“Phong toả” là gì theo Luật các biện pháp đặc biệt đối phó với virus corona chủng mới?

Kiểm tra thông tin chính xác nhất về bệnh truyền nhiễm do virus corona chủng mới từ các cơ quan công quyền.

Cuối tháng 3, người dân Nhật Bản cũng như người Việt tại Nhật truyền tai nhau về thông tin thủ đô Tokyo sẽ phong toả từ ngày 1/4/2020. Điều này xuất phát từ việc Thị trưởng thành phố Tokyo bà Koike đề xuất từ “phong toả” trong cuộc họp chuyên gia của chính phủ ngày 19/3.

Ở một số thành phố nước ngoài, phong toả đã được thực hiện như biện pháp cứng rắn để đóng cửa thành phố trong vài tuần, chỉ mở cửa với cửa hàng nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống và người dân không được đi ra ngoài. Đây được cho là hành động có hiệu quả để hạn chế COVID-19 lây lan trên diện rộng.

Nhật Bản là nhà nước pháp quyền. Dù có thực hiện phong toả thành phố thì cũng cần phải tuân theo Luật pháp. Dựa trên “Luật các biện pháp đặc biệt đối phó với virus corona chủng mới” được thực thi ngày 14 tháng 3, (sau đây gọi tắt là Luật) mà chúng ta có một số thông tin như sau:

 

1. Phong toả có được định nghĩa trong Luật không?

Trong Luật không có chỗ nào có từ “phong toả”. Phong toả là khái niệm trừu tượng không có định nghĩa rõ ràng. Nếu phong toả thực sự xảy ra, điều kiện tiên quyết là chính phủ phải ban hành “tuyên bố tình trạng khẩn cấp”.

 

2. Nếu có “tuyên bố tình trạng khẩn cấp” người dân có bị cưỡng chế cấm ra ngoài không?

Luật không thể cưỡng chế cấm người dân ra ngoài. Điều 45 viết rằng có thể yêu cầu người dân tự giác không đi ra ngoài. Tóm lại đây chỉ là yêu cầu.

[Điều 45] Thị trưởng/tỉnh trưởng có thể yêu cầu người dân hợp tác để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm như không ra khỏi nhà hoặc nơi tương tự trừ trường hợp cần thiết để duy trì cuộc sống.

 

3. Pháp, Ý, Anh và các quốc gia khác có hình phạt đối với những người vi phạm quy định cấm ra ngoài được ghi rõ trong luật pháp. Nếu là Nhật Bản liệu có hình phạt nào cho người vi phạm việc ra ngoài không?

Không có hình phạt nào cho việc không tuân thủ yêu cầu hạn chế ra ngoài.

 

4. Yêu cầu hạn chế ra ngoài tại Tokyo vào ngày 28 và 29 tháng 3 có khác gì với yêu cầu hạn chế ra ngoài sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp không?

Cả 2 đều là yêu cầu và không có gì khác biệt. Yêu cầu hạn chế ra ngoài vào cuối tháng 3 do chính quyền thành phố Tokyo kêu gọi và không theo luật nào cả. Tuy nhiên việc này đã góp phần tác động vào ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh.

 

5. Các sự kiện có thể bị buộc dừng lại không?

Khoản 2 Điều 45 có đề cập đến việc tổ chức sự kiện. Trước tiên thị trưởng/tỉnh trưởng sẽ yêu cầu không tổ chức và nếu không được thực thi nhà chức trách có thể “chỉ thị”. Mặc dù không có hình phạt nào nếu bị “chỉ thị” song phía tổ chức sẽ phải có sự cân nhắc trước sức mạnh của pháp luật. Nếu buộc phải ra “chỉ thị”, tên doanh nghiệp sẽ xuất hiện trên các trang chủ một cách công khai như một biện pháp răn đe.

 

6. Việc đóng cửa các trường học như thế nào?

Cũng theo Khoản 2 Điều 45 việc đóng cửa trường học có thể là yêu cầu hoặc chỉ thị. Các trường cấp 3 cấp tỉnh thuộc thẩm quyền quyết định của thị trưởng/tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng có thể yêu cầu đóng cửa các trường cấp 1 và cấp 2 tư thục và cấp thành phố… Nếu các trường không thực hiện sẽ có thể đưa ra “chỉ thị”. Không có hình phạt nào cho việc này.

 

7. Đóng cửa hàng quán

Khoản 2 Điều 45 cũng quy định các cơ sở có nhiều người sử dụng có thể được yêu cầu hạn chế hoặc tạm ngừng sử dụng. Các cơ sở có nhiều người sử dụng bao gồm: nhà hát, rạp chiếu phim, phòng triển lãm, cửa hàng bách hóa, siêu thị, khách sạn, nhà trọ, phòng tập thể dục, sân chơi bowling, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, thư viện, quán rượu, câu lạc bộ đêm, phòng khiêu vũ, cửa hàng cắt tóc, trường học lái xe, trường học thêm… Tuy nhiên, các cơ sở bán nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu… có thể tiếp tục hoạt động như bình thường.

 

8. Các công ty tư nhân có bị buộc phải đóng cửa không?

Không có quy định trực tiếp nào cho điều này. Việc dừng hoạt động kinh tế tư nhân không được nêu ra ở bất cứ đâu trong luật. Doanh nghiệp có thể tự kiểm soát nhân viên, cho nghỉ hoặc ở nhà làm việc từ xa…

 

9. Giao thông công cộng như đường sắt và xe buýt có bị ngừng hoạt động không?

Việc ngừng phương tiện giao thông công cộng để phong toả thành phố không được pháp luật quy định. Dù dịch bệnh có lây lan thì các nhân viên làm việc cho phương tiện công cộng vẫn phải làm việc do đó ít nhất thì theo dự đoán việc dừng đường sắt là không xảy ra.

 

10. Các con đường có bị phong toả không?

Theo nguyên tắc chung tỉnh trưởng có thể quản lí con đường thuộc tỉnh đó nhưng không có thẩm quyền để chặn nó lại theo Luật. Nếu khu vực bị nhiễm bệnh không được khử trùng đầy đủ nó sẽ bị đóng cửa trong vòng 72 giờ hoặc cắt phương tiện giao thông để ngăn chặn người dân tập trung tại đó. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp để khử trùng chứ không phải để ngăn chặn hoạt động của người dân.

 

11. Chính phủ có thể mua và phân phối khẩu trang không?

Theo Điều 55, các cơ sở sản xuất buôn bán khẩu trang có thể bị yêu cầu bán lại khẩu trang và vật tư cần thiết cho chính phủ. Nếu không hợp tác sẽ có các biện pháp cưỡng chế. Khi có dịch xảy ra tại Hokkaido chính phủ đã mua khẩu trang và phân phát chúng cho Hokkaido cũng như các tổ chức y tế để ổn định cuộc sống.

 

12. Sử dụng đất và các công trình xây dựng

Theo Khoản 2 Điều 49 tỉnh trưởng có thể sử dụng đất và công trình xây dựng mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu. Điều này được gọi là thực thi ngay lập tức và có tính cưỡng chế.

 

Với đặc trưng của người dân Nhật Bản, có quan điểm cho rằng sẽ có nhiều người không hợp tác nếu không có yêu cầu pháp luật. Việc chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ có tác dụng tâm lí làm giảm nhu cầu ra ngoài của người dân, các doanh nghiệp chuyển sang làm việc từ xa và các cửa hàng đóng cửa tạm thời.

Phân tích dữ liệu về độ tuổi mắc COVID-19 tại Tokyo

 

Theo NHK

bình luận

ページトップに戻る