[Nhật Bản] Người bị dị ứng phấn hoa đối mặt với mùa phấn hoa sớm và dữ dội hơn
Những người bị dị ứng phấn hoa tại Nhật Bản cần chuẩn bị sẵn sàng vì các chuyên gia dự báo rằng lượng phấn hoa tuyết tùng và bách năm nay sẽ xuất hiện sớm hơn và với số lượng nhiều hơn so với những năm gần đây trên hầu hết các khu vực của Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Khí tượng Nhật Bản, phấn hoa sẽ bắt đầu phát tán từ giữa tháng 2, với giai đoạn cao điểm diễn ra vào cuối tháng. Một số khu vực ở Shikoku và Kinki được dự báo sẽ có lượng phấn hoa cao hơn gấp đôi mức trung bình những năm gần đây. Nhiệt độ cao và số giờ nắng kéo dài vào mùa hè năm ngoái đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các bông hoa cái – những cây sản sinh ra phấn hoa. Tại Tokyo, phấn hoa đã được quan sát thấy tại quận Ota vào ngày 8/1, sớm nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1985.
Hiện nay, hơn 1/3 dân số Nhật Bản được cho là bị dị ứng phấn hoa tuyết tùng. Một cuộc khảo sát dịch tễ học với các bác sĩ tai mũi họng và gia đình của họ cho thấy 38,8% số người được khảo sát mắc chứng dị ứng phấn hoa tuyết tùng vào năm 2019, tăng mạnh so với mức 16,2% vào năm 1998. Trẻ em và thanh thiếu niên dường như đặc biệt nhạy cảm với dị ứng phấn hoa. Trong nhóm tuổi từ 10-19, tỷ lệ mắc bệnh lên tới 49,5%, trong khi với nhóm 5-9 tuổi, con số này là 30,1%.
Một số người đã tìm đến liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) như một phương pháp điều trị dứt điểm dị ứng. Liệu pháp này kéo dài từ 3 đến 5 năm, trong đó bệnh nhân sẽ ngậm một viên thuốc chứa thành phần của phấn hoa tuyết tùng dưới lưỡi mỗi ngày để dần dần phát triển khả năng miễn dịch lâu dài với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể có tác dụng phụ, gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng ở một số bệnh nhân.
Các biện pháp tự chăm sóc bản thân cho người bị dị ứng phấn hoa
Dù vậy, theo bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Atsushi Yuta, phương pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt. Tại Phòng khám Yuta ở thành phố Tsu, ông đã điều trị cho khoảng 1.600 bệnh nhân bằng liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi (SLIT). Ông cho biết: “Phương pháp này có hiệu quả với khoảng 80-90% bệnh nhân, giúp giảm nhẹ các triệu chứng dị ứng.” Những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ chọn liệu pháp SLIT, đặc biệt khi bảo hiểm y tế công đã bắt đầu chi trả cho phương pháp này từ năm 2014. Chi phí điều trị cho người lớn vào khoảng 3.000 yên (khoảng 500 nghìn đồng) mỗi tháng, nhưng nhiều chính quyền địa phương cung cấp chăm sóc y tế miễn phí cho bệnh nhân dưới độ tuổi trung học.
Trong khi đó, một số hòn đảo xa, nơi không có nhiều cây tuyết tùng hay bách, đang nỗ lực thu hút những người làm việc từ xa và du khách bị dị ứng phấn hoa. Thành phố Hirado, tỉnh Nagasaki, đã trang bị cơ sở hạ tầng như mạng không dây cho một tòa nhà trên đảo Azuchi-Oshima, nơi có khoảng 870 cư dân sinh sống. Chính quyền thành phố đang cung cấp trợ cấp chi phí đi lại và lưu trú cho các công ty sử dụng tòa nhà này làm văn phòng vệ tinh. Một quan chức thành phố, ông Koyama Kenji, cho biết: “Nhân viên các công ty công nghệ thông tin có thể làm việc mà không cần đến trụ sở chính. Chúng tôi muốn tận dụng lợi thế này để thu hút doanh nghiệp.” Quần đảo Ogasawara, nằm cách Tokyo khoảng 1.000 km về phía Nam, không có các loài cây tuyết tùng hay bách mọc tự nhiên. Ông Negishi Yasuhiro, giám đốc điều hành của Cục Du lịch Làng Ogasawara, cho biết ông muốn quảng bá quần đảo này như một điểm đến không có phấn hoa dành cho cả du khách và người làm việc từ xa.
Dị ứng phấn hoa – căn bệnh mùa xuân tại Nhật Bản
Nguồn: asahi
Biên tập: LocoBee
bình luận