Chú ý với cách ghi nhãn thực phẩm sống tại siêu thị Nhật Bản

Tháng trước, 1 người đàn ông khoảng 30 tuổi sống ở thành phố Funabashi, tỉnh Chiba đã mua cá hồi cắt lát với nhãn dán 生秋鮭切身 ở siêu thị và ăn sống, sau đó bị ngộ độc thực phẩm Anisakis (loại giun tròn kí sinh trong cá). Anh nói rằng mình ăn sống vì trên nhãn dán có ghi chữ 生 (tươi sống).

Theo điều tra của Trung tâm Y tế thành phố Funabashi, người đàn ông để cá mua vào tủ đông một lúc để thịt cá giòn, ngấm gia vị rồi cắt thành miếng vừa ăn. Có thể thấy đó là cách làm của những người nghĩ rằng thực phẩm có thể ăn sống. Tuy nhiên, chữ 生 trên nhãn dán không có nghĩa là “thực phẩm có thể ăn sống” mà đúng ra “phải làm chín bằng nhiệt”. Siêu thị bán cá đã phản hồi với trung tâm y tế rằng việc dán nhãn là 生 để chỉ thực phẩm này không phải sản phẩm đông lạnh.

Theo Luật ghi nhãn thực phẩm, đối với hải sản đóng gói mà có thể ăn luôn khi mua về sẽ phải ghi là 生食用 (dùng ăn sống) hoặc 刺し身用 (dùng làm sashimi) hoặc そのままお召し上がりになれます (có thể ăn luôn). Mặt khác, không có nghĩa vụ nào bắt buộc phải ghi nhãn hải sản cần chế biến là 加熱用 (dùng chế biến).

Việc dùng nhãn dán có chữ 生 là để nhấn mạnh sự tươi ngon và tương phản với các thực phẩm muối như cá hồi muối và cá thu muối. Có thể nói, việc trưng bày hàng hóa của siêu thị đã nằm trong phạm vi nội quy. Tuy nhiên, khá nhiều người thích ăn đồ hải sản sống nói rằng họ không hiểu ý nghĩa của nó theo cách trên. Ngoài ra, khi trung tâm y tế thông báo đến các cửa hàng cá và siêu thị trong thành phố, một số nơi đã phản hồi rằng thỉnh thoảng có những hiểu lầm tương tự. Một số nơi đã không dùng nhãn dán 生 mà chuyển thành 加熱用. Người phụ trách cho biết đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm đầu tiên do ghi nhãn hiểu lầm về nhãn dán trong thành phố nhưng trên thực tế vẫn có một số người lầm tưởng rằng 生 là có thể ăn sống.

Khi đi siêu thị hãy chú ý chọn thực phẩm với nhãn dán có ghi rõ là có thể ăn sống như 生食用 hoặc 刺し身用. Với những nhãn dán không ghi như vậy, bao gồm cả nhãn dán có chữ 生 thì phải chế biến trước khi ăn. Việc ghi nhãn thực phẩm rất tại Nhật khá phức tạp và người mua hàng, nhất là các bà nội trợ cần chuẩn bị kiến ​​thức bằng tiếng Nhật.

Sashimi – Món ăn không thể bỏ qua khi tới Nhật Bản

Tên gọi 20 loại cá hay có trong sushi và sashimi

 

Theo asahi

bình luận

ページトップに戻る