Hỏi đáp về ảnh hưởng của COVID-19 đối với trẻ em

Kiểm tra thông tin chính xác nhất về bệnh truyền nhiễm do virus corona chủng mới từ các cơ quan công quyền.

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho con người và kinh tế. Đến nay thông tin về sự liên quan của chủng virus corona mới này tới trẻ em vẫn còn hạn chế. Dưới đây là một số câu hỏi đáp về triệu chứng bệnh và chú ý đối với trẻ em từ Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản – Japan Pediatric Society.

 

Trẻ em mắc COVID-19 sẽ có triệu chứng gì?

Hiện nay thông tin trả lời cho câu hỏi này vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo từ Trung Quốc, trong số 9.692 người được chẩn đoán mắc bệnh tính đến 30/1/2020 chỉ có 28 trẻ em từ 1 tháng đến 17 tuổi. Tuy nhiên đến 11/2 thì con số trẻ em mắc bệnh đã lên tới 965. Tổng hợp các báo báo cho thấy nhiều trường hợp là lây nhiễm trong gia đình. So với các triệu chứng thông thường như sốt, ho khan, suy nhược cơ thể thì các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp trên như chảy nước mũi, tắc mũi ít hơn. Một số bệnh nhân lại bị triệu chứng liên quan đến đường tiêu hoá như tiêu chảy, đau bụng…

Dù có xét nghiệm máu thì cũng không có đặc trưng rõ ràng. Một số bệnh nhân được xác nhận bị viêm phổi sau khi x-quang ngực và CT phổi nhưng thường sẽ khỏi bệnh sau 1-2 tuần. Cũng có trường hợp người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng gì cần hết sức chú ý đối với trẻ em không có triệu chứng rõ ràng.

 

Trẻ em mắc COVID-19 có thể biến chứng nặng không?

Hiện tại đã ghi nhận các ca nhiễm bệnh là người lớn chuyển biến nặng như phải dùng máy thở để hỗ trợ hô hấp. Các báo báo cho thấy có rất ít trường hợp bệnh nhân là trẻ em bị biến chứng nặng. Tuy nhiên giống như người lớn, khi mắc bệnh sau khoảng 1 tuần trẻ em cũng có khả năng trong thời gian ngắn gặp khó khăn về hô hấp. So với các chủng virus corona khác như SARS và MERS thì đa số trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng bệnh nhẹ và chỉ có 1 phần chuyển thành nặng.

 

Trẻ em mắc bệnh mãn tính như hen suyễn cần chú ý điều gì?

Thông thường trẻ em mắc bệnh mãn tính như về hô hấp như hen suyễn có khả năng gặp biến chứng nặng hơn. Tuy nhiên tuỳ theo bệnh nền mà nguy cơ và cách xử lí sẽ khác nhau, do đó cần có ý kiến từ bác sĩ chuyên môn. Quan trọng nhất là không để trẻ vào vùng có nguy cơ lây nhiễm hoặc lại gần người có nguy cơ lây nhiễm.

 

Có nên cho trẻ ngừng bú sữa mẹ?

Nếu mẹ mắc bệnh thì trẻ cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh do đó cần tránh tiếp xúc trực tiếp. Hiện chưa có thông tin rõ ràng nào về độ an toàn của sữa mẹ nhưng theo báo cáo từ Trung Quốc trên 6 người mẹ đang trong thời gian cho con bú bị nhiễm bệnh thì không tìm thấy virus trong sữa mẹ. Do đó nếu tình trạng sức khoẻ của mẹ ổn định (không sốt…) thì mẹ có thể rửa tay sạch sẽ rồi vắt sữa ra bình cho em bé bú.

 

Trẻ em đeo khẩu trang có tốt không? Nếu không thể đeo khẩu trang thì nên làm gì?

Từ thông tin tránh tiếp xúc trực tiếp với giọt tiết khi người bệnh hắt hơi và ho thì việc đeo khẩu trang có đem lại hiệu quả. Tuy nhiên thường rất khó để cho trẻ em đeo khẩu trang hoặc trẻ quá nhỏ để có thể đeo khẩu trang. Đa số trẻ em mắc bệnh là do bị truyền nhiễm từ người thân trong gia đình nên cách tốt nhất là người nhiễm bệnh luôn giữ khoảng cách trên 1-2m với trẻ. Bên cạnh đó cần thực hiện rửa tay sạch sẽ và khử trùng đồ chơi cho trẻ thường xuyên.

 

Có nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu nghĩ rằng trẻ có khả năng đã mắc bệnh?

Tính đến 27/2/2020 Nhật Bản chỉ ghi nhận vài ca trẻ em mắc COVID-19. So với các bệnh do virus khác như cúm thì số ca nhiễm bệnh là tương đương. Mặc dù có nghi ngờ nhiễm bệnh nhưng không phải trường hợp nào cũng được kiểm tra để xác nhận bệnh. Ngược lại còn kéo theo nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Bên cạnh đó, với những người mắc COVID-19 nhưng có triệu chứng nhẹ thì không cần phải có biện pháp điều trị đặc thù. Trong giai đoạn hiện nay ngoài những trường hợp cần nhập viện như thở gấp, tức ngực, khó thở, mặt biến sắc, có triệu chứng viêm phổi… thì không nên đến khám tại các cơ sở y tế.

Tiêu chuẩn mắc COVID-19 từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật bản là sốt trên 37,5℃ trong 4 ngày. Đối với người lớn và người cao tuổi thì có thể là đúng nhưng với trẻ em thì nhiều khả năng là “cảm lạnh”. Khi thấy trẻ có biểu hiện như sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân, khó thở, nói chuyện khó khăn, mệt mỏi cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh.

 

Có nên tránh cho trẻ ra ngoài và chơi với bạn bè trong thời gian nghỉ học?

Vận động và vui chơi là điều quan trọng đối với sự phát triển thể chất và tâm lí của trẻ em. Nếu bảo đảm được những điều sau thì có thể để trẻ ra ngoài chơi cùng bạn bè mà vẫn giảm được nguy cơ mắc bệnh.

<Vui chơi ngoài trời>

Việc vui chơi ngoài trời được cho là có nguy cơ lây nhiễm bệnh khá thấp nhưng vẫn cần chú ý các điểm sau:

  • Nếu có triệu chứng cảm cúm (đau họng, ho, sốt) thì không nên cho trẻ ra ngoài
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi chạm vào những nơi có nhiều người chạm vào
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn uống

<Vui chơi trong nhà>

So với vui chơi ngoài trời thì vui chơi trong nhà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nên cần chú ý các điểm sau:

  • Cố gắng xác định xung quanh không có ai nhiễm bệnh
  • Không có người đang mắc bệnh nền hoặc người cao tuổi ở nơi vui chơi
  • Trong gia đình không có người bị cảm cúm (đau họng, ho, sốt…)
  • Nơi vui chơi có ít người
  • Nắm rõ thông tin về bố/mẹ/người bảo hộ của trẻ đang chơi cùng con/cháu mình
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi chạm vào những nơi có nhiều người chạm vào
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn uống

Số vụ ngược đãi trẻ em năm 2019 cao nhất trong lịch sử

 

Theo jpeds

bình luận

ページトップに戻る