Tình trạng thực tập sinh nữ bị “quấy rối thai sản” tại Nhật Bản

Hành vi “quấy rối thai sản” (マタハラ đọc là matahara) đang diễn ra phổ biến ở các thực tập sinh kỹ thuật người nước ngoài. Vào tháng 10 năm 2023, một phụ nữ Philippines làm việc tại một cơ sở phúc lợi dành cho người già ở tỉnh Fukuoka đã bị đình chỉ ca làm do mang thai và bị buộc nghỉ việc để trở về quê hương. Cô ấy đã kiện cơ sở phúc lợi đó và tổ chức giám sát đã đứng ra làm trung gian cho việc tiếp nhận.

Những vụ kiện tụng này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nơi có hàng nghìn thực tập sinh đã bị sa thải và buộc phải trở về nước vì mang thai hoặc sinh con. Dường như có một quan điểm phổ biến ở các công ty ở Nhật Bản rằng “thực tập sinh là những người “thấp cổ bé họng” nên không có sự lựa chọn nào khác”, nhưng “matahara” là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và đi ngược lại luật pháp của Nhật Bản. Trên toàn cầu, càng ngày càng có nhiều quan điểm phản đối những hành vi “matahara” tại Nhật Bản.

Do sự chỉ trích ngày càng tăng từ nước ngoài nên ngày 23 tháng 1, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã công bố kết quả điều tra về việc đối xử bất lợi với thực tập sinh kỹ thuật do mang thai và sinh con. Đây là cuộc điều tra đầu tiên được chính phủ Nhật Bản tiến hành về tình trạng quấy rối khi mang thai và sinh con thường xuyên xảy ra trong các thực tập sinh kỹ thuật. Sau đây, hãy cùng LocoBee tìm hiểu về nội dung cuộc điều tra này dựa trên các trường hợp cụ thể về tình huống mà thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài gặp phải.

 

Cứ 4 người thì có 1 người được thông báo rằng họ sẽ phải về nước nếu có thai

thực tập sinh

Với các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh con của thực tập sinh kỹ thuật đang được quan tâm và được báo cáo trên khắp cả nước, lần đầu tiên Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề này. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2023 và nhận được phản hồi từ 650 thực tập sinh kỹ thuật.

Câu hỏi được đặt ra là “Bạn có bị sa thải hay bị yêu cầu về nước vì mang thai hoặc sinh con hay không? hay là “Bạn đã bao giờ bị trực tiếp yêu cầu thôi việc (hoặc về nước) chưa?”. Trong số các câu trả lời nhận được, 26,5% số người được hỏi trả lời “Có”. Nói cách khác, cứ 4 người thì sẽ có 1 người được hỏi trả lời là công ty của họ đã thực sự nói rằng nếu họ có thai, họ sẽ bị sa thải, hoặc không chỉ bị sa thải mà còn bị buộc phải về nước ngay lập tức. Ngay cả khi vẫn còn thời gian trong hợp đồng thì các thực tập sinh vẫn bị công ty đối xử như vậy. Đó là điều đang diễn ra ở khắp Nhật Bản.

Khi được hỏi họ nhận được những lời đe dọa ​​như vậy từ ai, 73,8% số người được hỏi cho biết họ nhận được những ý kiến ​​đó từ “cơ quan phái cử là một công ty môi giới địa phương”, 14,9% cho biết “tổ chức giám sát là nhà môi giới Nhật Bản” và 11,3% cho biết họ nhận được từ “công ty Nhật Bản nơi họ làm việc”. Ngoài ra, khảo sát này cho thấy 5,2% nhân viên bị buộc đồng ý bằng văn bản rằng nếu có thai, họ sẽ bị sa thải hoặc phải về nước. Cuộc khảo sát này cho thấy việc bị sa thải nếu có thai không phải là “tin đồn” mà thực tế các công ty đang hành động như vậy.

Tất nhiên, việc sa thải hoặc những thay đổi bất lợi cho người lao động do họ mang thai hoặc sinh con đều bị cấm. Theo Đạo luật Cơ hội Việc làm Bình đẳng, các hành vi này là bất hợp pháp. Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động cũng đảm bảo người lao động mang thai có quyền được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con. Tất cả các luật này áp dụng cho cả thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài vì họ cũng là người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc khảo sát này cho thấy cứ 4 người thì có ít nhất 1 người bị đối xử bất hợp pháp tại nơi làm việc của họ.

Ngoài ra, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, chính các nhà môi giới địa phương đưa ra những quy định, cuộc khảo sát này cũng cho thấy cũng có những trường hợp các công ty hoặc nhà môi giới ở Nhật Bản là bên đưa ra những tuyên bố như vậy. Rất khó để áp dụng luật nội địa của Nhật Bản như Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động cho các nhà môi giới địa phương, nhưng hành động của các công ty Nhật Bản có thể nói rõ ràng là hành vi bất hợp pháp vi phạm Đạo luật Cơ hội Việc làm Bình đẳng.

 

Những bà mẹ là thực tập sinh kỹ thuật bị đe dọa nhiều lần

thực tập sinh

Trên thực tế, tình trạng “quấy rối thai sản” đối với thực tập sinh kỹ thuật đã được báo cáo nhiều lần. Ví dụ, một thực tập sinh kỹ thuật phát hiện mình có thai ngay sau 1 tháng đến Nhật Bản và bị nhân viên tại cơ sở đào tạo yêu cầu lựa chọn giữa việc phá thai hoặc trở về nước, đồng thời cũng yêu cầu cô gái đó uống thuốc phá thai. Một cựu nhân viên của một cơ sở đào tạo khác trả lời rằng: “Các công ty muốn thực tập sinh của họ làm việc hiệu quả. Nếu một phụ nữ mang thai, năng lực sản xuất sẽ giảm. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến việc công ty cho thực tập sinh nghỉ thai sản”. ‘

Tóm lại, từ góc độ các công ty tuyển dụng thực tập sinh kỹ thuật, các công ty đều thẳng thắn tuyên bố rằng việc mang thai và sinh con của người lao động chẳng qua là một “chi phí không mong muốn”. Trên thực tế, có những trường hợp phụ nữ có nguy cơ bị “ép về nước” vì mang thai. Vào tháng 6 năm 2011, một thực tập sinh kỹ thuật người Trung Quốc đang làm việc tại Furuta Foods, một công ty thực phẩm ở thành phố Toyama, đã bị sa thải vì đang mang thai và bị ép đưa đến sân bay Toyama để trở về Trung Quốc.

Cũng có vụ việc thực tập sinh bị sẩy thai do quá sốc. Trong vụ án này, người phụ nữ đã khởi kiện công ty và tổ chức giám sát Hiệp hội Hợp tác xã Tái chế Thực phẩm (Tokyo) và tòa án tuyên rằng công ty phải chịu trách nhiệm. Khi một thực tập sinh kỹ thuật người Sri Lanka làm việc tại một nhà máy sản xuất thực phẩm ở tỉnh Saitama nói với tổ chức giám sát của cô ấy rằng cô ấy đang mang thai, cô ấy đã được thông báo: “Bạn có 2 lựa chọn: quay trở lại Sri Lanka hoặc sinh con ở Nhật Bản”. Ngay cả trước khi đến Nhật Bản, cô đã được thông báo rằng khóa đào tạo kỹ thuật của cô sẽ kết thúc nếu cô mang thai.

Ngoài ra, trong những năm qua, có nhiều báo cáo về việc thực tập sinh kỹ thuật “bỏ rơi” trẻ sơ sinh. Ví dụ, cô Linh (?), một thực tập sinh kỹ thuật người Việt đang làm việc tại một trang trại ở Kumamoto, đã sinh đôi tại nhà vào tháng 11 năm 2020 mà không dám báo ​​công ty hay tổ chức giám sát vì nghĩ rằng nếu họ phát hiện ra cô có thai, họ sẽ đuổi cô ấy về nước. Ngay sau khi hai bé ngừng thở, cô đã bọc thi thể và đặt vào hộp bìa cứng, dẫn đến việc cô bị bắt vì tội bỏ xác.

Điều chúng ta có thể thấy từ việc này là mặc dù hành vi quấy rối “matahara” đối với thực tập sinh kỹ thuật đã được báo cáo nhiều lần và thậm chí đã bị đưa ra tòa nhưng hành vi xâm phạm quyền lợi thực tập sinh của các công ty vẫn chưa dừng lại. Có lẽ không có công ty nào không biết rằng những thay đổi bất lợi do mang thai hoặc sinh con là bất hợp pháp, nên đúng như nhân viên cơ sở đào tạo đã đề cập lúc đầu, họ nghĩ rằng “Nếu bạn có thai, năng lực sản xuất của bạn sẽ giảm.” Họ đang lặp lại quá trình sa thải công nhân và tiếp nhận những thực tập sinh kỹ thuật mới, những người có thể giúp họ làm việc hiệu quả hơn.

Vì sao các vụ việc thực tập sinh kỹ năng Việt Nam bỏ rơi thai nhi liên tiếp xảy ra?

 

Chỉ 2% thực tập sinh kỹ thuật trở lại làm việc sau khi sinh con

thực tập sinh

Người ta tin rằng đây là lần đầu tiên chính phủ tiến hành một cuộc điều tra, dựa trên thực tế là các vấn đề đã được nêu ra dưới nhiều hình thức khác nhau liên quan đến việc mang thai và sinh con trong số các thực tập sinh kỹ thuật. NPO POSSE nhận được hàng trăm tư vấn từ các thực tập sinh kỹ thuật mỗi năm, trong đó có nhiều tư vấn liên quan đến mang thai và sinh nở.

Điều này cũng có thể được xác nhận từ số liệu thống kê trước đây của chính phủ. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong số 637 người bị đình chỉ đào tạo thực tập sinh kỹ thuật do mang thai hoặc sinh con trong khoảng thời gian 3 năm 2 tháng từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 12 năm 2020, chỉ một số ít được xác nhận là có tiếp tục đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của họ. Tỷ lệ phụ nữ có thể tiếp tục đào tạo kỹ thuật (tức là quay trở lại làm việc) sau khi mang thai hoặc sinh con là dưới 2%.

 

Tại sao hành vi quấy rối thai sản đối với thực tập sinh kỹ thuật lại nghiêm trọng đến vậy?

thực tập sinh kỹ năng

Nguyên nhân là do thực tập sinh kỹ thuật không được phép thay đổi công việc theo hệ thống. Thực tập sinh kỹ thuật được pháp luật yêu cầu phải tiếp tục làm việc tại cùng một công ty và nơi làm việc trong vòng 3 đến 5 năm và việc thay đổi công việc chỉ được phép trong một số trường hợp hạn chế, chẳng hạn như khi một công ty phá sản. Kết quả là, ngay cả khi xảy ra vấn đề lao động tại nơi làm việc, họ cũng bị đẩy vào tình thế khó có thể lên tiếng vì việc rời bỏ công việc gần như liên quan trực tiếp đến việc trở về quê hương.

Hơn nữa, nhiều thực tập sinh kỹ thuật còn vay tiền để trang trải chi phí khi sang Nhật Bản. Theo một cuộc khảo sát quốc gia, tổng số nợ trung bình là khoảng 550.000 yên, trong đó người Việt Nam phải trả số tiền cao nhất với mức trung bình là 670.000 yên. Việc thực hiện các quyền của mình trong tình huống phải trả nợ là một trở ngại rất lớn vì bạn có nguy cơ phải trở về quê hương nếu nghỉ việc. Hơn nữa, những người lao động đang gánh nợ nần và không được phép thay đổi công việc được khắp thế giới gọi là “nô lệ nợ nần”, và trên thực tế, hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản đã bị nước ngoài chỉ trích là “hệ thống nô lệ hiện đại”.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy rõ rằng nhiều thực tập sinh kỹ thuật không hài lòng với nơi làm việc của mình và đang tìm cách cải thiện. Năm tài chính vừa qua, Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật cho Người nước ngoài đã nhận được khoảng 24.000 lượt tư vấn. Vì số lượng thực tập sinh kỹ thuật là khoảng 320.000 người, một phép tính đơn giản cho thấy cứ 13 đến 14 người trong số họ thì có một người tư vấn về môi trường làm việc của họ và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Điều cần làm lúc này là các thực tập sinh kỹ thuật đang gặp khó khăn cần được hỗ trợ để thực sự giải quyết các vấn đề nếu có thai. Nghỉ thai sản và chăm sóc con cái là quyền tự nhiên của người lao động ở Nhật Bản, bất kể quốc tịch của họ ra sao. Tuy nhiên, việc khẳng định quyền lợi của một mình công ty là điều khó khăn và sự hỗ trợ từ những người xung quanh là điều cần thiết.

Để thay đổi tình trạng bất công đang phổ biến hiện nay, nếu bạn nhận thấy bất cứ điều gì về môi trường làm việc của bản thân hoặc của các thực tập sinh kỹ thuật xung quanh bạn, hoặc nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào muốn trao đổi, vui lòng liên hệ với bộ phận chuyên môn để nhận được sự trợ giúp.

Hai người Việt bị bắt vì bán que thử thai trái phép cho thực tập sinh

 

Nguồn: yahoo

Biên tập: LocoBee

bình luận

ページトップに戻る