Công cụ phát hiện đánh giá ảo trên trang mua sắm trực tuyến

Trên các trang mua sắm trực tuyến hiện nay, các bài đánh giá mà người dùng thường tham khảo trong quá trình tìm hiểu sản phẩm đang bị làm giả rất nhiều. Việc không sử dụng sản phẩm nhưng vẫn đánh giá 5★ hay viết lời khen sản phẩm đang ngày càng lan rộng.

 

Tại sao lại có nhiều đánh giá

Đó là bởi vì khi viết đánh giá bạn sẽ nhận được phần thưởng. Tại Nhật có những công việc làm thêm ngay tại nhà như viết đánh giá sản phẩm. Đơn giản là bạn sẽ mua sản phẩm trên trang mua sắm trực tuyến như Amazon theo chỉ định từ người tuyển dụng, sau đó bạn viết đánh giá trên trang rồi sẽ nhận lại được tiền mua sản phẩm kèm theo tiền thưởng khoảng vài trăm yên cho đánh giá mà bạn đã viết. Sau đó người đánh giá có thể bán lại sản phẩm trên các trang mua bán tự do. Hình thức này được gọi là “bán lại 0 yên”. Có một số người mỗi tháng kiếm được 200.000 yên (hơn 40 triệu) từ cách làm này.

Trong các bài viết đánh giá, người viết sẽ tham khảo từ ngữ ở phần giới thiệu sản phẩm, bí quyết viết đánh giá là nội dung chỉ khoảng 5 dòng rồi đánh giá 5★. Đương nhiên không được viết lượng lớn các đánh giá cùng một lúc mà phải sử dụng nhiều tài khoản, tên, địa chỉ khác nhau để tránh bị các trang khoá tài khoản.

 

Đánh giá sai có phải là lừa đảo?

Thông tin tuyển người viết đánh giá hiện đang tràn lan trên mạng. Phía doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm của mình nên thực hiện hình thức tặng sản phẩm miễn phí để người dùng viết đánh giá. Tuy nhiên thực sự sản phẩm đó có được sử dụng hay không, đánh giá có đúng hay không thì rất khó để kiểm chứng.

Trên Facebook có 1 số nhóm không công khai của những người làm công việc đánh giá sản phẩm. Số người trong 1 nhóm có thể lên đến 30.000 thành viên. Quản lí của nhóm và những người hoạt động tích cực thường có tên kiểu Trung Quốc hay sử dụng chữ Hán đơn giản nhưng có vẻ giống như tiếng Nhật.

Amazon, trang bán hàng trực tuyến lớn tại Nhật có quy định cấm thành viên viết đánh giá với mục đích nhận tiền, nếu phát hiện sẽ bị xoá ra khỏi trang. Tuy nhiên việc quản lí nội dung đánh giá cũng như hiển thị vẫn là một khó khăn lớn đối với họ.

 

Công cụ xác định đánh giá ảo

Tháng 7 năm nay trang web https://sakura-checker.jp/ đã ra đời với mục đích giúp người tiêu dùng tránh khỏi ma trận đánh giá sản phẩm. Bạn chỉ cần nhập đường dẫn của sản phẩm vào trang là sẽ thấy hiển thị % của “サクラ度”. Tuỳ vào phần trăm mà sản phẩm đó sẽ là sản phẩm có đánh giá đáng tin cậy hoặc không đáng tin cậy. % càng lớn chứng tỏ đánh giá sản phẩm càng không đáng tin.

Cách tính toán của sakura-checker dựa trên số lượng đánh giá, ngày đánh giá. Nếu trong cùng 1 ngày mà lượng đánh giá cao hơn nhiều so với những ngày trước và sau đó thì khả năng cao đó là đánh giá ảo. Bên cạnh đó trang cũng sẽ kiểm tra và đánh giá tính tự nhiên của câu văn tiếng Nhật, nếu nó là câu giống với phần mềm dịch thuật thì khả năng cao đó cũng là đánh giá ảo. Cho đến nay đã có hơn 100.000 sản phẩm được đánh giá trên trang.

 

Tổng hợp LOCOBEE

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る