Theo một báo cáo về xu hướng du lịch năm 2022 từ Công ty du lịch lữ hành HIS, Hawaii là điểm đến nước ngoài có số lượt đặt chỗ trước cao nhất trong dịp nghỉ hè, chiếm 20% trong tổng số người đặt chuyến du lịch hè. Chuyên gia về du lịch và hàng không Kotaro Toriumi cho biết rằng Hawaii là nơi mà người Nhật có thể tự do đi lại mà không cần thị thực. Bên cạnh đó, Hawaii còn mang đến không khí “thoải mái” và giúp “chữa lành”. Đó là lý do vì sao người Nhật dùng từ “iyashi” để mô tả vùng đất này. Vậy mối lương duyên giữa Nhật Bản và Hawaii có từ khi nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sau đây!
Nội dung bài viết
Những cuộc di cư lịch sử từ thế kỷ 19
Tại sao đền, chùa lại xuất hiện ở khắp mọi nơi trên quần đảo Hawaii? Theo ước tính, có gần 100 ngôi đền, chùa tại Hawaii, và đó cũng là di sản của dân tộc Nhật Bản ở thế hệ trước để lại sau những cuộc di cư. Trong lịch sử, mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Hawaii bắt đầu hình thành từ khi có Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại vào năm 1871. Vào năm 1885, ở Hawaii có chưa tới 50 người, nhưng nhờ có sự khuyến khích của các điều khoản trong hiệp ước, con số đó đã cán mốc 20.000 trong 10 năm.
Tượng đồng về những người lao động Nhật Bản trong các đồn điền mía được đặt tại Kepaniwai Heritage Gardens, Maui, Hawaii
Việc nhiều người Nhật Bản di cư đến Hawaii được cho là tham gia vào lực lượng lao động trong các đồn điền mía. Sau khi Nhà nước Cộng hòa Hawaii được thành lập, quy ước xuất nhập cảnh cũng bị bãi bỏ nhưng nhiều người Nhật vẫn đổ xô di cư sang Hawaii, thậm chí còn nhiều hơn trước đây. Cụ thể, 5129 người Nhật đã đến quần đảo này vào năm 1896. Sau đó, cuộc điều tra dân số vào năm 1910 còn cho thấy cư dân Nhật Bản tiếp tục tăng thêm 29.599 người. Còn theo dữ liệu từ cuộc khảo sát Cộng đồng người Mĩ do Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ thực hiện trong thời gian 2016-2020, số lượng người Nhật Bản và gốc Nhật Bản chiếm khoảng 22,3% trong tổng số cư dân sinh sống trên quần đảo Hawaii.
Cách người Nhật dung hòa các yếu tố văn hóa
Cùng với dòng người di cư, những ngôi đền, chùa cũng xuất hiện ngày càng nhiều và đóng vai trò quan trọng như là điểm tựa tinh thần của dân tộc Nhật ở một vùng đất mới. Đó cũng là nơi họ được học về văn hóa truyền thống như văn hóa trà đạo, nghệ thuật viết thư pháp, nghệ thuật cắm hoa và âm nhạc dân gian. Bên cạnh đó, sau khi trải qua khoảng 150 năm, các ngôi đền, chùa còn là nơi những cư dân gốc Nhật hòa nhập với văn hóa Hawaii bản địa, nhằm giúp gắn kết mọi người.
Tượng Phật ở làng Waikoloa, Hawaii
Ví dụ, âm thanh mà chúng ta nghe thấy trong lớp học ukulele có thể là những bài đồng dao của trẻ em Nhật Bản, trong đó “Furusato” và “Hamabe No Uta” là 2 bài hát được yêu thích hơn cả. Hiện nay, những cư dân gốc Nhật ở thế hệ thứ ba, thứ tư tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn tiếng Nhật. Họ vừa nghe ông bà hát các ca khúc tiếng Nhật trên nền nhạc ukulele có tiết tấu chậm rãi, vừa cùng hát bập bẹ theo với niềm phấn khởi.
Ngoài ra, còn một nét văn hóa khác của Nhật Bản được người Hawaii tiếp thu là điệu múa Bon. Các ngôi đền trở thành nơi mọi người gặp mặt mỗi ngày và cùng nhau tập nhảy một cách hăng say để chuẩn bị cho lễ hội mùa hè được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Tưởng chừng buổi trình diễn vũ điệu Bon vào các đêm hè chỉ có sự tham gia của người Nhật, nhưng nếu có dịp đến đây, bạn sẽ thấy khách du lịch lẫn người Hawaii bản địa cũng hòa mình vào lễ hội. Bên cạnh sự đa dạng về sắc tộc, đêm trình diễn vũ điệu Bon còn có tiết mục hát Soran Bushi – bài hát của người dân lao động Hokkaido, hay tiết mục nhảy Eisa – điệu nhảy truyền thống của người Okinawa, đồng thời cũng là tiết mục đánh dấu sự kết thúc của lễ hội Obon.
10 điều nên làm ở Nhật Bản vào tháng 9
Các di sản của người Nhật Bản có bị xóa sổ bởi đám cháy ở Maui?
Bản sao chùa Byodoin (Uji, Nhật Bản) trên con đường mòn dọc bờ biển Windward
Dường như toàn bộ trung tâm Lahaina (Maui, Hawaii) đã bị nhấn chìm trong biển lửa chỉ vài ngày sau khi đám cháy đầu tháng 8 năm 2023 bùng phát. Các tòa nhà cùng nhiều cơ sở vật chất khác ở trung tâm Lahaina đã bị thiêu rụi. Tuy nhiên, điều may mắn là địa điểm cách Lahaina 25 km vẫn nằm trong vùng an toàn. Điều đó có nghĩa là Kepaniwai Heritage Gardens ở Maui, Hawaii, nơi cách Lahaina 35 km, không chịu ảnh hưởng của đám cháy. Tương tự, vì chùa Byodoin hay làng Waikoloa có khoảng cách khá xa Lahaina, nên những nơi này cũng không chịu ảnh hưởng của đám cháy ở Maui.
19 điểm đến du lịch Nhật Bản tháng 9 năm 2023
Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 20.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!
Hi vọng bài viết mang lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn muốn biết thêm các thông tin khác, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee chuẩn bị các bài viết trả lời cho vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Tổng hợp: LocoBee
bình luận