Tokyo là một trong số những điểm đến tốt nhất thế giới cho du khách khuyết tật

The Valuable 500 là tổ chức được thành lập tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 với tuyên bố là cộng đồng lớn nhất gồm các CEO toàn cầu cam kết hòa nhập với người khuyết tật. Trong thời gian từ cuối tháng 8 đến tháng 9 năm 2022, tổ chức này đã thực hiện khảo sát bằng cách đặt câu hỏi cho 3.500 khách du lịch khuyết tật từ 5 quốc gia: Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc. Cùng với Amsterdam, Las Vegas và Paris…, Tokyo cũng được ca ngợi là 1 trong 10 điểm đến du lịch dễ tiếp cận nhất thế giới đối với người khuyết tật.

 

10 điểm đến du lịch dễ tiếp cận nhất thế giới đối với người khuyết tật

người khuyết tật

Với ước tính 1 tỷ dân số thế giới bị khuyết tật và dân số già – đặc biệt là ở các nước phát triển – việc chính quyền thành phố đáp ứng nhu cầu tiếp cận ngày càng tăng trở nên ngày càng quan trọng. Mặc dù không có thành phố nào có thể tuyên bố là có thể tiếp cận hoàn toàn bởi nhu cầu tiếp cận quá rộng và đa dạng nhưng có một số thành phố xứng đáng được khen ngợi vì những nỗ lực mà họ đang thực hiện và tất cả các thành phố được người trả lời trong cuộc khảo sát The Valuable 500 đề cử đều nằm trong số đó.

  1. Amsterdam
  2. Las Vegas
  3. London
  4. New York
  5. Orlando
  6. Paris
  7. Thượng Hải
  8. Singapore
  9. Sydney
  10. Tokyo

 

Thành phố dễ tiếp cận Tokyo

Tokyo Nhật Bản

Đạo luật cơ bản của Nhật Bản dành cho người khuyết tật được ban hành vào năm 1970 để “hỗ trợ sự độc lập và tham gia xã hội của người khuyết tật” bằng cách thực hiện các biện pháp đảm bảo khả năng tiếp cận các cơ sở công cộng, phương tiện giao thông và quan trọng là thông tin. Đạo luật này cũng cấm phân biệt đối xử và bao gồm nhiều biện pháp cụ thể khác, chẳng hạn như công nhận ngôn ngữ ký hiệu của Nhật Bản là ngôn ngữ chính thức, trang bị thang máy, nhà vệ sinh đa năng, TGSI, máy bán vé biết nói và phòng tắm cho người khuyết tật cùng những thứ khác.

Giao thông

Nếu bạn đã đến thăm Tokyo với tư cách là một du khách thì bạn sẽ có cái nhìn trực quan mạnh mẽ về các nhà ga của thành phố: các đường nổi màu vàng trải dài và phân nhánh dọc theo mặt đất để hành khách khiếm thị đi theo; nhà vệ sinh không có rào chắn, cửa rộng, tay vịn thấp; nhân viên nhà ga tại các quầy bên cạnh cửa soát vé luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ. Miễn là hành khách có thể đợi 10 hoặc 15 phút để nhân viên nhà ga chuẩn bị, họ không chỉ sẵn lòng hỗ trợ tại điểm xuất phát mà thậm chí còn gọi điện thoại trước để nhờ một đồng nghiệp giúp hành khách xuống tàu ở điểm đến. Các nhà ga xe lửa Tokyo tương đối dễ tiếp cận và có vị trí gần các điểm du lịch là các yếu tố được báo cáo Valuable 500 trích dẫn khiến Tokyo được khách du lịch khuyết tật đánh giá cao.

Tại Nhật có loại taxi chuyên dụng dành cho xe lăn nhưng không dễ đặt chỗ; taxi thông thường có biểu tượng xe lăn nghĩa là có đủ chỗ trong cốp cho xe lăn.

Nhà hàng/Khách sạn

Khả năng tiếp cận các cửa hàng và nhà hàng có thể là một vấn đề. Việc thiếu không gian ở Tokyo có nghĩa là các cửa hàng thường chật chội khiến việc di chuyển cho người sử dụng xe lăn trở nên khó khăn hoặc không thể. Nhiều cửa hàng và nhà hàng chỉ có một hoặc hai bước để vào và genkan truyền thống – nơi mọi người bỏ giày của họ trước khi vào nhà hoặc nhà hàng có là một chuyện khá khác lạ đối với người khuyết tật. Giải pháp thay thế dễ tiếp cận là mua sắm và ăn uống tại một trong vô số trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng bách hóa của Tokyo. Phòng tắm cho người khuyết tật có rất nhiều, có kích thước lớn và được trang bị tốt.

Điểm tham quan du lịch

Hầu hết các điểm tham quan du lịch của Tokyo đều có trang bị để người khuyết tật tiếp cận ít nhất một phần, trong đó có nhiều đền thờ cổ hoặc toà nhà với tầm nhìn toàn cảnh thành phố như từTháp Tokyo, Shibuya Sky hoặc Tokyo Skytree…

Các viện bảo tàng và phòng trưng bày đẳng cấp thế giới của Tokyo thường rất thân thiện với người sử dụng xe lăn. Công viên và nhiều khu vườn tuyệt đẹp hàng đầu của Tokyo đều có bản đồ truy cập, ứng dụng hướng dẫn trên điện thoại thông minh sử dụng giọng nói, video, văn bản… Các địa điểm nghệ thuật và giải trí, đặc biệt là những địa điểm mang tính biểu tượng như Nhà hát Kabuki-za và Nhà hát Noh Quốc gia đều được bố trí hợp lý cho những người khiếm thị, điếc hoặc lãng tai hoặc có vấn đề về di chuyển.

 

Bất lợi đối với người khuyết tật khi đi du lịch

người khuyết tật

Theo một nghiên cứu mới được công bố, khách du lịch khuyết tật phải trả thêm 24.736 yên phí bảo hiểm kỳ nghỉ so với khách du lịch không khuyết tật. Người khuyết tật đã phải đối mặt với chi phí tăng thêm đáng kể do lạm phát và chịu áp lực không đáng có trong cuộc sống hàng ngày. Cuộc khảo sát cũng xem xét các rào cản khác mà người khuyết tật gặp phải khi đi du lịch. Chúng bao gồm sự bất bình đẳng về thời gian, khả năng tiếp cận kỹ thuật số, thiếu sự nhạy cảm với khuyết tật, thiếu thiết kế hòa nhập và thiếu kiến ​​thức để giải quyết nhu cầu của khách hàng khuyết tật.

Cứ 5 người khuyết tật thì có 2 người phải đối mặt với những tình huống căng thẳng và nguy hiểm khi di chuyển do không có khả năng tiếp cận. Cứ 10 người khuyết tật thì có 1 người cho biết họ cảm thấy không an toàn hoặc sợ hãi khi đi du lịch, và cứ 10 người thì có 1 người cho biết họ không thể đi vệ sinh tại nơi công cộng.

Điều này tạo ra cảm giác bối rối, cô lập và bị bỏ rơi. Cứ 5 người thì có 2 người đã trải qua điều gì đó vì họ không thể tiếp cận với đại lý du lịch/hướng dẫn viên. Gần một nửa (48%) cho biết tình huống này khiến họ không thoải mái.

Robot Cafe – Quán cà phê robot do người khuyết tật điều khiển

 

Nguồn: thevaluable500

Biên tập: LocoBee

bình luận

ページトップに戻る