Hàng năm tại Nhật Bản có rất nhiều người phải vào bệnh viện rồi tử vong vì “say nắng”. Tuy nhiên, đây là một “thảm họa” có thể phòng tránh được. Sau đây hãy cùng LocoBee tìm hiểu về các biện pháp phòng chống chứng “say nắng” mùa hè nhé!
Nội dung bài viết
Cẩn thận với “say nắng” trong nhà!
Nơi thường xảy ra say nắng nhất là trong nhà. Hiện nay, ngày càng có nhiều người bị say nắng khi ở nhà.
Hãy giữ cho phòng ở luôn mát mẻ bằng máy điều hòa. Bạn nên đặt một nhiệt kế trong phòng của bạn để kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm trong phòng. Trong trường hợp nhà có người lớn tuổi, hãy chú ý hơn đến điều này.
- Đặt nhiệt kế trong phòng và kiểm tra “nhiệt độ phòng” và “độ ẩm”
- Cài đặt nhiệt độ phù hợp với những người có thân nhiệt cao
- “Nhiệt độ phòng 28 độ” và “độ ẩm 70%” là chế độ thường được sử dụng khi bật điều hòa
- Bật điều hòa liên tục
Ông Miyake Yasushi – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Điều trị Bệnh viện Đại học Teikyo – là người có kinh nghiệm điều trị “say nắng” cho biết: “Khi sử dụng máy điều hòa, nhiệt độ thực tế trong phòng mới quan trọng chứ không phải nhiệt độ cài đặt. Trong phòng nên để nhiệt kế theo dõi nhiệt độ và độ ẩm để thay đổi tùy từng người. Nếu cảm thấy lạnh hãy đi tất và mặc áo khoác vào”.
Theo đại diện một hãng sản xuất lớn, điều hòa tiêu thụ lượng điện lớn khi khởi động. Nếu bạn bật và tắt nó thường xuyên, nó sẽ tiêu thụ rất nhiều điện năng mỗi lần khởi động. Trên thực tế, để điều hòa bật thường xuyên lại là một cách tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Vượt qua “Đêm nhiệt đới”
Từ “đêm nhiệt đới” diễn tả khi nhiệt độ vẫn ở trên 25 độ vào ban đêm. Do đó, nhiều người có nguy cơ say nắng ngay cả khi đang ngủ. Bạn nên để nước ở đầu giường và uống nó trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Hãy giữ cho cơ thể đủ nước, đồng thời bật máy điều hòa cho đến sáng.
- Làm mát phòng vừa đủ trước khi đi ngủ
- Để điều hòa bật đến sáng
- Uống 1 ly nước trước khi đi ngủ
- Đặt nước ở đầu giường của bạn và uống nó khi bạn thức dậy
- Làm mát cổ và gáy bằng gối mát
Nhiệt độ ở các toà nhà chung cư không giảm nhiều ngay cả vào ban đêm. Một cuộc khảo sát đã được tiến hành về nhiệt độ thay đổi như thế nào trong ngày trong một khu nhà bê tông cốt thép, nơi có nhiều bệnh nhân bị “say nắng”. Kết quả là nhiệt độ vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở các tầng giữa. Theo ông Ikaga Toshiharu – giáo sư tại Đại học Keio – thì bê tông cốt thép có xu hướng tích tụ nhiệt và ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài giảm vào ban đêm, nhiệt độ bên trong phòng sẽ không giảm. Đặc biệt là ở những khu chung cư bê tông cốt thép cũ, vật liệu cách nhiệt thường không được dùng nhiều nên nhiệt độ trong nhà không giảm dù nhiệt độ bên ngoài có giảm xuống. Do đó hãy bật máy điều hòa khi bạn ngủ. Nếu bạn tắt đi, nhiệt độ trong phòng sẽ tăng lên nhanh chóng và bạn dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Mẹo “thông gió” hiệu quả
- Khi về nhà nên thông gió trước khi bật điều hòa
- Chú ý về luồng không khí “chéo”
- Nếu nhà có ít cửa sổ nên quay quạt ra ngoài
- Thỉnh thoảng cần thông gió dù đang bật điều hòa
- Bật quạt thông gió trong nhà bếp và nhà tắm
“Người già” và “trẻ em” phải hết sức cẩn thận trong mùa hè
Khoảng một nửa số người phải đi cấp cứu vì say nắng là “người già trên 65 tuổi”. Càng lớn tuổi, con người càng trở nên ít nhạy cảm với nhiệt hơn và quá trình trao đổi chất cơ bản cũng chậm lại. Nếu chỉ dựa vào cảm tính sẽ chậm trễ trong việc xử lý khi cơ thể gặp vấn đề. Điều quan trọng là phải đảm bảo cơ thể đủ nước và giữ nhiệt độ, độ ẩm phòng một cách thích hợp.
- Đảm bảo điều hòa bật khi có người già trong nhà
- Sau vài tiếng nên kiểm tra tình hình bằng tin nhắn hoặc điện thoại
- Đặt “nhiệt độ phòng 28 độ” và “độ ẩm 70%”
- Hẹn giờ uống nước (Sáng/10:00/Trưa/15:00/Giờ ăn tối/Trước khi đi ngủ/Sau khi thức dậy)
Điều hòa không khí có hại không?
Nhiều người cho rằng máy điều hòa không khí có hại cho sức khỏe. Vậy thực tế là gì?
Đúng là nếu bật điều hòa quá lạnh, đầu gối của bạn sẽ bị đau. Nếu căn phòng quá khô, bạn có thể bị viêm họng. Nhưng nếu nhiệt độ và độ ẩm phù hợp thì không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Hơn nữa, không sử dụng điều hòa sẽ làm tăng nguy cơ “say nắng” nên điều quan trọng là phải biết sử dụng đúng cách.
4 điểm giúp bạn dùng điều hoà hiệu quả và tiết kiệm trong ngày hè ở Nhật
Nếu không có điều hòa thì sao?
- Để tránh ánh nắng trực tiếp, hãy sử dụng rèm, rèm cản sáng hoặc “rèm xanh” bằng thực vật
- Mở cửa sổ để thông gió tốt
- Tưới nước quanh nhà
- Làm mát cổ và nách của bạn bằng cách quấn chúng trong một chiếc khăn, chẳng hạn như nước đá hoặc túi chườm đá
Cần quan tâm đến thể trạng của trẻ em trong mùa hè
Khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ em chưa phát triển nên rất dễ khiến cơ thể trẻ bị nóng quá mức. Hơn thế nữa, trẻ em có chiều cao thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt trên mặt đất. Người lớn cần chú ý đến những thay đổi của thể trạng và lưu ý bổ sung nước đầy đủ cho trẻ.
- Quan sát kỹ những thay đổi của thể trạng
- Gọi điện thường xuyên và kiểm tra những thay đổi về tình trạng thể chất
- Nếu trẻ đổ mồ hôi nhiều hoặc mặt đỏ bừng, hãy cho trẻ nghỉ ngơi trong môi trường thoáng mát
- Luôn có một chai nước đầy đá để hạ nhiệt cho trẻ trong trường hợp khẩn cấp
- Không cho trẻ chơi ngoài trời lâu
Cẩn thận với “nhiệt độ trong xe đẩy”
Xe đẩy dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng và nhiệt độ từ mặt đất, do đó nếu để trẻ trong xe, nhiệt độ cơ thể dễ dàng bị tăng lên. Hơn thế nữa, việc sử dụng bạt che nắng cho xe càng khiến nhiệt dễ tích tụ hơn.
- Kiểm tra nét mặt của trẻ thường xuyên và cố gắng bổ sung đủ nước
- Kiểm tra kế hoạch cho trẻ đi chơi xem đã hợp lý chưa (địa điểm, thời gian, lộ trình)
- Chọn xe đẩy cao và chất liệu lưới thoáng mát
- Bọc một túi nước đá trong một chiếc khăn và đặt lên trên tấm trải giường
- Dù đã che nắng cũng cần kiểm tra biểu hiện của trẻ thường xuyên
- Nếu trẻ có triệu chứng mặt đỏ và thở gấp, hãy cho chúng uống nước và nghỉ ngơi
Chọn thời điểm ra ngoài
Không nên đi ra ngoài khi nguy cơ “say nắng” cao. Nếu bạn bắt buộc phải ra ngoài, hãy tránh ánh nắng trực tiếp và mặc quần áo thoáng mát. Mang theo một chai nước bên mình để có thể bổ sung nước thường xuyên. Nếu có thể, nên tránh đi ra ngoài trong một thời gian dài.
- Thay đổi thời gian ra ngoài vào thời điểm tương đối mát mẻ, chẳng hạn như buổi sáng hoặc buổi tối
- Tránh ánh nắng trực tiếp bằng ô và mũ
- Mang theo một chai nước để bạn có thể bổ sung nước mọi lúc
- Mặc quần áo rộng rãi, nới lỏng cổ áo để thông thoáng hơn
- Chọn đồ lót dễ khô
Ngoài ra, nếu là người bị huyết áp cao hoặc bệnh tim, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung nước và muối.
Làm mát lòng bàn tay
Khi ra ngoài, cầm theo chai nhựa lạnh hoặc túi đá lạnh để làm mát “lòng bàn tay” cũng là một biện pháp chống say nắng hiệu quả. Lòng bàn tay có các mạch máu được gọi là AVA (anastomosis động mạch) đóng vai trò điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, nếu quá lạnh, các mạch máu sẽ co lại và khó tản nhiệt, vì vậy bạn chỉ nên để tay ở khoảng 15 độ.
Chế độ ăn uống
Tất nhiên, việc cung cấp đủ nước là biện pháp tốt nhất để đối phó với “say nắng”, nhưng tiến sĩ Ota Shoichi – người có kinh nghiệm với chứng say nắng – cho biết: “Việc ăn sữa và thịt để bổ sung các chất dinh dưỡng như protein và kiểm soát tình trạng thể chất cũng rất quan trọng”.
Các biện pháp khẩn cấp cần nhớ
Khi các biện pháp chống lại virus corona vẫn đang được nhiều người áp dụng, nguy cơ “say nắng” có thể tăng lên do ảnh hưởng của việc đeo khẩu trang và lười vận động. Cần thực hiện các biện pháp như tháo khẩu trang khi ở ngoài trời hoặc ở những nơi có thể giữ khoảng cách vừa đủ.
- Không làm việc nặng khi đang đeo khẩu trang
- Bỏ khẩu trang khi bạn có thể giữ khoảng cách với người khác
- Nếu cảm thấy không khỏe khi ở một nơi nóng nực, có thể bạn có triệu chứng “say nắng”
Bởi vì các triệu chứng của say nắng và virus corona tương tự nhau nên rất khó để phân biệt chúng trừ khi bạn là chuyên gia y tế. Điều quan trọng là nếu cảm thấy không khỏe ở nơi nóng bức, trước tiên hãy uống nước và nghỉ ngơi. Ngoài ra, việc rửa tay được khuyến cáo để ngăn ngừa nhiễm virus corona chủng mới, nhưng rửa tay bằng nước lạnh cũng có tác dụng làm mát cơ thể. Bằng cách rửa tay kỹ trong thời gian lâu hơn một chút, bạn có thể làm mát máu chảy qua tay, điều này có tác dụng tương tự như làm mát vùng nách của bạn.
Biện pháp ngăn ngừa say nắng đầu hè từ chuyên gia Nhật Bản
Hi vọng bài viết mang lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn muốn biết thêm các thông tin khác, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee chuẩn bị các bài viết trả lời cho vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Nguồn: NHK
Tổng hợp: LocoBee
bình luận