9 năm sau Đại động đất Đông Nhật Bản gần 48.000 người vẫn đang đi lánh nạn

14:46 ngày 11/3/2011, một trận động đất có magnitude 9.0 đã xảy ra ngoài khơi bán đảo Oshika tỉnh Miyagi gây ra sóng thần cao hơn 10m vào bờ biển vùng Kanto và Tohoku. Đồng thời xảy ra những trận động đất mạnh với shindo 7 tại tỉnh Miyagi, shindo 6 tại 4 tỉnh Miyagi, Ibaraki, Fukushima, Tochigi.

Kiến thức về động đất: magnitude và shindo

 

Hậu quả

Động đất và sóng thần khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của TEPCO bị mất điện, điều này dẫn đến hệ thống làm mát các thanh nhiên liệu cũng không được duy trì rồi gây ra các vụ nổ liên tiếp khiến các chất phóng xạ lọt ra ngoài môi trường. Hơn 200.000 người cách nhà máy 20-30km đã được lệnh sơ tán.

Cho đến nay số người chết và mất tích trong thảm hoạ là 18.428 người. Số người chết liên quan đến đại thảm hoạ như cuộc sống khó khăn sau sơ tán là hơn 3.700 người. Tổng cộng số người chết và mất tích liên quan đến thảm hoạ là trên 22.000 người.

 

Tái thiết sau thảm hoạ

Chính phủ Nhật Bản xác định thời kì tái thiết và phục hồi sau thảm hoạ là 10 năm. Sau 9 năm dự án tái thiết nhà cửa đã gần như hoàn thành, đến cuối tháng 1 năm nay đã có 29.555 căn nhà, đạt 99,7% kế hoạch. Số lô đất được chuyển lên cao và tôn nền đạt 18.053 đơn vị, đạt 99% kế hoạch.

Tính đến cuối tháng 2 năm nay số người buộc phải đi lánh nạn trên toàn quốc là 47.737 người. Trong đó số người đã rời khỏi tỉnh Fukushima để đến các nơi khác là 30.914 người, chiếm khoảng 65% tổng số.

Bên trong khu vực xảy ra thảm hoạ, dân số tiếp tục suy giảm. Tại các tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima, dân số sau thảm hoạ đã giảm hơn 10% so với trước thảm hoạ, số chính quyền địa phương cũng giảm từ 35 xuống 23.

 

Xử lí hậu quả môi trường

Lò phản ứng số 1 và số 3 thời điểm xảy ra thảm hoạ (trái) và hiện tại (phải) – Ảnh: tepco

Do cần làm mát thanh nhiên liệu tan chảy phía bên dưới lò phản ứng, hiện tại mỗi ngày nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đang phát sinh khoảng 170 tấn nước bị ô nhiễm có chứa chất phóng xạ. Nước bẩn được thu hồi và xử lí để loại bỏ chất phóng xạ nhưng vẫn có những vật liệu phóng xạ không thể loại bỏ như tritium. Vì vậy hiện nay đang có khoảng 1,2 triệu tấn nước chứa phóng xạ được chứa trong 1.000 bể. Theo kế hoạch đến mùa xuân năm 2020 TEPCO sẽ không còn bể nào trống. Người ta đang có hướng xử lí số nước này bằng cách pha loãng rồi đổ ra biển nhưng vấp phải nhiều ý kiến và chỉ trích về ô nhiễm môi trường biển.

Một vấn đề nữa hiện đang cần xử lí là mảnh vụn phóng xạ sau sự cố của các lò phản ứng số 1, 2 và 3. Ước tính tổng cộng cả 3 lò là 880 tấn. Tuy nhiên, lượng phóng xạ xung quanh khu vực cần dọn là trên 6 sievert/h, nếu 1 người làm việc tại đây trong khoảng 1 giờ thì sẽ có nguy cơ tử vong. Chính vì vậy mà công việc này đang do các robot thao tác từ xa đảm nhận và lượng rác dọn được ban đầu ước tính “chỉ khoảng vài gam”.

TEPCO và các bên liên quan vẫn đang mở rộng quy mô xử lí nhưng do cần phát triển công nghệ mới nên việc tháo dỡ dự kiến sẽ bước vào giai đoạn khó khăn hơn.

Fukushima: 10 bao rác sau khử nhiễm xạ trôi ra sông

Thực tập sinh Việt Nam kiện doanh nghiệp ở Fukushima vì bị bắt khử nhiễm phóng xạ

 

Theo NHK

bình luận

ページトップに戻る