Phải chăng kẹo cao su đã hết thời tại Nhật Bản?

Trong vài năm qua, các nhà sản xuất bánh kẹo đã dần dần thu hẹp hoạt động kinh doanh kẹo cao su. Phải chăng thời đại của kẹo cao su tại Nhật Bản đã qua?

Sau đây hãy cùng LocoBee tìm hiểu về lịch sử cũng như xu hướng phát triển của ngành sản xuất kẹo cao su trong những năm gần đây cũng như thời gian tới nhé!

 

Lịch sử kẹo cao su

kẹo cao su

Theo nghiên cứu, kẹo cao su đã được con người sử dụng từ thời xa xưa. Khoảng năm 300 sau công nguyên, ở miền nam Mexico và các nơi khác, người Maya đã nhai ”chicle” được làm bằng cách đun sôi và làm cứng nhựa cây.

  • Những năm 1860 (thời kỳ Edo ở Nhật Bản): Kẹo cao su chicle được bán ở Hoa Kỳ
  • 1916 (thời kỳ Taisho ở Nhật Bản): Kẹo cao su được nhập khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên, thời điểm này kẹo cao su không được phổ biến vì người dân chưa quen với sản phẩm mới này
  • 1946 (sau Thế chiến II): Kể từ khi lính Mỹ nhai kẹo cao su, nó đã trở nên phổ biến đối với trẻ em và thanh niên, và đã lan rộng ngay lập tức
  • Những năm 1980 (Showa): Kẹo cao su được bán với mục đích chống buồn ngủ và giúp hơi thở sảng khoái, 1 số hãng dừng sản xuất các dòng kẹo cao su đã bán chạy trong thời gian dài

Vào tháng 3, Meiji – nhà sản xuất thực phẩm lớn – đã ngừng bán loại kẹo cao su Xylish đã bán chạy suốt 26 năm qua. Ngoài ra, “Petit Gum”, một trong những sản phẩm tiêu chuẩn của các cửa hàng kẹo, cũng đã bị ngừng sản xuất. Đó là sản phẩm mà họ đã bán kể từ khi bắt đầu kinh doanh kẹo cao su vào năm 1967. Giám đốc quan hệ công chúng Meiji nói rằng họ buộc phải thay đổi do những biến động của môi trường xã hội, khoảng cách giữa giá trị của kẹo cao su và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn. Doanh thu bán kẹo cao su của nhà sản xuất này vào năm 2022 là 2 tỷ yên, giảm 76% so với mức đỉnh năm 2007 (26 tỷ yên).

Trong vài năm qua, có nhiều nhà sản xuất đã ngừng bán các dòng kẹo cao su như:

  • 2016: Mondelez Nhật Bản đã ngừng sản xuất kẹo cao su bong bóng dành cho trẻ em (bắt đầu được bán vào năm 1979)
  • 2018: Ezaki Glico đã dừng sản xuất dòng kẹo cao su “Kissmint” có hộp hình thẻ mỏng (bắt đầu được bán từ năm 1987)
  • 2021: Thực phẩm Kracie dừng bán dòng “Kẹo cao su làm trắng răng” (bắt đầu bán từ năm 1998)

Konpeito – Món kẹo đường truyền thống của Nhật Bản

 

Thị trường kẹo cao su bị thu hẹp, các loại kẹo dẻo lên ngôi

Theo thống kê của Hiệp hội kẹo cao su Nhật Bản, thị trường đã giảm 60% trong 17 năm. (2004: 188,1 tỷ yên/2021: 75,5 tỷ yên). Doanh số bán hàng tại cửa hàng tiện lợi cũng thay đổi. Mỗi lần thay đổi cách bố trí của cửa hàng, các loại kẹo dẻo lại được tăng diện tích bày bán, ngược lại, kẹo cao su được các cửa hàng tiện lợi nhập càng ngày càng ít. Meiji quyết định rút lui khỏi việc kinh doanh kẹo cao su và bắt đầu bán “kẹo dẻo Xylish”.

21 lựa chọn bánh kẹo từ Hokkaido

 

Sự sụt giảm doanh thu kẹo cao su có phải là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19?

kẹo dẻo

Theo dữ liệu ước tính xu hướng bán hàng dựa trên dữ liệu POS từ khoảng 6.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi và nhà thuốc (theo nghiên cứu của INTAGE), vào năm 2019 trước khi đại dịch diễn ra, doanh số của kẹo cao su là hơn 10 tỷ yên, cao hơn kẹo dẻo. Và năm 2020 khi đại dịch COVID – 19 bắt đầu lây lan mạnh. Cả kẹo cao su và kẹo dẻo đều giảm doanh thu.

Tuy nhiên, vào năm 2021 sau đó đột nhiên có bước ngoặt lớn về doanh số. Trong khi kẹo cao su tiếp tục giảm, thì kẹo dẻo nhanh chóng mở rộng đến quy mô vượt qua thời điểm bắt đầu đại dịch. Kẹo dẻo tiếp tục mở rộng thị trường vào năm 2022 và đã đạt đến mức chênh lệch hơn 20 tỷ yên so với kẹo cao su.

Chuyên viên phân tích thị trường của INTAGE cho biết kẹo cao su thường được sử dụng như sản phẩm giúp giảm hôi miệng khi gặp gỡ mọi người, hoặc như một cách để đánh thức cơn buồn ngủ khi lái xe hoặc làm việc. Do đại dịch, nhiều người ở nhà và không có nhiều cuộc gặp hoặc đi chơi bên ngoài. Nhu cầu giảm trong các chuyến đi chơi do đại dịch là một yếu tố khiến thị trường kẹo cao su bị thu hẹp.

Khi được phỏng vấn về lý do tại sao ít dùng kẹo cao su hơn, có rất nhiều câu trả lời được đưa ra như:

  • Ít cơ hội ra ngoài gặp mặt bạn bè hơn
  • Không lái xe nhiều như trước nữa
  • Không hút thuốc nhiều như trước, nên hơi thở cũng ít mùi hơn
  • Không muốn nhổ kẹo cao su do COVID-19
  • Số lượng thùng rác giảm nên việc vứt kẹo cao su trở nên khó khăn hơn
  • Nếu vừa nhai kẹo cao su vừa đeo khẩu trang, khẩu trang sẽ bị dịch chuyển
  • Xu hướng tiêu thụ nhiều kẹo dẻo hơn

Khi đến một cửa hàng bán đồ ngọt trên phố Takeshita ở Harajuku, Tokyo, có nhiều loại đồ ngọt khác nhau như kẹo, bánh quy và sô cô la được bày bán nhưng khoảng 70% trong số đó là kẹo dẻo. Các loại kẹo dẻo có nhiều hình dạng dễ thương, mùi vị thơm ngon, do đó thu hút rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Trên thực tế, mức tiêu thụ kẹo dẻo của nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50 cũng đang tăng lên.

Thưởng thức văn hóa kẹo Nhật Bản – Lựa chọn từ DAISO

 

Các công ty sản xuất kẹo cao su có chịu đứng yên?

kẹo cao su

Trong thời gian diễn ra giải WBC – Giải bóng chày cổ điển thế giới do Nhật Bản tổ chức, một số cầu thủ được nhìn thấy đang nhai kẹo cao su. Trên thực tế, hiện nay có một phong trào quảng cáo kẹo cao su trong các trận đấu thể thao này.

Lotte – nhà sản xuất bánh kẹo lớn có thị phần hàng đầu về kẹo cao su, vào tháng 9 năm ngoái đã cho ra đời kẹo cao su thể thao “GEAR” với điểm nổi bật là “có thể tiếp tục nhai với độ cứng nhất định”. Trong kỳ WBC, lượng hàng bán ra của Lotte đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Giáo sư Takeda Tomotaka, phòng thí nghiệm Nha khoa Thể thao, Đại học Nha khoa Tokyo cho biết một số lợi ích khi nhai kẹo cao su như sau:

  • Khi bạn lo lắng, nhai kẹo cao su sẽ làm tăng hoạt động của dây thần kinh đối giao cảm và giúp bạn thư giãn
  • Tăng lưu lượng máu lên não và duy trì sự tập trung. Nó cũng cải thiện việc ra quyết định

Nhiều người chơi thể thao thực sự nhai kẹo cao su trong trận đấu. Vì lý do này, nhà sản xuất này đã đặt mục tiêu vào lĩnh vực thể thao. Công ty đã dành 8 năm nghiên cứu để thực hiện được việc duy trì độ cứng ngay cả khi nhai với nhịp điệu liên tục. Thị trường kẹo cao su có thể phục hồi không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà còn trong lĩnh vực chăm sóc hơi thở có mùi.

Ở nước ngoài, thị trường kẹo cao su cũng đang hồi phục rõ rệt. Theo số liệu của Euromonitor, một công ty nghiên cứu của Anh, doanh số bán hàng toàn cầu của kẹo cao su đã chạm đáy vào năm 2020, dự kiến ​​sẽ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2021 và 3% vào năm 2022. Doanh số của kẹo cao su phản ánh mạnh mẽ các điều kiện xã hội. Chúng ta đang sống trong thời đại mà hành vi của người tiêu dùng và môi trường đang trở nên phức tạp hơn.

Liệu kẹo cao su có bắt kịp với sự phát triển của các thị trường mới và sự ra đời của các sản phẩm mới? Hãy cùng LocoBee tiếp tục theo dõi trong thời gian tới.

“Wagashi” – Bánh kẹo Nhật Bản, 4 điểm khác biệt với bánh kẹo phương Tây

 

Nguồn: NHK

Biên tập: LocoBee

bình luận

ページトップに戻る