Nhật Bản bổ sung vắc xin Rotavirus miễn phí vào tiêm chủng định kì từ tháng 10

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến nghị vào năm 2013 rằng vắc xin Rotavirus nên được đưa vào chương trình tiêm chủng dự phòng ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở nước ngoài, có hơn 130 quốc gia đã đưa vắc xin trên vào tiêm chủng định kì. Đây là loại vắc xin được các bác sĩ nhi khoa và cha mẹ mong đợi từ lâu để bổ sung vào tiêm chủng dự phòng.

Từ tháng 10/2020, vắc xin Rotavirus sẽ được thêm miễn phí vào tiêm chủng định kì cho trẻ em sinh sau ngày 1/8/2020 trở đi, những trẻ em sinh trước đó vẫn phải tiêm tự nguyện. Vắc xin này được nhập khẩu vào Nhật Bản từ năm 2011 nhưng nó rất đắt. Vì là tiêm chủng tự nguyện nên số tiền thay đổi tùy thuộc vào cơ sở y tế, thông thường tổng chi phí là khoảng 30.000 yên (6 triệu đồng).

 

Bệnh truyền nhiễm do Rotavirus

Rotavirus là nguyên nhân gây nên viêm đường ruột cấp tính phổ biến từ cuối mùa đông đến mùa xuân, có thể gây sốt, nôn mửa, tiêu chảy, mất nước, co giật, suy thận và bệnh não. Hàng năm, Nhật Bản có khoảng 800.000 người bị nhiễm bệnh. Từ năm 2000 đến năm 2012, mỗi năm có từ 2 đến 18 người tử vong. Ngay cả khi không tử vong, khoảng một nửa số ca nhập viện vì viêm đường ruột ở tuổi lên 5 là do Rotavirus. Một số người cho rằng đó là bệnh của trẻ em nhưng ngay cả người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Tuy nhiên, độ tuổi nhiễm càng thấp thì nguy cơ bệnh nặng thêm càng cao nên cần có vắc xin.

Các bệnh truyền nhiễm do virus nói chung sẽ không phát triển thành bệnh trừ khi có lượng virus nhất định xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, chỉ cần số lượng Rotavirus khoảng 10 đến 100 là đã ra gây viêm đường ruột. Do đó, trong quá trình người lớn xử lí bỉm có chứa chất thải hoặc dọn bãi nôn của trẻ bị bệnh thì rất có khả năng cao hàng chục con Rotavirus sẽ bám dính vào tay, miệng… khiến người lớn nhiễm bệnh. 1g chất thải của người mắc bệnh chứa hàng trăm triệu đến hàng nghìn tỷ Rotavirus. Nếu virus dính vào quần áo, đồ chơi, bàn ghế,… trong nhà thì có khả năng lây nhiễm trong khoảng 10 ngày.

Do đó, dù có vệ sinh tốt đến đâu nhưng nếu có người mắc bệnh thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Thuốc kháng sinh không có tác dụng và không có thuốc đặc trị. Vì vậy, đây là một bệnh truyền nhiễm khó diệt trừ ở cả các nước đang phát triển và đã phát triển.

 

Các loại vắc xin Rotavirus

Vắc xin Rotavirus là vắc xin uống không tiêm duy nhất ở Nhật Bản. Có 2 loại, 1 loại là Rotarix được phát triển bởi công ty GSK và 1 loại là Rotateq được phát triển bởi công ty MSD. Rotarix uống 2 lần từ 6 đến 24 tuần tuổi và Rotateq uống 3 lần từ 6 đến 32 tuần tuổi. Chỉ cần một lượng nhỏ dính vào miệng cũng đã có tác dụng nên nếu trẻ bị nôn sau khi uống vắc xin thì cũng không cần phải uống lại.

Cho dù chọn loại vắc xin nào thì hiệu quả cũng sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, không nên dùng Rotarix 2 lần rồi đổi sang Rotateq 3 lần giữa chừng. Tùy thuộc vào cơ sở y tế mà chỉ có 1 loại duy nhất. Cha mẹ cần phòng khám hoặc bệnh viện mà mình định đưa con đến.

Không thể tiêm vắc xin Rotavirus khi trẻ em đã quá 24 tuần và 32 tuần. Do đó cha mẹ cần hết sức chú ý thời gian để đưa con đi tiêm chủng.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản xây dựng hệ thống cung cấp vắc xin corona chủng mới vào đầu năm 2021

 

Theo mhlw, know-vpd

bình luận

ページトップに戻る