Xử lí bình xịt như thế nào cho đúng? Bài học từ vụ cháy nổ tại Sapporo

Vụ cháy nổ lớn xảy ra vào ngày 16/12/2018 khiến 42 người bị thương tại thành phố Sapporo, Hokkaido đang khiến cho mọi người quan tâm hơn tới các loại bình xịt đang được sử dụng hàng ngày. Theo thông tin từ cảnh sát thì nhân viên của một công ty bất động sản trong toà nhà đã tháo gas của rất nhiều bình xịt làm cho khí gas tràn ra khắp căn phòng đóng kín, sau đó do xảy ra bắt lửa dẫn đến phát nổ thiêu rụi hoàn toàn toà nhà 2 tầng.

Vụ nổ ga lớn tại Sapporo của Hokkaido làm 42 người bị thương

Theo Sở cứu hoả Tokyo, số vụ hoả hoạn do bình xịt trong 5 năm từ năm 2013 đến năm 2017 là 546 vụ, tính đến cuối tháng 11 năm 2018 có tổng cộng 79 vụ.

 

Cách xử lí bình xịt hiện nay

Hầu hết các bình xịt đang được sản xuất hiện nay đều có nắp tháo khí gas. Sau khi sử dụng hết sản phẩm chỉ cần lật ngược bình lại, đưa phần đầu của bình vào phần lỗ ở nắp là khí gas bên trong sẽ thoát ra ngoài. Điều quan trọng khi thực hiện là làm ở nơi thoáng khí ngoài trời và tránh lửa.

 

Mỗi địa phương lại có một quy tắc xử lí bình xịt khác nhau, có nơi yêu cầu người dân đục lỗ ở thân bình trước khi đem vứt, có nơi lại không yêu cầu đục lỗ. Tại 23 quận ở thủ đô Tokyo, các cơ quan có thẩm quyền đang kêu gọi người dân “không đục lỗ trên bình xịt” sau khi sử dụng xong. Theo Sở cứu hoả Tokyo, từ năm 2012 đến năm 2016 có khoảng 1/4 các vụ hoả hoạn mà nguyên nhân là do bình xịt có đục lỗ.

Đây là thử nghiệm khi để bình xịt có đục lỗ mà bên trong vẫn còn khí gas gần nguồn lửa

 

Trung bình 1 ngày quận Setagaya, Tokyo thu hồi khoảng 4.000 bình xịt đã qua sử dụng. Trong quá khứ khi vận chuyển và xử lí bình xịt đã có những trường hợp xảy ra hoả hoạn hoặc làm nhân viên vệ sinh môi trường bị thương do bình xịt bị nổ. Chính vì thế chính quyền đã có yêu cầu người dân phân loại bình xịt vào một túi riêng trong suốt và dán chữ “スプレー缶” (bình xịt) ở ngoài để đảm bảo an toàn. Ngoài ra quận còn trang bị thêm thiết bị chuyên dụng xử lí bình xịt đã qua sử dụng để ngăn ngừa tai nạn cũng như cháy nổ. Bình xịt sẽ được đưa vào trong thiết bị, sau đó bơm đầy ni tơ và rút oxy ra ngoài. Tuy nhiên, số tiền để thuê 2 máy này từ nhà cung cấp là khoảng 5.800.000 yên/năm (khoảng 1 tỷ 2 trăm triệu đồng)

Ảnh: jsim.or.jp

 

70% số bình xịt có đục lỗ

Mặc dù trong cùng thủ đô Tokyo nhưng cách xử lí bình xịt lại khác nhau. Điển hình là thành phố Tachikawa, thành phố Musashimurayama, thành phố Higashiyamato kêu gọi người dân “vứt bình xịt sau khi đục lỗ”. Tuy nhiên đã có một số trường hợp bình xịt phát nổ trong xe chở rác…

Theo một cuộc điều tra của Bộ Môi trường Nhật Bản về cách thu gom bình xịt là rác thải gia đình tại 1.728 khu vực trên toàn quốc thì có tới 73% thu hồi bình xịt có đục lỗ, 27% thu hồi bình xịt không đục lỗ. Đối với các khu vực có dân số trên 500.000 người thì 29% thu hồi bình xịt có đục lỗ, 71% thu hồi bình xịt không đục lỗ.

 

Lời khuyên từ Trung tâm thông tin cuộc sống quốc gia

Điều quan trọng trong việc xử lí bình xịt không phải là việc đục lỗ hay không đục lỗ mà là loại bỏ hoàn toàn khí ở bên trong bình xịt ở nơi an toàn rồi mới vứt. Việc vứt bình xịt khi bên trong vẫn còn khí là điều không nên làm. Chỉ vứt bình xịt sau khi đã sử dụng hết hoàn toàn sản phẩm bên trong. Thêm vào đó mọi người cần tìm hiểu cách xử lí bình xịt đã được quy định tại nơi mình đang ở để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

 

Tham khảo: NHK

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る