Ở bài 8 điểm cần chú ý trước khi đến thăm nhà người Nhật, bạn đã được giới thiệu về các nguyên tắc cần nhớ như đặt lịch trước, mua quà tặng… Hôm nay hãy cùng tìm hiểu về 11 điều nên biết kể từ khi bước vào cửa nhà cho tới khi ra về nhé!
Nội dung bài viết
- #1. Ở phòng kiểu Nhật, không được ngồi lên đệm ngồi nếu chưa được mời
- #2. Ở phòng kiểu Nhật không bước lên ngưỡng cửa và viền chiếu
- #3. Với phòng kiểu Tây, nếu không được chỉ định chỗ ngồi hãy ngồi vào ghế dưới
- #4. Không đặt đồ cá nhân như túi xách lên bàn
- #5. Khi trao quà không đưa cả túi giấy
- #6. Khi được mời trà bánh nhớ ăn/uống
- #7. Không nên ở lại quá lâu
- #8. Thông báo việc ra về nhất định phải được người tới thăm nhà nói ra
- #9. Đừng quên chào cảm ơn
- #10. Ở thềm nhà lúc ra về
- #11. Sau khi về nhà
Top 10 chủ đề tiếng Nhật bạn nhất định phải biết khi sống và học tập ở Nhật
#1. Ở phòng kiểu Nhật, không được ngồi lên đệm ngồi nếu chưa được mời
Đối với phòng kiểu Nhật, dù cho có bàn và đệm ngồi thì cũng nên tránh không ngồi ngay xuống.
Cần đợi đến khi chủ nhà mời ngồi どうぞお座りください (Dozo osuwarikudasai) – “Mời anh/chị ngồi”. Lúc này hãy nói 失礼します (Shitsurei shimasu) – “Tôi xin phép” rồi mới ngồi xuống.
#2. Ở phòng kiểu Nhật không bước lên ngưỡng cửa và viền chiếu
Ở phòng Nhật có ngưỡng cửa phòng phân chia phía trong và ngoài được gọi là Shikii – được coi là phần quan trọng nâng đỡ nền móng của căn nhà. Ngoài ra còn có heri (phần xanh đậm như trong hình) vừa là vạch ngăn cách giữa các chiếu cũng như ở một số nhà còn sử dụng vải dệt cao cấp có hình Gia huy của gia đình đó.
Chiếu Tatami – Văn hoá trong đời sống Nhật Bản
Do đó nếu như đặt chân lên ngưỡng cửa và viền chiếu cũng như giẫm đạp vào danh dự gia đình chủ nhà. Hãy hết sức cẩn trọng để tránh việc này. Bên cạnh đó việc giẫm chân lên đệm ngồi cũng là điều cần tránh.
#3. Với phòng kiểu Tây, nếu không được chỉ định chỗ ngồi hãy ngồi vào ghế dưới
Ghế dưới trong tiếng Nhật là 下座 (Shimoza) là ghế gần cửa ra vào nhất. Khi chào hỏi cần đứng lên và trao quà bạn mang tới cho chủ nhà. Sau khi chủ nhà chỉ định mời vào ghế ngồi hãy ngồi xuống.
#4. Không đặt đồ cá nhân như túi xách lên bàn
Bàn là nơi dùng cơm của gia đình nếu như để đồ cá nhân của mình lên được coi là thất lễ. Nếu là phòng kiểu Nhật thì để đồ cạnh chỗ ngồi của mình còn với phòng kiểu Tây thì đặt trên ghế. Ở phòng kiểu Tây không để quà tặng xuống đất vì sẽ để lại ấn tượng của người không biết phép tắc.
#5. Khi trao quà không đưa cả túi giấy
Túi giấy là vật giúp giữ cho quà tặng được sạch nên nếu trao cả quà và túi sẽ là thất lễ. Hãy bỏ quà ra khỏi túi, hướng quà thuận về phía đối phương và đưa bằng 2 tay. Tốt nhất là hãy mang túi giấy về.
[Quà tặng Hokkaido] 10 lựa chọn bánh kẹo chuẩn nhất
#6. Khi được mời trà bánh nhớ ăn/uống
Trà bánh là đồ mà chủ nhà đã cất công chuẩn bị do đó không nên khách sáo mà hãy thưởng thức nhé. Khi được hỏi loại trà yêu thích cũng đừng ngại cho chủ nhà biết. Tuy nhiên đừng yêu cầu quá cầu kì. Trước khi ăn/uống nhớ nói いただきます (Tôi xin phép dùng) và không được đưa bánh kẹo mà mình đã đụng tay vào cho người khác.
#7. Không nên ở lại quá lâu
Thời gian ở lại chỉ nên từ 1 ~ 2 tiếng nếu là dùng trà, bánh. Khi được mời dùng cơm thì ở lâu hơn một chút nhưng ngay từ lúc nhận lời mời hãy nói với chủ nhà khoảng mấy giờ bạn sẽ về.
#8. Thông báo việc ra về nhất định phải được người tới thăm nhà nói ra
Trước khi ra về, theo nguyên tắc người đến thăm sẽ là người nói.
Hãy nói những câu như:
- 「楽しかったのでつい長居をしてしまいました」
(Tanoshikattanode tsui nagai o shite shimaimashita)
Vui quá nên tôi đã ở lại lâu quá mất rồi.
- 「そろそろ失礼します」
(Sorosoro shitsureishimasu)
Đã đến lúc tôi phải xin phép.
#9. Đừng quên chào cảm ơn
Khi chào cảm ơn, hãy rời khỏi đệm ngồi (với phòng kiểu Nhật) hoặc rời khỏi ghế nếu là phòng kiểu Tây. Một số câu chào thể hiện sự cảm ơn bạn có thể dùng như sau:
- 今日は本当にありがとうございました」
(Kyo wa honto niarigatogozaimashita)
Hôm nay rất cảm ơn anh/chị.
- 「とても楽しかったです」
(Totemo tanoshikatta desu)
Thật là vui quá.
- 「次回はぜひ私の家にも遊びに来てください」
(Jikai wa zehi watashi no ie ni mo asobi ni kite kudasai)
Lần sau nhất định hãy tới nhà tôi chơi nhé!
#10. Ở thềm nhà lúc ra về
Cầm theo túi, áo khoác của mình ra tới thềm nhà và chào một lần nữa. Bỏ lại dép đi trong nhà và để lại theo hướng được đặt khi mới bạn bước vào nhà. Sau khi ra khỏi cửa nhà mới được mặc áo khoác nhưng nếu như chủ nhà nói mặc vào thì có thể mặc ngay cũng được.
#11. Sau khi về nhà
Sau khi đến thăm nhà hãy nói lời cảm ơn một lần nữa để tạo ấn tượng tốt. Nếu như là người thân thiết có thể trong ngày hôm đó hoặc để đến ngày tiếp theo gửi lời cảm ơn bằng điện thoại hoặc thư điện tử.
Lần này với 2 bài viết chúng ta đã biết thêm được 19 nguyên tắc cần biết khi đến thăm nhà người Nhật từ bước đặt lịch hẹn, mua quà… đến khi vào nhà, ngồi, ra về… Khi tới thăm nhà một ai đó là việc bạn đang mượn phần không gian của họ nên cần phải coi trọng các lễ nghi phép tắc.
Dù là điều rất nhỏ nhưng nó hoàn toàn có thể thay đổi ấn tượng của đối phương về bạn đấy. Hãy nhớ và thực hiện một cách thật tự nhiên nếu có dịp nhé!
Lời khuyên của chuyên gia Nhật: Ăn gì và ngủ như thế nào để có làn da đẹp?
W.DRAGON (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.