Hiện tại đến Nhật Bản, bạn khó mà tìm thấy 1 cửa hàng tiện lợi không có nhân viên là người nước ngoài. Họ thường là các du học sinh, tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống hoặc thậm chí họ còn là nhân viên chính thức của cửa hàng. Cùng với lượng du học sinh tại Nhật tăng mạnh trong những năm gần đây, điều này là điều dễ hiểu.
Tại sao số lượng nhân viên cửa hàng không phải người Nhật lại tăng lên nhiều như vậy? Có phải là do người Nhật ngại đi làm công việc này? Hãy cùng LocoBee tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
- Vì sao người nước ngoài làm việc tại các cửa hàng tiện lợi tăng?
- Vậy vì sao người Nhật không muốn làm việc bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi?
- Tại sao du học sinh muốn làm việc tại các cửa hàng tiện lợi?
- Những điều cần lưu ý khi làm việc tại cửa hàng tiện lợi
- Khả năng các cửa hàng tiện lợi nhận visa Tokutei Gino (visa kỹ năng đặc định)
- Visa kỹ năng đặc định có thể giải quyết tình trạng thiếu lao động tại cửa hàng tiện lợi
Cửa hàng tiện lợi ở Nhật – không chỉ là nơi mua sắm
Vì sao người nước ngoài làm việc tại các cửa hàng tiện lợi tăng?
Người nước ngoài bắt đầu được thuê làm nhân viên cửa hàng tiện lợi từ trước đại dịch Covid – 19. Về tình hình lúc đó, một số người kể lại rằng: “Tôi muốn thuê nhân viên là người Nhật, nhưng nhiều người mặc dù được tuyển dụng những đã không đến, vì vậy tôi không có sự lựa chọn nào khác.”
Vậy vì sao người Nhật không muốn làm việc bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi?
Lý do đầu tiên là mức lương mong muốn không được đáp ứng. Mỗi tỉnh có mức lương tối thiểu riêng, nhưng ở hầu hết các cửa hàng tiện lợi, mức lương theo giờ chỉ ở khoảng đó, tức là xét về lương, lương ở cửa hàng tiện lợi ở mức thấp. Đây là 1 trong những lý do tại sao công việc này không thu hút được người Nhật.
Lý do thứ 2 là do công việc gò bó. Nhiều người Nhật phàn nàn khi họ so sánh mình với những công việc bán thời gian khác, và nhiều người trong số họ đã bỏ việc ngay lập tức. Có rất nhiều vấn đề khiến họ không hài lòng và họ nghỉ việc sau khi yêu cầu không được đáp ứng. Một số chủ cửa hàng tiện lợi thậm chí còn nói rằng họ thấy rất khó khăn khi sử dụng lao động bán thời gian là người Nhật.
Mặt khác, sinh viên nước ngoài có giới hạn làm thêm 28 giờ mỗi tuần, vì vậy họ hiếm khi yêu cầu làm thêm giờ và thường không phàn nàn về tiền lương theo giờ.
Tại sao du học sinh muốn làm việc tại các cửa hàng tiện lợi?
Trên thực tế, trong mắt phần lớn các du học sinh nước ngoài, công việc làm thêm tại cửa hàng tiện lợi là 1 công việc làm thêm “cao cấp”. Lý do là cần đạt được năng lực tiếng Nhật tối thiểu N3 thì mới có thể được tuyển dụng vào làm. Điều này phần lớn các du học sinh mới sang Nhật sẽ không làm được.
Ngoài ra, nhiều người nói rằng công việc bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi rất vui và có lợi. Nếu bạn chịu khó tìm kiếm, sẽ có những công việc bán thời gian với mức lương cao hơn mức trung bình vùng. Ngay cả khi mức lương theo giờ thấp, nhiều du học sinh vẫn chọn làm việc bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi với mong muốn tăng cơ hội giao tiếp và nâng cao năng lực tiếng Nhật.
3 quy tắc du học sinh cần tuân thủ khi làm thêm tại Nhật
Bạn có thể học tiếng Nhật thông qua việc tiếp xúc với khách hàng
Các du học sinh đang học tiếng Nhật tại các trường Nhật ngữ chắc hẳn đều muốn biết liệu những gì họ đang học có thực sự hữu ích hay không. Sẽ thật vui nếu có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ mà mình đang học đúng không? Nhưng đáng tiếc là, có một số công việc bán thời gian không yêu cầu nhiều tiếng Nhật.
Mặt khác, công việc làm thêm tại cửa hàng tiện lợi liên quan đến phục vụ khách hàng nên có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Nhật. Các du học sinh vừa có thể kiếm tiền, vừa có thể nâng cao khả năng tiếng Nhật, đây dường như là “1 mũi tên trúng 2 đích”
Khách hàng rất đa dạng, có cả người Nhật, người ngoại quốc, ở mọi lứa tuổi, tới từ nhiều vùng miền, do đó một số sinh viên nói rằng đây là điều khiến cho công việc trở nên thú vị. Đó hẳn là một trải nghiệm quý giá khi thực sự nghe được sự khác biệt trong phương ngữ và phong cách nói tùy theo độ tuổi.
Được tiếp nhận công nghệ và thông tin mới nhất
Cửa hàng tiện lợi là nơi nhanh chóng cập nhật các công nghệ mới nhất, chẳng hạn như cửa hàng tiện lợi không cần nhân viên sắp ra mắt do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19. Đối với những người trẻ tuổi, đây là điều khiến họ rất có hứng thú. Ngoài ra, hệ thống nhập tuổi tại máy tính tiền và máy tự động trả tiền thừa cho khách hàng cũng là những cải tiến mới trong 2 năm gần đây.
Đặc biệt, tại cửa hàng tiện lợi luôn có các sản phẩm mới. Với những đồ uống và thực phẩm theo mùa thường xuyên được cập nhật, thu hút đối tượng khách hàng là giới trẻ. Còn gì tuyệt vời hơn khi làm việc tại cửa hàng tiện lợi và là người đầu tiên biết các sản phẩm mới này.
Có thể sắp xếp ca làm việc theo thời gian mong muốn
Đối với sinh viên quốc tế có công việc chính là học tập, điều quan trọng là có thể làm việc mà không ảnh hưởng đến thời gian học. Các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24h/ngày, 365 ngày/năm, vì vậy bạn có thể tự do lựa chọn thời gian và ngày trong tuần để làm việc.
Du học sinh có thể làm việc tới 28 giờ một tuần, nhưng có thể tăng lên 40 giờ một tuần trong các kỳ nghỉ dài. Cửa hàng tiện lợi là nơi làm việc dễ ứng phó linh hoạt với những thời điểm như vậy.
Những điều cần lưu ý khi làm việc tại cửa hàng tiện lợi
Có một số điều cần lưu ý khi người nước ngoài làm việc tại các cửa hàng tiện lợi. Có thể công việc nào cũng vậy, nhưng sau đây là những điều các du học sinh cần chú ý.
Giờ làm việc bị hạn chế
Đối với du học sinh, phải tuân thủ giới hạn tuần làm việc 28 giờ. Người sử dụng lao động cũng có nghĩa vụ thông báo thời gian làm việc của du học sinh cho Hello Work. Nếu không làm như vậy sẽ bị phạt.
Cũng có 1 số người nói rằng nếu làm ở nhiều nơi thì cục quản lý xuất nhập cảnh sẽ không phát hiện ra, hoặc nhận lương tay cũng sẽ không sao, nhưng thực tế không ít trường hợp đã bị phát hiện ra là đã làm quá giờ khi gia hạn visa, và tất nhiên, hồ sơ gian hạn đã bị từ chối. Ngày nay, khi thẻ My Number ngày càng trở nên phổ biến, thời gian làm thêm càng được quản lý chặt chẽ hơn.
Hãy chắc chắn tuân theo các quy tắc để không ảnh hưởng đến visa, đó là yếu tố quyết định tình trạng cư trú của bạn. Chủ cửa hàng cũng nên kiểm tra trước và tuân thủ điều này để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.
Trình độ tiếng Nhật không đủ
Có thể nói, những rắc rối do năng lực tiếng Nhật chưa đủ là điều khó tránh khỏi. Việc bạn không hiểu khách hàng nói gì và hỏi đi hỏi lại khiến họ tức giận là chuyện sẽ rất dễ xảy ra.
Bạn có thể coi việc trở thành nhân viên của cửa hàng tiện lợi là cơ hội để nâng cao hơn nữa kỹ năng tiếng Nhật của mình, đồng thời cũng là cơ hội tốt để nâng cao khả năng xử lý các yêu cầu từ quản lý cửa hàng và đồng nghiệp. Tất cả những điều này sẽ là niềm vui thực sự khi làm việc.
Khác biệt về văn hóa
Có rất nhiều điều mà người nước ngoài không hiểu được, ngay cả khi họ sống ở Nhật Bản trong 1 thời gian dài.
Ví dụ, nếu khách hàng mua hộp cơm trưa ở cửa hàng tiện lợi, một số loại dễ ăn bằng đũa hơn, trong khi những hộp khác dễ ăn bằng thìa hoặc nĩa hơn. Khi bạn là nhân viên của cửa hàng tiện lợi, bạn sẽ phải ghi nhớ các sự khác biệt này.
Gần đây, từ khi triển khai việc tính phí túi đựng hàng, mọi người đã mang theo túi khi mua đồ nhiều hơn, vì vậy các quy tắc liên quan đến túi cũng trở nên đơn giản hơn. Trước đây, nhân viên của cửa hàng tiện lợi phải nhớ các quy tắc như không để đồ nóng và lạnh vào cùng một túi, để chất tẩy rửa và thực phẩm vào các túi riêng biệt…
Đối với những sinh viên nước ngoài lần đầu tiên đến Nhật Bản, chắc hẳn ban đầu sẽ rất bỡ ngỡ về những quy tắc này, nhưng chỉ cần làm việc 1 thời gian thôi là mọi thứ sẽ trở nên rất dễ dàng.
Khả năng các cửa hàng tiện lợi nhận visa Tokutei Gino (visa kỹ năng đặc định)
Trên thực tế, ngày càng có nhiều chủ cửa hàng tiện lợi nói rằng họ muốn thuê người nước ngoài hơn là người Nhật. Lý do là những người nước ngoài không phàn nàn nhiều, làm việc nghiêm túc và luôn vui vẻ với mọi người.
Nhiều người Nhật không giỏi tiếng Anh. Trong thời đại du lịch phát triển như ngày nay, càng ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đến Nhật và mua sắm tại cửa hàng tiện lợi, việc không biết tiếng Anh trở thành 1 điểm bất lợi. Ngược lại, sinh viên quốc thường nói được tiếng Anh, ngay cả khi tiếng Nhật của họ chỉ đủ dùng trong công việc, thì khi gặp khách hàng là người nước ngoài họ vẫn có thể dễ dàng giao tiếp được.
Tuy nhiên, vấn đề là giới hạn 28 giờ một tuần. Có 1 giải pháp đưa ra là đưa visa Tokutei gino trở thành 1 lựa chọn cho các chủ cửa hàng. Thế nhưng, trên thực tế, nó đã không được thực hiện do các vấn đề như sự phức tạp của các bước chuẩn bị khác nhau cho người nước ngoài đến Nhật Bản với các kỹ năng cụ thể và gánh nặng chi phí khi thuê ngoài.
Cùng với xu hướng dân số già, vấn đề thiếu lao động sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Rất có thể chỉ 1 thời gian ngắn nữa, nhiều rào cản liên quan đến visa kỹ năng đặc định sẽ được gỡ bỏ và người nước ngoài có thể sẽ không bị hạn chế về giờ làm việc nữa.
Visa kỹ năng đặc định có thể giải quyết tình trạng thiếu lao động tại cửa hàng tiện lợi
Visa kỹ năng đặc định đã bị chỉ trích bởi một số nhà tuyển dụng vô đạo đức do nhiều vấn đề khác nhau. “Lao động với visa kỹ năng đặc định” được kỳ vọng là tư cách lưu trú được công bố rõ ràng để bù đắp sự thiếu hụt lao động cho cả người sử dụng lao động và người lao động.
Các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong thời gian dài, chẳng hạn như sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi không người bán, đang được thúc đẩy, nhưng là một trong những biện pháp hữu hiệu, “visa kỹ năng đặc định” cũng cần được xem xét lại.
Sự suy giảm dân số của Nhật Bản sẽ ngày càng nghiêm trọng, và sự cạnh tranh toàn cầu để có được nguồn nhân lực sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai. An toàn và an ninh, môi trường làm việc tốt, nền văn hóa ẩm thực đa dạng và mức lương cao nhất khu vực châu Á chính là những tiêu chí khiến rất nhiều lao động vẫn chọn Nhật Bản là điểm đến của mình.
Tổng hợp LocoBee
bình luận