Thử lái xe khi say rượu tại Fukuoka

Cảnh sát tỉnh Fukuoka cho biết có khoảng 80% số người bị bắt vì nghi ngờ hoặc bị buộc tội lái xe trong tình trạng say rượu với nồng độ cồn cao đáng kể khi kiểm tra bằng máy đo chuyên dụng. Hầu hết những người lái xe đó ý thức được tình trạng say xỉn của mình nhưng tại sao họ lại vẫn dám ngồi sau tay lái?

 

Tai nạn vì lái xe khi say rượu

uống rượu lái xe

Vào tháng 8 năm 2006, một chiếc ô tô do một nhân viên công chức thành phố Fukuoka cầm lái khi say rượu đã đâm một ô tô khác từ phía sau trên cầu Uminonakamichi Ohashi ở phường Higashi của thành phố Fukuoka. Hậu quả là khiến chiếc xe bị đâm lao xuống biển và có 3 em nhỏ ngồi trong xe đã thiệt mạng. Trước lễ kỷ niệm 17 năm vụ tai nạn vào ngày 25/8, cảnh sát tỉnh đã bố trí cho các tài xế địa phương trải nghiệm sự nguy hiểm của việc lái xe khi say.

Trong vụ tai nạn trên cầu Uminonakamichi Ohashi năm 2006, người lái xe gây ra vụ va chạm chết người đã nói với các nhà điều tra rằng bản thân say rượu nhưng nghĩ mình có thể lái xe ổn. Theo lệnh thực thi Luật Giao thông Đường bộ, tiêu chuẩn phạt lái xe khi say rượu được đặt ở mức 0,15 mg cồn/lít hơi thở. Nếu nồng độ cồn từ 0,15 mg đến dưới 0,25 mg, người lái xe bị phạt hành chính 90 ngày. Nếu nồng độ cồn đạt 0,25 mg trở lên, người lái xe được phân loại là người có nồng độ cồn cao và bị thu hồi giấy phép trong 2 năm.

 

Thử lái xe khi say rượu

Tại trường dạy lái xe Chikushino ở thành phố Chikushino, tỉnh Fukuoka, một bài giảng dựa trên trải nghiệm đã được tổ chức vào ngày 21 tháng 8 để cho phép người dân địa phương thử lái xe khi say rượu, qua đó hiểu được sự nguy hiểm của hành vi này. Một nhân viên của trường nói với những người tham gia: “Chúng tôi sẽ cho bạn trải nghiệm việc lái xe thay đổi như thế nào trước và sau khi uống rượu”.

Tại sự kiện thử nghiệm, có 3 thử thách đang chờ đợi người lái trong suốt chặng đường

  • Một con dốc để đổi hướng trong khi tránh chướng ngại vật
  • Một đường cong hình chữ S
  • Một đường quay hẹp với những khúc cua hẹp

Đầu tiên người trải nghiệm đã cố gắng giải quyết tất cả những điều này một cách tỉnh táo và Kubota Shojiro – phó hiệu trưởng trường dạy lái xe nói rằng việc lái xe không có vấn đề gì cả. Sau đó, người này uống một lon bia 350ml, một cốc rượu mơ “umeshu” và rượu”shochu”, cả hai đều được pha loãng với nước trong khoảng một giờ. Máy kiểm tra hơi thở đã phát hiện 0,30mg cồn/lít hơi thở, gấp đôi ngưỡng DUI là 0,15 mg. Người này tuy có đỏ mặt nhưng nói rằng bản thân tỉnh táo và cảm thấy như mình có thể lái xe. Tuy nhiên, ngay sau khi khởi động xe, người ngồi ghế phụ lái đã nhận thấy điều bất thường. Người lái xe lúc này đang say rượu nên liên tục tăng tốc và giảm tốc độ theo các đường thẳng và khúc cua ở đoạn đầu khi không cần thiết. Mặc dù người này vượt qua đoạn dốc mà không gặp chướng ngại vật nào nhưng ông Kubota đã chặn tài xế lại khi chuẩn bị đi vào khúc cua hình chữ S bởi người lái xe đi vào khúc cua với tốc độ nhanh hơn trước khi uống rượu, đồng thời rẽ quá rộng khiến xe đi chệch sang làn đường đối diện. Ônng Kubota lưu ý thêm về tác động của việc uống rượu rằng: “Mặc dù rượu làm chậm các kỹ năng mà mọi người cần khi lái như khả năng nhận thức, phán đoán và khả năng điều khiển phương tiện nhưng người lái xe vẫn cho rằng họ đang lái xe an toàn – đó mới chính là mối nguy hiểm khi lái xe mà say rượu”.

 

Số liệu thực tế

uống rượu lái xe

Theo cảnh sát tỉnh Fukuoka, trong số 1.391 người bị bắt vì nghi ngờ hoặc bị buộc tội DUI vào năm 2022, có 80,7% tương đương 1.122 người được phát hiện có nồng độ cồn cao bằng hoặc cao hơn mức chuẩn 0,25 mg. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, có 672 trong số 883 người bị bắt hoặc bị buộc tội vì nghi ngờ DUI, tương đương 76,1% cho thấy xu hướng tương tự vẫn đang tiếp tục.

Những người lái xe thường xuyên say rượu có thể có khả năng lặp lại các hành vi tương tự dựa trên kinh nghiệm uống rượu và lái xe trong quá khứ của họ mà không gây ra tai nạn và bỏ trốn mà không bị bắt hoặc phải đối mặt với các cáo buộc khác. Những người lái xe đó dường như quá tự tin vào kỹ năng lái xe của mình, nhưng theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, phân tích đã chỉ ra rằng xác suất xảy ra tai nạn giao thông gây tử vong ở những người lái xe say rượu cao hơn khoảng 7 lần so với những người lái xe tỉnh táo.

Furukawa Yoichi, phó giám đốc bộ phận thực thi giao thông của cảnh sát tỉnh nói: “Chúng tôi kêu gọi mọi người hiểu rõ rủi ro trước khi uống rượu. Tốt nhất là ngay từ đầu không lái xe đến quán rượu izakaya, vì một khi đã say, họ sẽ không thể đưa ra những phán xét bình thường được.”

* DUI: Lái xe dưới sự ảnh hưởng của rượu/bia hoặc ma túy

Mối liên hệ giữa rượu và bệnh teo não theo nghiên cứu Nhật Bản

 

Nguồn: www.police.pref.fukuoka.jp

Biên tập: LocoBee

bình luận

ページトップに戻る