Tắm rừng Nhật Bản – Phương pháp trị liệu cho tinh thần
Hôm nay, LocoBee sẽ giới thiệu đến các bạn liệu pháp trị liệu “Tắm rừng” (森林浴/Shinrin-yoku), một trong những phương pháp chữa trị tâm hồn hiệu quả.
Giữa một thế giới nhộn nhịp và đầy áp lực, con người luôn khao khát có được những giây phút thư giãn đúng nghĩa, để giúp xua tan mệt mỏi và nâng cao tinh thần. Và tắm rừng là phương pháp hiệu quả.
Nội dung bài viết
Tác dụng giảm cân và làm đẹp tuyệt vời từ hạt đậu đen
1. Tắm rừng
Tắm rừng được xem như một phương pháp trị liệu ở Nhật Bản, được khởi xướng vào những năm 1980 khi Chính phủ Nhật nhận thấy những tác hại tiêu cực của sự bùng nổ công nghệ đối với người dân, chẳng hạn như trầm cảm, mất tập trung và đau nhức.
Phương pháp tắm rừng còn được gọi với thuật ngữ “Shinrin-yoku”, nghĩa đen là “tận hưởng bầu không khí của rừng”, để khuyến khích người dân đi bộ trong rừng.
2. Lợi ích của phương pháp tắm rừng
Vào những năm 1990, vấn đề này rất được các nhà khoa học quan tâm và đã có nhiều cuộc nghiên cứu nâng cao để chứng minh tác dụng của liệu pháp này đối với sức khỏe con người. Sau khi các tình nguyện viên tham gia vào các cuộc khảo nghiệm “tắm rừng”, họ đều cảm thấy mức độ căng thẳng, nhịp tim và huyết áp giảm xuống chỉ sau 40 phút đi bộ.
Bên cạnh đó, sau khi Chính phủ Nhật Bản chi khoảng 4 triệu đô la để nghiên cứu về shinrin-yoku từ năm 2004 đến năm 2012, các lợi ích của việc tắm rừng được khám phá ngày càng nhiều. Theo đó, tắm rừng giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ vào các phân tử phytoncide do cây tiết ra để chống lại vi khuẩn.
Tắm rừng cũng giúp giảm glucose trong máu đối với bệnh nhân tiểu đường, tác động tích cực đến bệnh trầm cảm, tăng cường và kích thích các giác quan. Ngoài ra, liệu pháp này còn giúp giảm huyết áp tâm thu để làm chậm các triệu chứng của bệnh Aizheimer.
3. Cách thực hiện phương pháp tắm rừng
Bước đầu tiên để thực hiện phương pháp tắm rừng là phải bỏ lại các phương tiện hiện đại (điện thoại, máy ảnh) và chọn một địa điểm thích hợp. Hiện tại, Nhật Bản đã có 62 khu vực được tuyên bố là “cơ sở trị liệu trong rừng” hay “con đường trị liệu trong rừng”.
Những khu vực này đều được chứng minh có tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Đặc biệt, tại những địa điểm này còn có các nhà trị liệu cùng đồng hành trong chuyến đi bộ.
Tùy thuộc vào địa điểm, người tham gia sẽ có vào các hoạt động khác nhau có sẵn như: đi bộ, thiền chánh niệm, kỹ thuật thở và thậm chí cả liệu pháp hương thơm.
Chìa khóa để mở ra sức mạnh của khu rừng nằm ở 5 giác quan. Do đó, người đi bộ cần cảm nhận thiên nhiên bằng cả mắt, mũi, miệng, tay, chân: ngắm nhìn khung cảnh xung quanh; lắng nghe tiếng vọng của chim chóc, tiếng nước chảy róc rách và tiếng lá cây xào xạc; hít thở không khí trong lành và hương thơm tỏa ra từ những đóa hoa dại; chạm vào cây cối, rêu xanh và cảm nhận sự yên bình qua những bước chân.
Khi đã học được cách thực hiện, mỗi người đều có thể thực hiện shinrin-yoku ở bất cứ đâu – trong công viên gần nhà hoặc trong khu vườn của chính mình.
Điểm quan trọng trong văn hoá onsen
9 mẹo cực hay trong nhà bếp của người Nhật
Tổng hợp LOCOBEE
bình luận