Số lượng người lao động tại Nhật mắc rối loạn tâm thần do làm việc quá sức đạt kỉ lục mới

Theo “Sách trắng phòng chống tử vong do làm việc quá sức” năm 2024 được thông báo trong cuộc họp nội các Nhật Bản ngày 11/10, số người lao động bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần do làm việc quá sức vào năm 2023 là 883 người, tăng 173 người so với năm 2022, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số này, có 79 trường hợp đã tự tử hoặc cố gắng tự tử. Ngoài ra, số ca công nhận bệnh lý liên quan đến não và tim do công việc là 216 trường hợp, vượt mốc 200 người sau 4 năm.

Nhiều lao động tại Nhật gặp căng thẳng do vấn đề lương thưởng

Tổng số giờ làm việc hàng năm của mỗi lao động vào năm 2023 là 1.636 giờ, tăng 3 giờ so với năm 2022. Trong khi đó, vào thập niên 1990, thời gian làm việc bình quân ở mức khoảng 1.900 giờ/năm và đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, xu hướng này dường như chững lại trong những năm gần đây.

Lao động chính thức có tổng số giờ làm việc thực tế trung bình là 1.962 giờ, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp không vượt qua ngưỡng 2.000 giờ. Lao động bán thời gian làm việc trung bình 952 giờ, tiếp tục ở dưới mốc 1.000 giờ trong 5 năm liên tiếp. Tỷ lệ người lao động làm việc hơn 60 giờ/tuần trong nhóm lao động có thời gian làm việc trên 40 giờ/tuần là 8,4%, giảm 0,5 % so với năm trước. Ngành vận tải và bưu chính có tỷ lệ cao nhất, đạt 18,5%.

Xét về tình trạng nghỉ phép có lương hàng năm thì số ngày nghỉ phép tăng nhẹ với 10,9 ngày vào năm 2022. Đây là năm thứ 4 liên tiếp con số này vượt quá 10 ngày. Tỷ lệ sử dụng ngày nghỉ phép đạt 62,1%, tăng 3,8 % so với năm trước và đã vượt mốc 50% kể từ năm 2017.

Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù đã có những cải thiện trong việc quản lý thời gian làm việc và sử dụng ngày nghỉ phép, tình trạng làm việc quá sức vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ sức khỏe người lao động.

Hiểu về văn hoá làm quá giờ ở Nhật Bản

 

Nguồn: www.mhlw.go.jp

Biên tập: LocoBee

Facebook