừng lại khi đèn đỏ, giơ cao tay khi qua đường, nhìn trái phải trước khi qua đường
  • Đặt giới hạn và luyện tập cho con hoàn thành việc chuẩn bị đi học trước giờ nhất định
  • Nhắc nhở con rằng phải về nhà cất cặp sách trước khi đến nhà bạn hoặc ra ngoài chơi
  • Dạy trẻ đọc Hiragana, tốt nhất là trẻ nên nhớ được tên mình để dễ dàng tìm đồ khi ở trường
  • Khuyến khích con tập thói quen đi vệ sinh trước giờ học và trong giờ giải lao
  • Luyện khả năng ngồi trên ghế trong thời gian dài (30-45 phút)

Trường tiểu học là nơi của cuộc sống tập thể. Nhiều trường có lớp đông hơn nhà trẻ và mẫu giáo nên trẻ em phải học cách tự chăm sóc bản thân. Vì vậy, ý thức chuẩn bị cho việc bước vào trường tiểu học trong những năm cuối cấp là điều nên làm.

Vì sao trẻ em Nhật không thích nhà vệ sinh ngồi xổm kiểu Nhật?

Bạn nghĩ thế nào về vấn đề này? Hãy cho LocoBee biết ngay dưới phần bình luận nhé! 

Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí! 

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN LOCOBEE

 

Tổng hợp: LocoBee

bình luận

ページトップに戻る