Các kiểu trường trung học phổ thông ở Nhật

Ở Nhật, tiểu học và trung học cơ sở là bậc giáo dục bắt buộc, tất cả người dân đều có quyền và nghĩa vụ phải theo học. Từ trung học phổ thông trở lên không còn thuộc bậc giáo dục bắt buộc nữa nên có nhiều loại trường trung học phổ thông khác nhau. Do đó trường trung học phổ thông ở Nhật không phải chỉ có một loại mà có rất nhiều loại hình đa dạng khác nhau. Trong bài viết lần này, hãy cùng LocoBee tìm hiểu xem ở Nhật có bao nhiêu kiểu trường trung học phổ thông và những điểm khác biệt giữa chúng.

Các kiểu trường trung học phổ thông

Xét theo bộ phận thành lập trường thì có thể chia thành 3 loại:

  1. Trường trung học phổ thông quốc gia: trường học trực thuộc đại học quốc lập
  2. Trường trung học phổ thông công lập: trường học do chính quyền địa phương thành lập
  3. Trường trung học phổ thông tư thục: trường học do tư nhân tự bỏ vốn thành lập

 

Khác biệt theo giới tính

  1. Trường nam sinh là trường chỉ dành cho học sinh nam theo học
  2. Trường nữ sinh là trường chỉ dành cho học sinh nữ theo học
  3. Trường thông thường là trường dành cho cả nam và nữ theo học

 

Khác biệt trong cách đi học

Về cách đi học, có 3 kiểu trường trung học phổ thông như sau: trường học toàn thời gian, trường học bán thời gian và trường học từ xa

1. Trường học toàn thời gian

  • Thời gian học: hàng ngày, từ sáng đến chiều, học sinh sẽ theo học tại trường từ 5 đến 8 tiếng
  • Lớp học: học sinh học ở trên lớp cùng một nội dung với khoảng vài chục người
  • Chương trình học: thông thường chương trình học sẽ được thiết kế theo từng năm học, ví dụ các bạn năm nhất sẽ học giống nhau, khi lên năm hai sẽ học chương trình nâng cao hơn nhưng vẫn giống nhau
  • Cách nhập học: sau khi hoàn thành 3 năm trung học cơ sở, đa phần học sinh sẽ tham gia kì thi nhập học (thi viết) bao gồm 3 đến 5 môn thi. Bên cạnh đó cũng có một số trường có kết hợp phỏng vấn
  • Tốt nghiệp: để tốt nghiệp, học sinh cần phải đi học đầy đủ, làm đủ các bài kiểm tra và bài tập, lấy đủ học phần của ba năm học
  • Ưu điểm: các môn học có độ khó cao do đó đòi hỏi học sinh phải nỗ lực chăm chỉ hơn. Từ sáng đến chiều học ở trên trường nên sẽ giúp học sinh hình thành thói quen học tập trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi ngày không cần phải tự cân nhắc gì mà cứ theo thời khóa biểu đi đến trường và học tập, điều này giúp cho việc học tập được diễn ra đều đặn, dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp sẽ cao hơn và cũng sẽ kết thêm được nhiều bạn bè hơn
  • Nhược điểm: các bạn học sinh phải dành phần lớn thời gian trong ngày ở trên trường nên ít có thời gian tham gia các hoạt động khác. Nội dung giống nhau nhưng số lượng học sinh trong một lớp đông nên không thể đáp ứng được nhu cầu cũng như trình độ của cá nhân. Phải theo học với lớp đông người nên đây là một vấn đề đối với những bạn không thích đám đông. Trường học cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt nên học sinh sẽ ít tự do hơn

2. Trường học bán thời gian

  • Thời gian học: mỗi ngày sẽ có một số khung giờ học sinh nhất định phải đến trường, ví dụ như 9-12 giờ, 12-15 giờ, 18-21 giờ. Học sinh có thể vừa đi học vừa đi làm
  • Lớp học: có số lượng học sinh ít hơn, môn học cũng do bản thân tự chọn. Số người trong lớp học có thể nhiều có thể ít nhưng phần lớn đều là những lớp học ít người
  • Chương trình học: có những môn học bắt buộc và những môn học tự chọn, tuy nhiên cơ bản thì học sinh được tùy ý chọn những môn học mình thích. Tùy theo sự sắp xếp môn học, học sinh có thể tốt nghiệp được trong vòng 3 đến 4 năm kể từ khi nhập học
  • Cách nhập học: một số ít trường học tổ chức kì thi nhập học với 5 môn thi, bên cạnh đó cũng có nhiều trường tổ chức kì thi với ít môn hơn và có thêm phần bài luận và phỏng vấn. Thí sinh cũng đa dạng, không chỉ là những bạn vừa tốt nghiệp trung học cơ sở mà còn có cả những người lớn tuổi đã từng bỏ học trung học phổ thông hoặc ngày trước không có cơ hội đi học
  • Tốt nghiệp: học sinh đủ điểm chuyên cần và hoàn thành số lượng học phần được yêu cầu, vượt qua các kì thi định kì thì đủ điều kiện tốt nghiệp
  • Ưu điểm: ngoài thời gian lên lớp, học sinh có thời gian để tham gia vào các hoạt động khác. Học sinh cũng có thể tự chọn môn học nên sẽ phù hợp với trình độ và nhu cầu của bản thân hơn, thay đổi lựa chọn và định hướng cũng dễ dàng hơn. Lớp học ít người nên phù hợp với các bạn e ngại đám đông. Phần lớn các trường học bán thời gian đều không có quy định quá nghiêm ngặt, khắt khe. Học sinh có thể đi làm thêm hoặc tương tự
  • Nhược điểm: thời gian lên lớp ít nên khó có thể chuẩn bị đủ kiến thức để thi vào các trường đại học. Số trường học để lựa chọn cũng ít hơn trường học toàn thời gian
  • Đối tượng theo học: nhiều người học hết tiểu học và trung học cơ sở sẽ thi vào trung học phổ thông. Tuy nhiên cũng có nhiều người không có điều kiện đi học tiểu học và trung học cơ sở, hoặc bỏ ngang khi đang học trung học phổ thông, hoặc chưa từng đi học trung học phổ thông, hoặc vừa đi làm vừa đi học,… đây chính là những nhóm người theo học ở các trường bán thời gian

3. Trường học từ xa

  • Thời gian học: cơ bản thì người học sẽ tự học tại nhà là chính. Hàng năm sẽ có một số ít tiết học cần phải học tại trường.
  • Lớp học: học sinh tự học, các trường học sẽ hỗ trợ học sinh theo nhóm nhỏ hoặc cá nhân. Hàng năm sẽ có một số tiết học chấm điểm chuyên cần, đòi hỏi học sinh phải có mặt
  • Chương trình học: có môn học bắt buộc và môn học tự chọn, tuy nhiên về cơ bản thì học sinh được tùy ý chọn những môn mình thích. Tùy theo cách sắp xếp môn học, học sinh có thể tốt nghiệp trong vòng từ 3 đến 4 năm kể từ khi nhập học
  • Cách nhập học: một số ít trường học tổ chức kì thi nhập học với 5 môn thi, bên cạnh đó cũng có nhiều trường tổ chức kì thi với ít môn hơn và có thêm phần bài luận và phỏng vấn. Thí sinh cũng đa dạng, không chỉ là những bạn vừa tốt nghiệp trung học cơ sở mà còn có cả những người lớn tuổi đã từng bỏ học trung học phổ thông hoặc ngày trước không có cơ hội đi học
  • Tốt nghiệp: học sinh đủ điểm chuyên cần và hoàn thành số lượng học phần được yêu cầu, vượt qua các kì thi định kì thì đủ điều kiện tốt nghiệp
  • Ưu điểm: chủ động được thời gian học nên các bạn học sinh có nhiều thời gian tham gia các hoạt động khác hơn. Những người e ngại đám đông hay ngại giao tiếp cũng có thể thoải mái tự học hơn. Trường học hầu như không có quy định gì cả. Vừa đi học, các bạn học sinh có thể vừa đi làm hoặc đi làm thêm
  • Nhược điểm: thời gian lên lớp ít nên khó có thể chuẩn bị đủ kiến thức để thi vào các trường đại học
  • Đối tượng theo học: tương tự như đối tượng của trường học bán thời gian

Trên đây là những kiểu trường trung học phổ thông ở Nhật Bản, từng loại đều có đặc điểm, học phí, cách nhập học và loại hình lớp học khác nhau để lựa chọn, tùy các bạn cân nhắc xem loại trường học nào phù hợp với nhu cầu và mong muốn của chính mình.

Cậu bé 14 tuổi nghỉ học rồi mở trường học về công nghệ
Shinonome Kiri (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る