Chia sẻ về quá trình mang thai tại Nhật

Có thêm thiên thần nhỏ là một điều vô cùng hạnh phúc và tuyệt vời. Thế nhưng, mang thai ở Nhật có khác đôi chút so với ở Việt Nam. Để LocoBee “mách” đôi điều về quá trình từ khi mang thai tới khi sinh em bé cho bạn nhé.

 

Thử thai

Để xác định có thai hay không bạn cần mua que thử thai (妊娠検査薬 – ninshinkensayaku) ngoài hiệu thuốc (drug store), có rất nhiều hãng để bạn lựa chọn tùy vào giá cả và sở thích của bạn, còn về cách dùng thì không có gì khác biệt. Tính chính xác của que thử thai cũng phụ thuộc vào thời điểm thử nước tiểu, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi vừa ngủ dậy.

Còn với mình thì vừa kịp đến thời gian khám sức khỏe định kỳ nên mình đi khám luôn. Kết quả là mang thai chính xác 100%. Tuy nhiên, lúc đó thai nhi vẫn chưa vào tử cung nên bác sĩ hẹn 2 tuần sau quay lại kiểm tra.

 

Khám thai lần đầu

Nếu như bạn thử thai tại nhà mà que báo 2 vạch thì bạn phải tới phòng khám để kiểm tra. Sản phụ khoa tiếng Nhật là 産婦人科 (sanfujinka), bạn nên tìm phòng khám/bệnh viện nào gần nhà và được đánh giá tốt một chút thì sau này quá trình đi khám sẽ dễ dàng hơn. Thường sẽ khám vào tuần thai thứ 5 để biết được thai nhi đã di chuyển vào tử cung hay chưa.

Sẽ có khá nhiều câu hỏi mà bạn phải điền vào tờ phiếu khám lần đầu (初診問診票 – shoshin monshinhyo), mình đã phải tra từ điển rất nhiều kết hợp với hỏi nhân viên phòng khám mãi mới điền xong đấy. Hiện nay, khá nhiều phòng khám đã áp dụng đặt lịch online, điền phiếu khám online. Nếu bạn biết tra trước và đặt lịch trước thì bạn sẽ tiết kiệm được thời gian chờ đợi. Hơn nữa, khi tra trước như vậy, vốn từ vựng của bạn cũng tự nhiên được nạp thêm, khi trao đổi với bác sĩ cũng dễ dàng hơn.

Sau khi bác sĩ đã kiểm tra và thấy tim thai (thường là tuần thai thứ 8) thì sẽ kết luận là bạn mang thai bình thường. Bác sĩ sẽ hẹn bạn khám lần tiếp theo, đồng thời sẽ xuất giấy thông báo mang thai (妊娠届書 – ninshin todokesho) và dặn bạn mang tới phòng hành chính quận/thành phố để làm thủ tục liên quan.

 

Thủ tục hành chính cần làm khi mang thai

Bạn mang giấy tờ tùy thân và Giấy thông báo mang thai của phòng khám tới kuyakusho/shiyakusho (cơ sở hành chính). Tại đây họ sẽ hướng dẫn bạn điền thông tin cần thiết.

Bạn sẽ được phát những giấy tờ như sau:

Người Nhật thấy ngại khi nhường chỗ trên tàu điện?

  • 01 móc khóa in hình bà mẹ đang mang bầu cực dễ thương. Mỗi khi ra ngoài, bạn hãy đeo vào túi xách hay đâu đó để người ngoài dễ nhận biết nhé, ở nơi công cộng bạn sẽ được ưu tiên hơn
  • Sổ tay sức khỏe của mẹ và con (母子健康手帳 – boshi kenko techo) hay gọi tắt là Sổ tay mẹ con
  • Sổ hỗ trợ chi phí khám thai gồm 14 phiếu tương đương 14 lần khám. Tiếng Nhật sổ này là 妊産婦健康診査費用補助券 (ninshinpu kenko shinsa hiyo hojoken). Vì khám thai không được bảo hiểm nên Bộ Phúc lợi, Y tế và Lao Động đã đưa ra chính sách hỗ trợ này. Tùy vào nội dung mỗi lần khám mà nhân viên phòng khám sẽ dùng phiếu sao cho phù hợp.

Mẫu sổ ở thành phố Kawasaki

Sổ tay mẹ con và Sổ hỗ trợ chi phí khám thai  có 1 mã số khớp nhau và được thống nhất trên toàn quốc nên dù bạn có chuyển nhà sang thành phố khác thì vẫn có thể dùng được Sổ tay mẹ con. Tuy nhiên, do chính sách hỗ trợ chi phí khám thai của mỗi thành phố sẽ không giống nhau nên khi ấy bạn cần ra văn phòng hành chính quận để làm thủ tục đổi Sổ hỗ trợ phí khám thai. Theo mình, đây là 2 quyển sổ quan trọng bất ly thân trong quá trình thai kì. Sổ tay mẹ con sẽ ghi lại toàn bộ thông tin về sức khỏe của mẹ và sau này, khi em bé ra đời cũng vẫn dùng để lưu lại thông tin của em bé mỗi khi đi khám, đi tiêm phòng…

Ngoài ra, họ còn hướng dẫn rất chi tiết và phát cho bạn một vài cuốn sách cùng giấy tờ liên quan đến chăm sóc sức khỏe khi mang thai, chế độ dinh dưỡng, các dấu hiệu bất thường, thông tin về các lớp học tiền sản, lớp học dinh dưỡng, lớp học răng miệng, lớp học cách giao tiếp với trẻ nhỏ, chăm sóc trẻ sơ sinh… Tùy từng thành phố mà còn có thể có phiếu giảm giá để bạn mua sắm đồ mẹ và bé nữa.

 

Lịch khám và nội dung khám

Đây là lịch khám cơ bản để bạn tham khảo, còn tùy tình hình cụ thể của mỗi người khám bác sĩ sẽ có dặn dò riêng.

Kỳ khám thai Lần khám đầu tiên (sau khi có tim thai) ~ tuần 23 Tuần 24

~ tuần 35

Tuần 36

~ Đến khi sinh

 Lịch khám 1-2-3-4

(04 tuần/lần)

5-6-7-8-9-10

(02 tuần/lần)

11-12-13-14

(01 tuần/lần)

Nội dung khám –    Thăm khám sức khỏe mẹ

–    Kiểm tra chung: đo chiều dài tử cung, vòng bụng, huyết áp, cân nặng, tình trạng phù nề, xét nghiệm nước tiểu (đường – đạm)

–    Siêu âm kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi, đo nhịp tim thai nhi

–    Trao đổi, tư vấn về dinh dưỡng/cách sinh hoạt thường ngày/nghén/nguy cơ thiếu máu/nguy cơ sinh non… hay chế độ phúc lợi phù hợp

Nội dung xét nghiệm –  Xét nghiệm máu (01 lần vào lần đầu tiên): nhóm máu, Rh+/Rh-, công thức máu, đường máu, viêm gan B/C, HIV, giang mai, xét nghiệm kháng thể virus rubella)

–  Xét nghiệm ung thư cổ tử cung (01 lần vào lần đầu tiên)

– Xét nghiệm máu (01 lần trong kỳ): công thức máu, đường máu

– Xét nghiệm vi khuẩn Streptococcus nhóm B

–  Xét nghiệm máu: công thức máu (01 lần trong kỳ)
  –  Xét nghiệm máu (01 lần trước tuần 30): Xét nghiệm kháng thể virus HTLV-1 (Siêu vi trùng bạch cầu T loại 1 ở người)

– Chlamydia (01 lần trước tuần 30)

 Sinh em bé

Gần đến kì sinh, vào khoảng tuần 33 – 34, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe mẹ và ngôi thai để đưa ra lời khuyên nên sinh thường hay mổ. Tuy mình đã đề đạt nguyện vọng sinh thường ngay từ đầu nhưng do ngôi thai không thuận, chờ 2 tuần thai nhi vẫn không chịu quay đầu nên bác sĩ buộc phải chỉ định mổ.

Với sinh thường, các bạn phải nắm chắc các dấu hiệu chuyển dạ để chủ động nhập viện:

  • Ra nhớt hồng
  • Xuất hiện cơn gò tử cung
  • Chảy nước ối

 

Kinh nghiệm tham gia lớp học tiền sản

Mình đã tham gia 2 lớp học tiền sản, phí cũng không cao chỉ khoảng 1.000 yên/người. Phải đăng ký khá sớm để đảm bảo chất lượng nên họ giới hạn số lượng học viên. Mình đã bị lỡ mất 2 lần và phải đăng ký tới lần thứ 3 mới được.

Ở đây, mình được biết thêm rất nhiều thông tin như thế nào là sinh non? Như nào là tiền sản giật? Quá trình từ khi chuyển dạ đến khi sinh như thế nào?

Rồi chúng mình còn được luyện tập tắm, mặc quần áo cho em bé. Mặc dù là thực hành với búp bê thôi, nhưng lần đầu tiên cũng lóng ngóng lắm các bạn ạ ^^

Ngoài ra, người nam trong khóa học còn được tham gia hoạt động trải nghiệm cảm giác mang bầu bằng cách mặc chiếc áo với thiết kế đặc biệt. Hầu như ai cũng phải thốt lên rằng: “Hừm, nặng thật đấy! Đi lại cũng không phải dễ dàng gì, đặc biệt là lên/xuống cầu thang”. Thế mới biết các mẹ mang thai vất vả như thế nào chứ!!!

Một ngày của bà mẹ Nhật đi làm có con nhỏ

Buổi học thực sự rất bổ ích với vợ chồng mình nên mình khuyên các bạn hãy sắp xếp thời gian tham gia nhé, đặc biệt là với những trường hợp lần đầu làm bố mẹ mà lại xa gia đình như mình.

Chứng nhận tham gia các khóa học trong Sổ tay mẹ con

Chúc các bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, gia đình bình an!

Kinh nghiệm mang đa thai ở Nhật

 

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る