10 loại đồ ngọt Nhật Bản phổ biến và được yêu thích nhất

Đồ ngọt Nhật Bản hấp dẫn bởi vị ngọt thanh tao và nhẹ nhàng. Nếu bạn vừa ăn đồ ngọt vừa uống trà Nhật Bản sẽ thấy rất thư giãn và thoải mái. Có lẽ đó là lý do khiến nhiều người nói rằng họ thích đồ ngọt Nhật Bản hơn đồ ngọt phương Tây. Trong số tất cả các loại đồ ngọt Nhật Bản, bạn thích món nào nhất?

Tờ báo về ẩm thực Macaroni đã tiến hành cuộc khảo sát có sự tham gia của các độc giả của họ. Kết quả họ nhận được 1.441 phiếu bầu và đưa ra bảng xếp hạng dưới đây. Hãy cùng LocoBee tìm hiểu về danh sách này nhé!

 

Hạng 1: Taiyaki  (126 phiếu bầu)

taiyaki bánh cá Nhật Bản

Quán quân về đồ ngọt Nhật Bản được chọn ở vị trí đầu tiên là Taiyaki hay bánh cá Nhật Bản! Taiyaki là loại bánh hình con cá với nhân đậu đỏ bên trong lớp vỏ mỏng giòn, là món ăn nhẹ rất phổ biến tại Nhật Bản. Gần đây, các loại nhân khác như pho mát, trứng, cà ri… cũng đang thịnh hành. Có nhiều ý kiến ​​khác nhau về việc nên ăn đầu trước hay ăn đuôi trước. Bạn thuộc nhóm nào?

Taiyaki có 2 loại căn cứ vào cách sản xuất “hàng loạt” và “thủ công”. Sản phẩm hàng loạt là những sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn trong một dãy khuôn nướng còn sản phẩm thủ công được nướng cẩn thận từng cái một trong một khuôn nướng duy nhất.

Bánh cá nướng lớn nhất thế giới ở Fukuoka

 

Hạng 2: Strawberry Daifuku (116 phiếu)

ichigo daifuku

“Strawberry Daifuku” hay bánh đại phúc nhân dâu tây là món bánh mới lạ của Nhật Bản. Quả dâu tây được bao quanh trong nhân đậu đỏ và ngoài cùng là lớp vỏ bằng bột nếp. Không chỉ có hương vị thơm ngon mà bánh còn trông rất dễ thương và chắc chắn sẽ rất thu hút các bạn nữ.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của loại bánh đại phúc nhân dâu tây này nhưng người ta nói rằng nó ra đời từ những năm 1980 với sự thịnh hành của những loại bánh mới lạ. Mặc dù có lịch sử tương đối ngắn so với các loại bánh kẹo Nhật Bản khác nhưng lý do khiến nó xếp thứ 2 có lẽ là vì độ ngon của nó.

Mochi ở Nhật và 17 loại phổ biến nhất

 

Hạng 3: Mitarashi dango (97 phiếu)

Mitarashi dango

Mitarashi dango là những chiếc bánh hình tròn làm từ bột gạo nếp) được xiên và ăn với nước tương có đường. Nó có một hương vị đơn giản nhưng dễ gây nghiện, và được mọi người từ trẻ em đến người già đều yêu thích.

Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ Lễ hội Mitarashi được tổ chức từ thời Heian tại đền Shimogamo. Người ta nói rằng dango được bán trong khuôn viên của lễ hội này được gọi là “mitarashi dango” – khởi đầu của mitarashi dango hiện nay.

 

Hạng 4: Warabi mochi (94 phiếu bầu)

warabi mochi Nhật Bản

Warabi mochi (bánh rắc bột đậu tương) có vị dai dai, ngọt thanh, dễ ăn, dễ gây nghiện. Sự hòa quyện của siro đường nâu và bột đậu nành sẽ khiến cho bạn một khi đã bắt đầu ăn thì không thể ngừng ăn. Loại bánh này thường bị nhầm lẫn với kuzumochi, cũng được ăn với siro đường nâu và bột đậu nành. Kuzumochi được làm bằng cách sử dụng tinh bột chiết xuất từ ​​rễ của một loại cây được gọi là kudzu còn Warabi mochi được làm từ tinh bột thu được từ rễ của loại rau dại warabi hay dương xỉ. Tuy nhiên, gần đây, các công thức nấu ăn hiện đại sử dụng tinh bột khoai tây đã trở nên phổ biến.

 

Hạng 5: Bánh Ohagi (80 phiếu bầu)

ohagi

Từ xa xưa, bánh Ohagi là loại đồ ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng vào các ngày rằm. Mặc dù nguồn gốc của nó không rõ ràng nhưng nó đã xuất hiện trong các tài liệu từ thời Edo và đã được mọi người ưa chuộng từ thời cổ đại.

Ngoài ra, có một loại bánh khác được gọi là “Botamochi”. Bạn có biết sự khác biệt giữa mỗi loại không? 2 loại này thực sự là cùng 1 loại bánh. Ohagi được ăn vào tuần mùa thu khi hoa cỏ ba lá nở còn botamochi được ăn vào tuần mùa xuân khi hoa mẫu đơn nở. Thật thú vị đúng không? Cùng 1 loại bánh nhưng tên gọi lại thay đổi tùy thuộc thời gian.

 

Hạng 6: Bánh Castella và Sakuramochi (73 phiếu bầu)

Castella

Kết cấu mềm ẩm của Castella và hương vị nhẹ nhàng của trứng khiến thực khách không thể cưỡng lại được. Nguyên mẫu của nó được cho là loại bánh mì từng được làm ở Vương quốc Castilla ở Tây Ban Nha. Người ta nói rằng nó đã được mang từ Bồ Đào Nha đến Nagasaki ở Nhật Bản rồi được gọi là “Castella”.

Nhiều người nói rằng khó mà bóc lớp giấy dưới đáy bánh ra 1 cách sạch sẽ, vì vậy sau đây là một số mẹo nhỏ. Đặt bánh lên chảo nóng trong khoảng 10 giây để làm bánh ấm lên, hoặc dùng một chiếc thìa đã được làm ấm bằng nước nóng để dưới lớp bánh và nhẹ nhàng lấy ra. Trong cả 2 trường hợp, điểm mấu chốt là kéo giấy theo chiều ngang, không phải hướng lên trên.

Sakuramochi

Sakuramochi đồng hạng 6 với Castella. Đây là loại bánh màu hồng dễ thương thường được ăn trong Lễ hội búp bê. Bánh có lớp nhân đậu đỏ và lá anh đào muối là một sự kết hợp hương vị hoàn hảo, ngay cả những người không thích đồ ngọt cũng thích nó.

Có 2 loại Sakuramochi là “Chomeiji” và “Domyoji ”. Chomeiji đặc trưng bởi lớp bột mỏng giống như bánh crepe được làm từ bột mì và được ăn chủ yếu ở vùng Kanto. “Domyoji” được làm bằng cách hấp bột Domyoji nên đặc trưng của nó là có độ sần sật. Loại này phổ biến ở Kansai.

 

Hạng 8: Mame Daifuku (70 phiếu bầu)

Mame Daifuku

Mame Daifuku (bánh đại phúc nhân đậu) nổi tiếng vì có vị đậu dai và hơi mặn. Nguồn gốc của nó được cho là vào khoảng thời kỳ Edo, là món ngọt được mọi người yêu thích trong một thời gian dài. Đậu được sử dụng chủ yếu là đậu Hà Lan, ngoài ra đậu tương đen cũng được sử dụng. Nhân đậu đỏ bên trong có thể là nhân đậu đỏ thô hoặc nhân đậu đỏ mịn tùy nơi sản xuất. Dù thế nào đi nữa, món ăn này cũng rất hấp dẫn với các tín đồ của đồ ngọt Nhật Bản.

4 loại bánh kẹo truyền thống Nhật Bản lý tưởng chọn làm quà tặng

 

Hạng 9: Bánh Dorayaki  (68 phiếu bầu)

dorayaki

Nổi tiếng cùng với nhân vật Doraemon của bộ truyện tranh cùng tên là Dorayaki (bánh rán Doraemon). Dorayaki với nhân đậu đỏ kẹp giữa 2 miếng bánh rán hình tròn đã được rất nhiều người trên thế giới biết tới. Người ta nói rằng nó có tên như vậy vì hình dáng của nó giống chiêng – một loại nhạc cụ. Nó còn được gọi là “Mikasa-yaki” vì giống với núi Mikasa ở tỉnh Nara.

Gần đây, có nhiều loại Dorayaki mới như: dorayaki với bơ và kem tươi, dorayaki dai với bột shiratama đang được rất nhiều người yêu thích. Chúng được bán tại các cửa hàng bánh kẹo và cửa hàng tiện lợi với những cái tên như “Bata Dora”, “Nama Dora” và “Mochi Dora”.

 

Hạng 10: Bánh Oshiruko (65 phiếu bầu)

Oshiruko

Oshiruko là 1 loại súp đậu đỏ mochi có sự kết hợp của bánh bột nếp với đậu đỏ ninh trong một chiếc bát màu đen được đặt trên một chiếc khay màu đen. Nguồn gốc của Oshiruko có từ thời Edo, và nó từng là một món ăn mặn. Có một loại đồ ngọt Nhật Bản tương tự như oshiruko được gọi là zenzai. Bạn có biết sự khác biệt giữa 2 loại bánh này không?

Ở vùng Kanto, loại có nước súp đi kèm được gọi là oshiruko, và loại không có nước súp được gọi là zenzai. Còn ở vùng Kansai, loại sử dụng súp koshian được gọi là oshiruko, loại sử dụng súp là nhân đậu hạt được gọi là zenzai và loại không có súp đi kèm được gọi là kameyama hoặc kintoki.

“Wagashi” – Bánh kẹo Nhật Bản, 4 điểm khác biệt với bánh kẹo phương Tây

 

Nguồn: macaro-ni

Biên tập: LocoBee

bình luận

ページトップに戻る