Người con gốc Việt lớn lên ở Nhật và những suy nghĩ về Nhật Bản – Việt Nam




Trang tin L.I.V. đang ngày càng trở thành người bạn đồng hành thiết yếu cho những người Nhật sinh sống ở Việt Nam. Nhà sáng lập của trang tin này – anh So Masaki sinh ra tại Nhật nhưng có bố mẹ là người Việt. Do đó xét về một mặt nào đó anh cũng là một Việt kiều. Trong quá trình trưởng thành, anh đã được tiếp cận và học tập cả hai nền văn hóa Việt – Nhật. Hiện tại anh đã chuyển về sống tại thành phố Hồ Chí Minh và vẫn luôn năng nổ trong công việc hỗ trợ người Nhật và các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam hoặc có kế hoạch vào Việt Nam cũng như chăm sóc cho trang L.I.V.

Thông tin sơ lược

So Masaki (荘 真希)

Tên tiếng Việt: Chuang Tiến Thái

Sinh năm 1986 tại Himeji, Hyogo, lớn lên ở Kobe

Hiện nay đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh

Người sáng lập:

  • L.I.V. (Live in Vietnam) – trang thông tin hữu ích dành cho người Nhật sinh sống ở Việt Nam http://liv-vietnam.com/
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn Source Vietnam – chuyên cung cấp cách dịch vụ tư vấn, hỗ trợ công ty Nhật Bản thâm nhập thị trường Việt Nam https://sourcesvn.net/

Là một người mang trong mình dòng máu Việt được sinh ra và lớn lên ở Nhật, anh luôn có tâm niệm trong lòng một suy nghĩ “Hy vọng thông qua tôi, mọi người có thể biết đến và thêm yêu thích đất nước Việt Nam”.

LocoBee đã đến gặp anh để được lắng nghe nhiều hơn những suy nghĩ của anh về người Nhật cũng như những chia sẻ của anh đến với các bạn Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.

 

Bố mẹ đến Nhật với tư cách người tị nạn và bối cảnh gia đình

Vào đầu những năm 1980, bố mẹ tôi tới Nhật với tư cách dân tị nạn chiến tranh Việt Nam. Trong số những người tị nạn lúc bấy giờ, người gốc Hà Nội không nhiều và bố mẹ tôi là một trong số những người hiếm hoi đó. Thời điểm đó chỉ có 2 thành phố ở Nhật là Osaka và Nagasaki chấp nhận người tị nạn, do đó bố mẹ tôi đã chuyển về Osaka. Đến khi thời điểm chấp nhận tị nạn kết thúc, bố mẹ tôi đã quyết định chuyển về thành phố Himeji, Hyogo sống. Khi đó, thành phố Himeji thi hành rất nhiều chính sách hỗ trợ đối với người tị nạn, ví dụ như hỗ trợ nơi ở và lớp học tiếng Nhật nên bố mẹ tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Ở thành phố Himeji có rất đông người Việt Nam, người ta nói làn sóng văn hóa Việt Nam đã bắt đầu lan rộng từ ngày đó.

Bố tôi là con lai Việt Nam – Đài Loan. Ông nội tôi là người Đài Loan, trường hợp của ông cũng khá đặc biệt khi ông theo lính Nhật đi từ Đài Loan sang Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chính quyền Nhật Bản. Lý do là vì ông nội tôi biết nói tiếng Nhật nên khi đó ông được đưa sang Việt Nam với mục đích giảng dạy nông nghiệp tại nơi này. Sau đó ông nội tôi không quay trở lại Đài Loan mà ở lại Việt Nam.



Tuổi thơ ở Kobe

Tôi được sinh ra ở Himeji sau đó lớn lên ở Kobe. Tuy mang dòng máu Việt nhưng do lớn lên ở Nhật Bản và đi học ở trường cùng các bạn người Nhật nên chỉ có lúc ở nhà nói chuyện cùng mẹ là tôi sử dụng tiếng Việt. Do đó tôi không biết đọc tiếng Việt và tiếng “mẹ đẻ” của tôi là tiếng Nhật.

Hồi nhỏ, vào dịp nghỉ hè, gia đình chúng tôi sẽ về chơi nhà một người họ hàng ở Hà Nội khoảng 2-3 tuần. Hồi đó, Việt Nam vẫn còn khó khăn, thiếu thốn rất nhiều nên gia đình chúng tôi thường hay mua đồ dùng ở Nhật mang về cho họ như tivi hay xe máy. Lúc đó khác bây giờ rất nhiều, hồi đó mọi người đi lại bằng xe đạp là chính, phụ nữ thì thường bện tóc đuôi sam, còn đàn ông thì đội mũ lưỡi trai xanh quân đội.

Đến lúc đi học tiểu học, tên của tôi vẫn là tên tiếng Việt và được phiên âm ra katakana chứ không phải tên tiếng Nhật. Tuy nhiên lúc đó tôi hoàn toàn không hề để ý hay nhận thức được mình là người nước ngoài, bạn bè xung quanh cũng không thấy lạ lùng gì.

Nghĩ lại mới thấy may mắn là khi đó tôi được học tập trong một môi trường mà không ai kì thị vì tôi là người nước ngoài cả. Càng lớn thì tôi mới càng nhận thức rõ sự khác biệt giữa mình và những người Nhật bình thường khác.

 

Du học ở Việt Nam và New Zealand

Vào năm 18 tuổi sau khi tốt nghiệp trung học, bởi vì muốn kiếm việc làm nên vào năm 2003, tôi đã quyết định đi du học 1 năm ở Hà Nội để học tiếng. Khi đó, tôi có thể nói chuyện với người Việt nhưng chỉ có thể sử dụng các câu đơn giản, phát âm cũng không thực sự tốt và có nhiều lúc nghe không hiểu rõ. Do đó, tôi muốn học lại từ cách viết, cách đọc và cũng muốn sửa lại cách phát âm của mình nữa. Ngoài mục đích tích lũy vốn tiếng Việt, lúc đó tôi còn luôn có cảm giác rồi đây mình sẽ về Việt Nam.

Kết thúc 1 năm du học, tôi quay về Nhật Bản bắt đầu quá trình tìm việc ở Tokyo. Tuy nhiên vào thời gian đó, các công việc ưu tiên ứng viên biết nói tiếng Việt không có nhiều. Sau khi làm việc tại một công ty lớn về sản xuất đồ phòng chống cứu nạn, thiết bị phòng cháy chữa cháy được khoảng 3 năm và các công việc phiên dịch và cầu nối, tôi đã nghỉ việc vì quá sức mệt mỏi với chuyện phải dậy sớm đi làm rồi về nhà bằng chuyến tàu cuối cùng trong ngày.

Cùng thời điểm đó ở Việt Nam, mức lương cho một người Nhật biết nói tiếng Việt có thể lên tới khoảng hơn 500$. Lúc đó tôi đã nghĩ nếu như có thêm tiếng Anh nữa thì sẽ kiếm được công việc còn tốt hơn, do đó tôi đã đi sang New Zealand học 9 tháng.

 

Giờ thì đi tới Việt Nam thôi!

Năm 2009, tôi kết thúc việc học ở New Zealand và quay lại Nhật Bản. Tuy đã có thể giao tiếp bằng 3 ngôn ngữ nhưng lúc đó ở Nhật vẫn chưa có nhiều việc yêu cầu tiếng Việt như bây giờ.

Giữa lúc còn đang mơ hồ, vào năm 2013 tôi quay lại Việt Nam – nói một cách nào đó thì đây cũng là quê hương của tôi. Tuy ở Hà Nội tôi có nhiều họ hàng thân thích hơn nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh thì có vẻ có nhiều công việc hơn, do đó tôi đã chuyển vào trong đó, sống tại quận Tân Phú. Lúc đó ở nơi này vẫn chưa có nhiều người Nhật sinh sống như bây giờ.

Trong tháng đầu tiên sau khi tới Việt Nam, tôi đã đi gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều người. Trong một hẻm ở đường Lê Thánh Tôn, có một quán trà truyện tranh. Khi tôi tới đó để đọc truyện tranh được nghe ông chủ người Nhật của quán nói rằng “Mang quốc tịch Việt Nam thì dễ dàng khởi nghiệp ở đây hơn”. Khi đó tôi hoàn toàn không có ý định khởi nghiệp nhưng gia đình hai bên bố mẹ tôi có tất cả 11 anh chị em và mỗi người đều có công ty của riêng mình, vậy nên dường như chuyện khởi nghiệp là gen di truyền.

Sau khi tìm hiểu xung quanh, tôi nhận ra ở Việt Nam những người có mức lương 300$ cũng có thể khởi nghiệp. “Vậy thì 1000$ là dư dả để khởi nghiệp rồi”, tôi nghĩ vậy và bắt đầu suy nghĩ xem nên làm gì thì hợp với mình, bản thân có gì xuất sắc và phải làm như thế nào mới có thể tìm ra được hướng đi của bản thân.

Thế rồi tôi tìm ra công việc free paper là một dạng ấn phẩm báo chí không mất tiền mua nhưng có rất nhiều quảng cáo ở bên trong. Tuy nhiên, thay vì ngay lập tức tự mở doanh nghiệp thì tôi quyết định đi học hỏi kinh nghiệm làm về ấn phẩm quảng cáo này trước.

Ở công việc trước đây, tôi đã học được một điều rằng nếu bạn làm được những công việc mà không ai khác làm được thì sẽ được mọi người trân trọng, biết ơn. Người Nhật coi trọng lòng biết ơn, đó là đức tính và lòng tốt của người Nhật và cũng là nét đẹp trong văn hóa. Trong khi làm việc điều này cũng rất quan trọng, chuyện có ích với người xung quanh và việc được người xung quanh coi trọng sẽ còn lại mãi.

Sau khi đến Việt Nam, tôi dự định sẽ khởi nghiệp trong vòng 3 năm, do đó khi đến thời gian dự định, tôi đã xin thôi việc. Tuy nhiên thật lòng mà nói khi nghỉ việc tôi vẫn chưa thực sự quyết định được mình sẽ làm gì.



Thành lập trang tin đời sống dành cho người Nhật L.I.V.

Khi đi nghỉ phép tại Đà Nẵng, tôi có nghe được một du khách Nhật Bản nói rằng chẳng có thông tin gì về nơi đây cả nên chuyến du lịch khá nhàm chán. Sau khi nghe điều này, tôi đã nghĩ ngay tới chuyện làm một ấn phẩm free paper để quảng bá những điểm vui chơi và nét đẹp của Đà Nẵng và ngay lập tức đi gặp thật nhiều người để thu thập thông tin. Nếu mọi chuyện tiến triển tốt thì tôi có thể mở rộng phạm vi ra toàn quốc, do đó tôi cũng tìm kiếm cả đối tác ở khu vực Hà Nội nữa.

Vào thời điểm đó, các loại free paper dành cho người Nhật thường không mang theo nhiều thông tin về đời sống, do đó tôi mong muốn có thể tạo nên được một ấn phẩm mang tới các thông tin hữu ích về đời sống ở Việt Nam cho người Nhật. Vậy là vào tháng 9 năm 2015, tôi thành lập trang tin L.I.V. (Live in Vietnam), cho tới nay đã được 4 năm.

 

Thành lập Source Vietnam

Trước khi làm về xuất bản free paper, tôi đã thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Source Vietnam – công ty chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Công ty hỗ trợ các dịch vụ như tư vấn gia nhập thị trường Việt Nam, đại diện tư cách và các vấn đề về thuế.

Là một người có thể nói được cả tiếng Nhật, tiếng Việt và tiếng Anh, có thể giao tiếp với cả người Nhật và người Việt, tôi cũng có thể hiểu được sự khác biệt trong cách giao tiếp của người Việt và người Nhật. Tận dụng thế mạnh của bản thân cũng là điểm đặc biệt mà chỉ mình tôi làm được, công ty chúng tôi tự tin là doanh nghiệp có thể mang tới cho người Nhật những thông tin chính xác một cách nhanh nhất.

Từ khi khởi nghiệp, tôi vẫn luôn tâm niệm một mong muốn, đó là mong mọi người có thể thông qua tôi, cũng như Source Vietnam để biết đến và thêm yêu quý đất nước Việt Nam. Tên công ty là Source Vietnam với mong muốn có thể trở thành nguồn lực để hỗ trợ, để mọi người có thể thông qua Source Vietnam mà phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam, hiểu thêm về con người Việt Nam.



Kiến thức có được qua kinh nghiệm của bản thân

Trong khi làm việc, tôi luôn có mong muốn làm gì đó để mọi người biết tới Việt Nam nhiều hơn và thêm yêu quý đất nước Việt Nam. Để thực hiện điều này, tôi đã làm rất nhiều việc, trong đó có thể lấy ví dụ về một chuyên mục của L.I.V. là “Sát sao 24 giờ”. Trong chuyên mục này, chúng tôi đi theo tìm hiểu một ngày của một người dân địa phương Việt Nam bình thường.

Nếu như bạn biết thêm về hoàn cảnh của một người lái xe taxi hay của một cô bán hàng vỉa hè, liệu cách nhìn của bạn về họ có thay đổi hay không? L.I.V. mong muốn có thể truyền tải một cách chân thực cuộc sống thật sự của họ đến với các độc giả.

Trong ấn phẩm đầu tiên, L.I.V. đã xuất bản “Xin chào là sai đấy!”. Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp rằng khi người Việt Nam nói “Xin chào” với người Nhật tức là họ đang rất để ý quan tâm đến người Nhật. Rất nhiều người Nhật không thể nhớ được hoặc không hiểu câu “Chào anh/chị”. Tuy nhiên người Việt Nam thì lại muốn chào hỏi, do đó khi chào hỏi người Nhật, người Việt Nam sẽ dùng câu “Xin chào” vì họ nghĩ là câu này người Nhật hiểu được. Vì nghĩ cho người Nhật nên dù cách chào hỏi này không thuận miệng thì người Việt vẫn sử dụng “Xin chào”. Vì thế nên, mang theo suy nghĩ “khi được người Việt nói “Xin chào” cũng tức là họ đang suy nghĩ cho đối phương, vậy nên người Nhật cũng nên đáp lễ thôi nào!”, chúng tôi đã viết bài này để giới thiệu cách chào hỏi “Chào anh/chị”.

Với những bài như thế này, tôi hy vọng rằng người Nhật sẽ để ý đến những chi tiết nhỏ này để đến gần với người Việt hơn, cũng sẽ giúp họ thêm yêu mến đất nước Việt Nam hơn nữa. Từ đó, tôi mong muốn có thể chỉ ra những điều người Nhật chưa biết rõ hoặc thay đổi những nhận định sai lầm của người Nhật và truyền tải những thông tin chính xác về Việt Nam một cách dễ hiểu nhất tới người Nhật. Công việc của giới truyền thông chính là tìm hiểu rõ ràng những thông tin chính xác và đưa chúng đến với độc giả. Tôi luôn tin rằng thông tin chính xác chỉ cần được truyền tải thì sớm muộn cũng sẽ có lúc chúng lan rộng. Tôi cũng nghĩ rằng để làm được chuyện này thì chỉ có những người hiểu rõ cả hai nền văn hóa mới có thể làm được.

Dựa vào kinh nghiệm của một người không nói được tiếng Việt và đi học tiếng Việt nên tôi có thể truyền tải những nội dung kể trên đến với người Nhật. Đây chính là điểm mạnh mà cả người Việt và người Nhật đều không thể làm được, chỉ có mình tôi mới có thể.

 

Bối cảnh phù hợp để tiếp thu những điểm tốt của cả Nhật Bản và Việt Nam

Sau khi tới Việt Nam khoảng 2 năm, trong một lần đi gặp gỡ đối tác ở một khu công nghiệp tại quận 7 thành phố Hồ Chí Minh, người phụ trách ở phía đối tác đã có lời khen rằng cách nghĩ của tôi rất thú vị. Người đó nói rằng thông thường người Nhật hay lo nghĩ cho tương lai, tuy rằng tôi cũng suy nghĩ cho sau này nhưng không mấy để tâm lo lắng chuyện tương lai.

Tại sao mình lại học được cách suy nghĩ như vậy? Người Nhật kể từ khi còn nhỏ đã được nuôi dưỡng trong môi trường nơi từ bố mẹ đến thầy cô đều dạy họ phải lo nghĩ cho tương lai, như là không học tốt thì không vào được trường tốt, không kiếm được việc tốt, không vào được đại học tốt,… Tuy nhiên, bố mẹ tôi là người Việt Nam nên không có những chyện này.

Gia đình đã cho tôi môi trường khác biệt nên khi ở nhà tôi không cần lo lắng bất an cho sau này. Khi ra ngoài, ví dụ như đến trường thì tôi lại học được cách lo nghĩ vun vén cho tương lai. Được nuôi dưỡng trong hai môi trường như vậy đã cho tôi cơ hội tiếp nhận những điều tốt nhất từ cả hai bên.

Người Việt Nam thường không suy nghĩ quá nhiều chuyện tương lai mà mang theo suy nghĩ “Cứ bắt đầu đã rồi tính tiếp”. Nếu so sánh với người Việt thì người Nhật lại thường hay suy xét quá nhiều chuyện tương lai mà không hành động gì cả theo kiểu “chậm nhưng chắc”, vậy nên bước đi đầu tiên có thể chậm chạp nhưng tỷ lệ thất bại thấp và tỷ lệ thành công cao. Nếu có thể học hỏi được và có thể vận dụng nhuẫn nhuyễn cả hai cách suy nghĩ này thì sẽ rất có ích cho những người Nhật muốn thâm nhập thị trường Việt Nam.

 

Lời nhắn nhủ tới những người Việt sắp sang Nhật hoặc đang sinh sống làm việc tại Nhật

Tuy rằng hiện nay có rất nhiều sang Nhật với tư cách thực tập sinh nhưng ít ai biết đến nguồn gốc của chế độ này. Ban đầu chế độ này đưa ra để giúp phát triển Việt Nam bằng cách đưa thực tập sinh sang học hỏi nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ rồi sẽ mang những kinh nghiệm này về nước. Tôi hy vọng mọi người có thể ghi nhớ điều này.

Có một bộ phận người Việt Nam ở Nhật đã bỏ ra ngoài làm những chuyện phạm pháp vì cuộc sống khó khăn hoặc căng thẳng trong công việc và vì họ không dành dụm được chút gì kể từ khi họ làm việc vất vả ở Nhật. Kể cả những bạn đã có bằng N2, N1 thì cũng có rất nhiều người không biết tận dụng ưu thế của mình khi ở Nhật.

Một người quen của tôi đã từng làm thực tập sinh trong một phân xưởng sản xuất của Toyota vào thời điểm đó cho hay, mức lương chỉ rơi vào tầm 70.000 yên mỗi tháng. Trong khi đó hiện nay người đó làm lái xe ở Việt Nam, mỗi tháng thu nhập khoảng 100.000 yên. Do đó, hiện giờ ở Việt Nam còn có thể kiếm được nhiều hơn so với đi Nhật làm thực tập sinh. Vậy nên nếu bạn muốn đi Nhật để kiếm tiền mặc kệ tương lai thì lời khuyên của tôi là các bạn nên dừng lại.

Nếu phải vay mượn nhiều tiền để đi Nhật thì hãy nghĩ đến việc tranh thủ lúc sang Nhật để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi cách suy nghĩ của người Nhật cũng như văn hóa nơi đây. Hãy mang những kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian ở Nhật về Việt Nam, vận dụng vào trong công việc thì đấy mới là lợi ích, mới là thành công.

Nếu có thể nói được câu “Học gì khi ở Nhật” thì cuộc sống sẽ thay đổi tích cực lắm. Giữa những người chỉ đơn giản sống cho qua 3 năm tại Nhật và những người suy nghĩ kĩ càng và làm việc chăm chỉ trong 3 năm sẽ đạt được kết quả rất khác nhau. Nếu bạn làm việc trong nhà máy và có ít cơ hội giao tiếp bằng tiếng Nhật thì hãy tìm kiếm cơ hội luyện tập tiếng Nhật chứ không nên phí phạm thời gian ở Nhật để chơi bời hay chỉ sử dụng tiếng Việt hàng ngày. Tất nhiên, có bạn bè đồng hương để trò chuyện cũng là chuyện tốt, tuy nhiên nếu bạn biết mình muốn gì và vững bước hướng đến mục đích của mình thì sẽ tốt hơn nhiều. Việc bạn đang sống ở Nhật đã là thế mạnh của bạn rồi nên nếu không thể làm những việc như cẩn thận quan sát cách người khác làm việc hay trò chuyện với thật nhiều người ngoài lúc làm việc thì bạn sẽ chẳng thu hoạch được gì sau 3 năm ở đây cả. Thay đổi suy nghĩ và thay đổi cách làm việc sẽ giúp cho bạn đạt được nhiều thứ có ích hơn.

Trong một môi trường sống nơi bạn có chỗ ở, có công việc ổn định, lại được tiếp cận với xã hội Nhật Bản phát triển sẽ cho bạn cơ hội thay đổi cuộc sống của mình và cũng mang tới cho bạn nhiều lợi ích. Hy vọng bạn sẽ tiếp thu và mang được những điều này về Việt Nam.

 

Lời kết

Anh So Masaki là một người rất nổi tiếng trong cộng đồng người Nhật sinh sống ở Việt Nam, nếu nói không ai không biết đến anh cũng không phải là nói quá. Anh So vẫn luôn hỗ trợ người rất nhiều người Nhật cũng như người Việt sinh sống ở cả hai đất nước và hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp. Nhìn nhận Nhật Bản và Việt Nam dưới con mắt sắc sảo, mang trong mình tình yêu sâu sắc với cả hai quốc gia, chắc hẳn từ giờ về sau, anh vẫn sẽ tiếp tục hết lòng hỗ trợ phát triển mối quan hệ Việt Nhật.

[Câu chuyện người Việt ở Nhật] “Em sẽ trở lại Nhật với visa kỹ năng đặc định”



Obara Ayu (小原あゆ)

 

Nhà văn tự do, dịch giả, nhà nghiên cứu

Sinh ra tại Paris, Pháp cùng ngày với cậu bé Nobita trong truyện Doraemon và trải qua tuổi thơ ở vùng ngoại ô Tokyo. Thời đại học, tác giả đã sống 7 năm tại bờ Tây nước Mỹ. Năm 2016, tác giả cùng cậu con trai khi đó mới 1 tuổi và chú mèo của mình chuyển tới thành phố Hồ Chí Minh sống cho tới tận bây giờ. Sở thích của tác giả là karaoke, yoga, làm đồ ngọt, thủ công, hoạt động ngoài trời. Món ăn Việt Nam yêu thích nhất là hủ tiếu.

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る