Nhật Bản, một quốc gia hiện đại và phát triển, vẫn phải đối mặt với vấn đề người vô gia cư. Dù con số này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, nhưng tình trạng này vẫn hiện hữu, đặc biệt ở các thành phố lớn. Vậy, những người vô gia cư tại Nhật thường tập trung ở đâu?
Nội dung bài viết
Câu chuyện của một người từng là vô gia cư ở Nhật
Có một người đàn ông từng sống trên đường phố và sau đó tham gia các hoạt động hỗ trợ người vô gia cư. Nửa đời người của ông đầy rẫy khó khăn như từng bị tù vì trộm cắp, thất nghiệp sau khi mãn hạn tù và nghiện cờ bạc.
Ảnh minh hoạ
Vào một đêm lạnh giá, ngày 27/12/2024, tại Công viên Maizuru ở quận Chuo, thành phố Fukuoka, ông Miyake Noriyuki (56 tuổi), thành viên của tổ chức phi lợi nhuận “Fukuoka Onigiri no Kai”, đã mang súp hầm nóng hổi đến giúp đỡ những người vô gia cư.
Người ông gặp là một người đàn ông khoảng 70 tuổi đang sống trong công viên, bị đau lưng và nằm trong túi ngủ. Ông nói: “Đặt súp ở đó được rồi” và đùa: “Khi tôi chết, cứ rải tro quanh đây là được.” Miyake đáp lại: “Phải 20 năm nữa mới đến lượt ông.” Người đàn ông trả lời ngắn gọn: “Không sống lâu đến thế đâu.”
Tình hình người vô gia cư tại Nhật Bản
Theo khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng người vô gia cư trên toàn quốc tiếp tục giảm, với 2.820 người tính đến tháng 1/2024 (không tính tỉnh Ishikawa do không thực hiện khảo sát vì động đất bán đảo Noto). Trong đó, có 2.575 nam giới, 172 nữ giới, và 73 người không xác định được giới tính do mặc nhiều đồ chống lạnh.
Các tỉnh, thành có số lượng người vô gia cư cao nhất gồm:
- Osaka: 856 người
- Tokyo: 624 người
- Kanagawa: 420 người
- Fukuoka: 163 người
- Chiba: 121 người
- Aichi: 110 người
Về nơi sinh hoạt, người vô gia cư chủ yếu tập trung ở:
- Công viên thành phố: 25,2%
- Đường phố: 23,8%
- Ven sông: 22,6%
- Nhà ga: 6,2%
Xu hướng già hóa trong nhóm người vô gia cư
Khảo sát về điều kiện sống năm 2021 của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy độ tuổi trung bình của người vô gia cư là 63,6 tuổi, với 34,4% trên 70 tuổi, tăng 14,7 điểm phần trăm so với năm 2016.
Về kế hoạch cho tương lai, 40,9% cho biết họ hài lòng với cuộc sống hiện tại, trong khi:
- 17,5% mong muốn sống trong căn hộ và tự nuôi sống bản thân bằng công việc
- 12,0% hy vọng sống trong căn hộ, nhận hỗ trợ phúc lợi và tìm công việc nhẹ nhàng
Miyake đang nỗ lực giúp đỡ để thay đổi cuộc đời mình và những người vô gia cư. Nguồn động lực lớn nhất với ông là những dòng thư từ người mẹ quá cố để lại, luôn khích lệ ông không bỏ cuộc.
8 hệ luỵ nghiêm trọng của vấn đề dân số già ở Nhật Bản
Nguồn: The Mainichi
Biên tập: LocoBee