Bà mẹ người Nhật yêu cầu Twitter cung cấp thông tin người dùng đã viết lời xúc phạm mình và con gái

Mẹ của một bé gái (8 tuổi) mất tích trong một chuyến đi cắm trại cùng gia đình vào tháng 9 năm 2019 đã đệ đơn lên Tòa án Quận Tokyo. Cô yêu cầu công ty truyền thông xã hội khổng lồ Twitter Inc. của Mỹ tiết lộ danh tính của những người dùng đã viết lời xúc phạm mình liên quan đến việc con gái mất tích.

Cô Tomoko Ogura, 38 tuổi, nói trong một cuộc họp báo ngày 20/4 “Tôi đã bị tổn thương bởi những lời lẽ của mọi người trên mạng. Tôi không muốn bất kỳ ai khác phải trải qua những gì tôi đã trải qua.” Bà nói thêm rằng, nếu Twitter tiết lộ thông tin về những người dùng này thì có thể cô sẽ gửi đơn kiện bồi thường thiệt hại và báo cáo hành vi của họ.

 

Sự tình vụ việc

Bé Misaki Ogura lúc đó 7 tuổi, đã biến mất khỏi một khu cắm trại ở tỉnh Yamanashi vào tháng 9 năm 2019. Ngay sau khi con gái cô mất tích, bà Tomoko gần như ngày nào cũng đăng thông tin lên mạng xã hội với hy vọng tìm thấy nhân chứng.

Theo hồ sơ tòa án, từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021, ở các bài đăng của cô có 11 dòng tweet vu khống nói rằng cô đứng sau vụ mất tích của con gái và 3 bài xúc phạm Misaki.

Cô Tomoko và các đại diện pháp lý của cô khẳng định rằng “sự vu khống vượt quá mức có thể chấp nhận được và làm tổn hại danh dự của nguyên đơn. Nhật có tiền lệ xác định rằng sự tôn trọng và tình cảm dành cho người chết đáng được pháp luật bảo vệ và điều này cũng áp dụng cho trường hợp ai đó bị mất tích trong thời gian dài.”

Đơn kiện của cô Tomoko, ngày 29 tháng 3, yêu cầu Twitter giao nộp các số điện thoại, địa chỉ email và thông tin khác đã đăng ký liên quan đến 9 tài khoản đằng sau 14 dòng tweet vi phạm trên.

Cô Tomoko cũng tiết lộ rằng cô đã đệ đơn kiện một công ty viễn thông có trụ sở tại Osaka tại Tòa án Osaka. Luật sư Kazuhito Ozawa của cô nói: “Có những người tin rằng bất cứ điều gì họ nhìn thấy trên internet là sự thật. Đây là điều đáng báo động.”

 

Tình hình các vụ liên quan đến lạm dụng mạng xã hội

Theo Bộ Tư pháp, các cơ quan Pháp lý khu vực trên khắp Nhật Bản đã hỗ trợ người dân giải quyết 636 vấn đề liên quan đến internet, bao gồm xóa nội dung phỉ báng vào năm 2011. Năm 2017, con số này đã tăng lên 2.217 vụ và kể từ đó đã có từ 1.700 đến 2.000 trường hợp mỗi năm.

Dự luật sửa đổi Luật quản lý trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp internet của Nhật Bản để bao gồm các quy trình của tòa án nhằm giúp xác định người dùng cụ thể dễ dàng hơn hiện đang được cân nhắc trong các cuộc họp Nội các.

Một công dân Anh tại Nhật bị bắt vì cho rác vào hộp thư

Toà án Tokyo giữ nguyên bản án chung thân với kẻ sát hại bé Nhật Linh

 

Theo The Mainichi

bình luận

ページトップに戻る