Thực tập sinh Việt Nam ở Nhật rơi vào cảnh không việc làm cũng không thể về nước

Kiểm tra thông tin chính xác nhất về bệnh truyền nhiễm do virus corona chủng mới từ các cơ quan công quyền.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID, thực tập sinh kĩ năng người Việt tại Nhật rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Họ bị mất việc nhưng lại không thể về Việt Nam vì hạn chế đi lại.

 

Bối cảnh COVID-19

Vào tháng 10 năm 2020, 9 thực tập sinh Việt Nam (độ tuổi 20) làm việc cho một công ty vệ sinh toà nhà ở Kobe được báo “Vì corona nên công việc bị giảm và công ty không thể thuê các bạn thêm nữa.” Công ty đã khuyên các thực tập sinh là nên về nước nhưng các chuyến bay về Việt Nam tạm bay gần hết. Các thực tập sinh buộc phải sống bằng tiền tiết kiệm hoặc làm bán thời gian. 1 bạn trong số đó mong muốn được về Việt Nam và đang trong thời gian chờ đợi các chuyến bay được nối lại.

Ông Toshiaki Torimoto, Giám đốc tổ chức NPO – Trung tâm Giao lưu Nhật-Việt Hyogo (thành phố Kobe), chỉ ra rằng “Dù tình hình có khó khăn thế nào đi nữa thì cơ sở nhận lao động nên thực hiện các hoạt động để các thực tập sinh có chỗ làm mới.”

Khoảng 60 người đã tập trung để phát đồ ăn cho thực tập sinh Việt Nam là hoạt động được tổ chức này triển khai vào ngày 14/2 – Ảnh Nikkei 

Bối cảnh kinh doanh của các đơn vị tiếp nhận lao động đang xấu đi vì ảnh hưởng của COVID. Theo khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, khoảng 4.200 thực tập sinh đã bị sa thải vì thực trạng này (con số tính đến thời điểm tháng 1 năm 2021). Cơ quan Thực tập sinh kĩ năng (trụ sở ở Tokyo) cho biết “Hoạt động tìm kiếm lại việc làm đang được thực hiện và hiện tại có khoảng 60 thực tập sinh vẫn chưa có công việc”.

 

Chia sẻ của thực tập sinh người Việt bị bắt vì phạm tội

Đã có những trường hợp vì không thể về nước và cũng không thể chịu đựng được những khó khăn trong cuộc sống nhiều người nước ngoài vốn là thực tập sinh đã phạm tội.

Đầu tháng 2, Tòa án Osaka đã đưa ra mức án treo với một thực tập sinh nam người Việt (24 tuổi) vì hành vi trộm xe đạp. Em đến Nhật Bản vào tháng 11 năm 2017 với tư cách là một thực tập sinh kĩ năng với thời gian lưu trú là 1 năm. Em làm việc cho một công ty xây dựng ở tỉnh Saitama nhưng đã mất tích vào khoảng tháng 3 năm 2018 do quan hệ với người nơi làm việc không tốt và sự vất vả của công việc. Em đã liên lạc với những bạn của mình cũng từng là thực tập sinh và vào sống cùng bạn tại một căn hộ ở Osaka. Em mang theo một khoản nợ khoảng 1 triệu yên (hơn 200 triệu đồng) khi đến Nhật Bản và phải làm việc bán thời gian để trả nợ.

Từ mùa xuân năm 2020, em đã mất công việc làm thêm và rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vì muốn về nhà nên em đã đăng kí để được về nước theo Chế độ ra khỏi đất nước theo mệnh lệnh – 出国命令制度 (Shukkoku Meirei Seido). Theo chế độ này, người nước ngoài ở Nhật được ra khỏi nước Nhật mà không bị giam giữ nếu nộp đơn xin lưu trú bất hợp pháp lên Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản và đáp ứng các điều kiện như không bị kết án về một tội cụ thể.

Mặc dù em đã nộp đơn vào tháng 7 năm 2020 nhưng vẫn không thể về Việt Nam vì không cho chuyến bay. Về nguyên tắc, khi nộp đơn cho diện trên thì sẽ không được phép làm việc tại Nhật Bản. Em đã lấy trộm xe đạp trợ lực điện nhiều lần từ bãi đậu xe đạp cùng với bạn của mình và bán lại cho các đại lý xe đạp và đã bị bắt.

Nhiều vụ việc ăn trộm số lượng lớn gia súc, gia cầm, hoa quả cũng đã xảy ra ở khu vực phía Bắc vùng Kanto Nhật Bản. Những người thực hiện đã bị bắt giữ và phần nhiều trong số đó là người Việt Nam, từng là thực tập sinh.

 

Thực trạng thực tập sinh tại Nhật

Số lượng thực tập sinh biến mất ngày càng tăng do các vấn đề phía tiếp nhận lao động như không được trả lương, quát mắng… Theo Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản, khoảng 8.800 người đã mất tích vào năm 2019, gấp 1,8 lần so với năm 2014. Tính đến thời điểm hiện tại nhiều người sau khi bỏ trốn khỏi nơi làm việc dã tìm kiếm việc làm để tiếp tục cuộc sống ở Nhật. Tuy nhiên, trong bối cảnh corona việc tìm được việc làm là không hề đơn giản.

Hơn nữa, do hạn chế đi lại, đường hàng không tiếp tục ngưng và ngay cả khi họ xin được về nước cũng khó thực hiện. Phó giáo sư Yoshihisa Saito của Đại học Kobe, người tổ chức các hoạt động hỗ trợ người nước ngoài cho biết “Thực tập sinh đã không thể dự đoán trước được đại dịch tăng nhanh và mãi không về nước được. Nếu không có biện pháp hỗ trợ đời sống như chỗ ăn chỗ ở thì nhiều thực tập sinh cũ sẽ phạm tội vì cuộc sống quá khó khăn. Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ kịp thời!”

 

Theo Nikkei 

bình luận

ページトップに戻る