[Người Nhật nghĩ gì?] Khác biệt giữa Tết Dương lịch Nhật Bản và Tết Nguyên đán Việt Nam

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2022. Bạn sẽ trải qua đêm giao thừa như thế nào? Bạn mong đợi điều gì trong năm 2023 tới? Bạn muốn bắt đầu điều gì trong năm mới?

Cùng LocoBee trò chuyện với một nam nhân viên văn phòng người Nhật – anh Mochizuki – về sự khác biệt giữa Tết Dương lịch tại Nhật Bản và Tết Âm lịch tại Việt Nam nhé!

 

Kì nghỉ Tết sẽ làm gì?

Khảo sát về cách trải qua kì nghỉ Tết và kì vọng trong năm mới của LINE Research cho thấy cách mà người Nhật ở các lứa tuổi trải qua kì nghỉ Tết Dương lịch.

Thứ tự
1 Ăn mì Toshikoshi soba
2 Xem Kouhaku Uta Gassen
3 Ăn ozoni
4 Đi lễ đầu năm – hatsumode
5 Ăn osechi
6 Dọn dẹp nhà cửa – Osoji
7 Tặng lì xì – Otoshidama
8 Xem giải chạy Hakone-Ekiden
9 Gửi thiệp với lời chào năm mới
10 Gửi email, tin nhắn chào năm mới

Kouhaku Uta Gassen là chương trình âm nhạc đặc biệt quy mô lớn vào đêm giao thừa của đài NHK Nhật Bản. Gần 50% thanh thiếu niên (10-19 tuổi), đặc biệt là gần 60% nữ giới lựa chọn xem chương trình này. Điều này có thể là do số ca sĩ lên sân khấu ngày càng nhiều, đặc biệt là ca sĩ trẻ. Ngược lai, số người ở độ tuổi 50 trở lên “xem Kouhaku Uta Gassen” đang giảm dần qua từng năm.

 

Mong muốn làm điều gì trong đầu năm 2023?

Cũng trong khảo sát trên, người ta đã phân tích hơn 500.000 ý kiến để tìm ra điều mà mọi người muốn làm vào đầu năm 2023.

  1. Đi du lịch trong nước là cao nhất với hơn 30%
  2. Cải thiện bản thân (ngoại hình/nội tâm) trên 20%
  3. Ăn kiêng dưới 20%

Theo giới tính và độ tuổi, hơn 20% nam và nữ ở độ tuổi 10-29 cho biết họ sẽ “thi bằng cấp, lấy chứng chỉ”. Ở nam giới độ tuổi 10-39, tỷ lệ “bắt đầu tập thể dục/thể thao” cao hơn so với các nhóm tuổi khác và đứng thứ 4 ở nam giới độ tuổi 30-39. “Ăn kiêng” được xếp thứ 3 với phụ nữ ở mọi lứa tuổi, mặc dù có tỷ lệ thấp nhưng ngay cả nam giới ở độ tuổi 30-39 cũng khá quan tâm đến chuyện này . Sau khi bước qua tuổi 35, số lượng các mục kiểm tra sức khỏe hàng năm tăng lên và nhiều người đang cố gắng duy trì nhận thức về sức khỏe và vóc dáng của mình.

Trong số phụ nữ ở độ tuổi 19-29, tỷ lệ “đi lễ hội/đi xem show” cao ở mức khoảng 30%. Ngoài ra, đối với phụ nữ ở độ tuổi này thì tỷ lệ “bắt đầu tiết kiệm” ở mức cao gần 30%. Hơn 40% phụ nữ ở độ tuổi 20-29 chọn “đi du lịch trong nước”.

 

Trên thực tế người Nhật trẻ tuổi làm gì vào Tết Dương lịch?

Nhân vật chia sẻ hôm nay là anh Mochizuki đang ở độ tuổi 30-39, nhân viên của một công ty IT tại Tokyo. Anh Mochizuki cho biết vào Tết Dương lịch anh thường về thăm nhà ông bà, bố mẹ hoặc đi du lịch nước ngoài. Ở Nhật Bản, những người sinh ra và lớn lên ở nông thôn có mối quan hệ thân thiết với họ hàng hơn là người ở thành phố. So với những người bạn của anh – những người có người thân ở Tokyo thì anh nghĩ rằng gia đình mình có mối quan hệ họ hàng thân thiết hơn. Anh Mochizuki đã nhận được lì xì từ người thân cho đến khi học đại học, nhưng bây giờ khi đã đi làm anh lại đang ở vị trí của người tặng lì xì.

Có những năm anh Mochizuki sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài cùng bạn bè, có khi là Mỹ, có lúc là Nam Phi. Những lúc ấy anh thường đi xem đếm ngược thời khắc giao thừa ở nơi mình đang ở.

 

Cảm nghĩ về Tết Nguyên đán ở Nhật?

Trước khi theo Tết Dương lịch như các nước phương Tây, Nhật Bản cũng là một trong số các nước có Tết Nguyên đán. Tuy nhiên từ năm 1872, do cân nhắc đến ảnh hưởng của nghỉ lễ đến kinh tế cùng một số vấn đề khác mà nước này đã chuyển từ nghỉ Tết Nguyên đán sang nghỉ Tết Dương. Hiện nay mặc dù không còn phổ biến nhưng ở Okinawa và quần đảo Nansei người dân vẫn có lễ hội Tết Nguyên đán. Ngày này được gọi là “Sowachi”, mọi người ăn các món ăn của năm mới và quây quần bên người thân. Có 2 món ăn “Wakamizu” và “Uchanuku”, tương tự như bánh mochi hiện đại được gói vào sáng ngày Tết âm lịch để dâng lên thần lửa Hinukan. Nó còn mang ý nghĩa cầu mong đánh bắt được nhiều cá, đặc biệt phổ biến ở những nơi có ngành đánh bắt hải sản phát triển mạnh. Việc sử dụng thịt lợn trong các món ăn ngày Tết cũng là một phong tục độc đáo của Okinawa. “Súp Soki” được làm bằng cách ninh xương lợn, “Kubuirichi” được làm bằng cách xào tảo bẹ và thịt lợn, và “Rafute” được làm bằng cách hầm sườn lợn với awamori… là những món ăn cơ bản. Tại Okinawa, ngoài Tết Nguyên đán, hàng năm các sự kiện và lễ hội địa phương được tổ chức theo âm lịch.

Nhiều người Nhật trẻ tuổi hiện nay không còn cơ hội để được biết về Tết Nguyên Đán. Theo hiểu biết của anh Mochizuki thì Tết Nguyên đán rất quan trọng ở Việt Nam và Trung Quốc còn ở Nhật Bản mọi người không quen thuộc với kì nghỉ lễ này.

 

Cảm nghĩ về Tết Nguyên đán ở Việt Nam?

Hiện tại công việc của anh Mochizuki có liên quan tới Việt Nam nên anh cũng biết chút ít về thời gian, phong tục tập quán, thói quen của người Việt. Tuy nhiên vì chưa bao giờ được trải nghiệm thực tế nên anh khá mong sẽ có dịp được ăn Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Trong lần tham gia Tết Việt tại Nhật Bản, anh đã có cơ hội nếm thử các món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, giò lụa… Với anh đó là các món ăn có màu sắc và ngon miệng.

Nhân dịp năm mới sắp đến, anh Mochizuki muốn gửi lời chúc mừng năm mới tới bạn đọc của LocoBee, chúc các bạn và gia đình có kì nghỉ lễ thật thú vị, năm mới có nhiều sức khoẻ và thành công trong cuộc sống!

Nhìn lại một năm của Nhật qua các bình chọn Hán tự 2022

 

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

Facebook