[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Luôn tự hào là người Việt Nam!

Nhân vật kì tháng 3 của chuyên mục Câu chuyện người Việt ở Nhật là một trường hợp khá đặc biệt. Chị không sang Nhật theo dạng du học, đi làm hay được sinh ra ở Nhật…

Chị Miyuki Trang 

  • Sinh ra ở Nha Trang
  • Tới Nhật từ khi 7 tháng tuổi
  • Quốc tịch: Việt Nam

 

Quá trình đến Nhật Bản

Mới 7 tháng tuổi chị Trang đã theo bố mẹ lên thuyền tị nạn. Theo câu chuyện mà chị nghe từ người lớn, chị là thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn khi đó. Ngày đó chị vẫn còn được mẹ bồng trên tay, yếu đuối như một con mèo lúc nào cũng rúc vào lòng mẹ. Trong một lần cựa quậy không biết thế nào cô bé ấy đạp tung chiếc la bàn trên tàu – công cụ duy nhất để cả đoàn xác định phương hướng lúc đó – làm rớt và vỡ tan tành. Thế là con tàu chỉ biết theo hướng mặt trời mọc mà đi. Cũng chính nhờ vậy mà cả đoàn đã gặp và được tàu Nhật cứu vớt đến Nhật Bản. Khi tới Nhật, mọi người trong đoàn học một thời gian ở Trung tâm quốc tế – Kokusai Center rồi mới bắt đầu đi làm. Lúc đó mọi người còn không có đến cả hộ chiếu.

Mọi người trong đoàn ngẫm lại rằng nếu như ngày đó chiếc la bàn vẫn còn có lẽ họ đã tới trại tị nạn ở châu Phi thì chắc hẳn cuộc đời của hơn 100 thành viên sẽ khác hoàn toàn với bây giờ nhiều lắm. Ai cũng biết ơn đôi bàn chân bé nhỏ nhưng “đầy sức mạnh” đấy của chị. (cười)

Chị Trang xúc động khi nghe lại câu chuyện về chiếc la bàn

Cuộc hội ngộ ngắn ngủi nhưng giàu cảm xúc sau 28 năm cập bến Nhật Bản

Đây chính là câu chuyện mà chị được các cô bác trong đoàn kể lại sau 28 năm đoàn gặp mặt trên đất Nhật. Đoàn ngày đó giờ đây đang sinh sống tại nhiều quốc gia như Úc, Mỹ, Nhật, Pháp, Canada…

Mặc dù thuyền trưởng có liên lạc của mọi người nhưng để có thể gặp nhau như vậy cũng phải mất gần 2 năm để thực hiện vì ai cũng phải sắp xếp thời gian, tiền bạc, visa… để có 10 ngày gặp nhau tại Nhật Bản.

 

Cảm nhận về Nhật Bản và Việt Nam

Chị Miyuki Trang hiện là mẹ đơn thân sống cùng hai con của mình là một bé gái và một bé trai đang tuổi đến trường.

Theo cảm nhận của chị việc dạy và sinh con ở Nhật Bản khác với Việt Nam nhiều lắm. Nếu như ở Việt Nam các bé ít tuổi sẽ được đưa đón từ trường về nhà thì bên này, trừ lớp mẫu giáo, mầm non ra các bé hầu như đều tự đi, tự về. Các bé ăn uống, hoạt động và học tập nhiều hơn ở trường. Nếu như ở Việt Nam, thật sự chị sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi và dạy con của mình.

Ở Nhật Bản ngoài các chính sách trợ cấp sinh con, trợ cấp khám thai (khác nhau ở từng khu vực sống), các bé khi đi học còn có thể được hỗ trợ tiền đồng phục… Đối với các bé có khuyết tật, chính phủ có các chính sách hỗ trợ như trường dành riêng cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên ở Nhật nhiều bà mẹ vẫn chưa chấp nhận sự thật là con mình có khuyết tật. Theo chị điều này thật sự là không tốt cho sự phát triển cũng như tâm lí của các bé.

Mọi người có thể tham khảo tại:

個別の教育支援計画 – Kế hoạch hỗ trợ giáo dục cá nhân 

Là mẹ đơn thân, chị cũng nhận được khá nhiều trợ cấp hỗ trợ từ chính phủ nhằm giúp đỡ đời sống của mẹ và con từ khi trẻ được sinh ra cho đến tuổi trưởng thành. Tiền trợ cấp sẽ được gửi hàng tháng hoặc 3 ~ 4 tháng/1 lần vào tài khoản của người mẹ cũng như nhiều khoản trợ cấp khác liên quan đến khám sức khoẻ hay nhập viện… Nhật Bản nắm và quản lí rất tốt các thông tin này do đó dù có quên không đăng kí các bà mẹ đơn thân vẫn sẽ được nhận nhắc nhở, thông báo cũng như tư vấn từ cơ quan hành chính để nhận được hỗ trợ.

Các trung tâm tư vấn, bệnh viện, cơ quan hành chính tuỳ từng thành phố, khu vực mà có cả phiên dịch viên đi kèm nên nếu như có khó khăn về ngôn ngữ thì người nước ngoài cũng hoàn toàn có thể được hỗ trợ.

Học phí trung bình của các cấp học ở Nhật Bản là bao nhiêu?

 

Tự hào là người Việt Nam

Mặc dù chế độ ở Nhật rất tốt, hộ chiếu của Nhật rất hiệu lực nhưng chị vẫn chọn cho mình quốc tịch Việt Nam. Chị luôn tự hào là người Việt Nam nên rất tích cực trong việc học tiếng Việt. Chị bắt đầu học tiếng Việt với cuốn từ điển của mẹ. Sau đó khi về Việt Nam chị cũng tìm mua thêm sách và từ điển để học.

Vì có khả năng tiếng Việt nên chị đã bắt đầu đi thông dịch từ năm 15 tuổi. Những lần thông dịch mà chị đã từng tham gia là thông dịch cho thực tập sinh, du học sinh, hỗ trợ phỏng vấn, thông dịch tại Cơ quan xuất nhập cảnh, dẫn đoàn du lịch…

Mỗi lần về Việt Nam chơi chị cũng đều tìm lớp để cho các con của mình có thể học tiếng Việt. Do đó mặc dù sinh ra ở Nhật và học trường với các bạn người Nhật nhưng hai bé nhà chị hoàn toàn có thể nghe và hiểu được tiếng Việt cơ bản.

Theo chị kể, trước đây chị có rất ít bạn người Việt vì người Việt còn chưa tới Nhật nhiều. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, khi mà cộng đồng người Việt Nam ở Nhật nhất là ở các tỉnh thành lớn như Tokyo, Osaka trở nên lớn mạnh thì chị mới quen nhiều bạn người Việt hơn từ việc tham gia vào các sự kiện. Một số sự kiện có thể kể đến đó là Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản.

Cảm ơn những chia sẻ của chị dành tới các bạn đọc của LocoBee. Chúc chị và hai bé luôn mạnh khoẻ và có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Hẹn gặp các bạn đọc của LocoBee tại Câu chuyện người Việt ở Nhật kì tháng 4 nhé! 

Câu chuyện cùng chuyên mục :

[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Công ty Nhật mong muốn điều gì ở nhân viên Việt Nam?

[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Quá trình bảo lãnh gia đình và xin cho con đi nhà trẻ ở Nhật của chàng kĩ sư IT

 

Ngọc Oanh (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る