Kinh nghiệm mang đa thai ở Nhật

Mang đa thai đương nhiên sẽ đặc biệt hơn thai thường rồi, vậy nên ngoài những kiến thức cơ bản về mang thai, hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn về những lưu ý qua kinh nghiệm thực tế mang song thai của mình.

 

Chọn bệnh viện

Mình khám thai ở phòng khám, ngay sau khi biết song thai và xác nhận có tim thai, bác sĩ làm thủ tục cho mình chuyển sang bệnh viện lớn. Nếu bạn mang đa thai hay với những trường hợp có nguy cơ sinh non, bạn nên cân nhắc chuyển bệnh viện. Cho dù bác sĩ không đề nghị thì bạn vẫn có thể chủ động yêu cầu được. Hãy chọn bệnh viện lớn, có uy tín về tay nghề kĩ thuật của đội ngũ y bác sĩ. Cần nhất là bệnh viện PHẢI CÓ SẴN NICU (đơn vị chăm sóc sơ sinh tích cực). Không phải bệnh viện nào cũng có đâu hoặc nếu có cũng có thể được đặt trước kín hết rồi thì họ vẫn từ chối bạn nhập viện. Em bé sinh ra chưa đủ ngày tháng, thiếu cân, sức khỏe chưa ổn định rất cần được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính.

Phòng khám ban đầu mình khám đã đặc biệt nhấn mạnh điều này khi giới thiệu bệnh viện để mình lựa chọn. Sau khi chào đời, hai thiên thần nhỏ nhà mình đã được chuyển ngay tới phòng NICU của khoa Nhi. May mắn rằng kết quả xét nghiệm máu và kiểm tra y khoa của hai em được bác sĩ kết luận là ổn định, chỉ duy vấn đề cân nặng của mỗi em khoảng 1.800 gram là quá nhỏ nên cần nằm viện tới khi nào đạt chuẩn.

Khoảng thời gian nằm viện 1 tháng, hai em được săn sóc rất tận tình, sức khỏe được bác sĩ theo dõi sát sao, thân nhiệt cao hay nhịp tim tăng/giảm đột biến… sẽ có máy báo ngay. Tuần đầu tiên, em bé được nuôi dưỡng bằng cách bơm sữa vào ống sonde đặt từ mũi vào thẳng dạ dày. Mặc dù biết là sức khỏe ổn định, chỉ là tại em bé còn nhỏ quá chưa có phản xạ bú mút nên phải ăn như vậy nhưng tâm lý người mẹ nhìn thấy như vậy vẫn xúc động lắm. Song song với đó, em bé vẫn được các cô hộ lý tập ăn bằng thìa, mình đứng cạnh xem em nuốt được 1ml sữa thôi cũng thấy vui lắm rồi đó. Lớn hơn chút, em bé được tập ti bình, hàng ngày mình vào thăm thì tập cho ti mẹ. ^^

Ngay từ những ngày còn nhỏ em bé đã được rèn cữ ăn – cữ ngủ – vận động theo giờ giấc. Mình và chồng mình thay phiên nhau vào thăm, tắm cho con, ẵm bế nói chuyện với con. Ngoài ra hai cô hộ lý phụ trách còn làm một quyển sổ lưu lại những khoảnh khắc đáng yêu của hai em nữa đấy nhé.

Nhìn thấy hai em bé được săn sóc tận tình như vậy mình nhận ra lựa chọn sinh tại Nhật là một điều vô cùng đúng. Mình có một người bạn sống ở Việt Nam, trùng hợp là mình và bạn ấy đều sinh đôi, thời gian sinh gần như nhau. Sau khi sinh, hai em bé nhà bạn ấy chỉ được nằm NICU 1 ngày là phải về với mẹ, cho dù em bé bị vàng da sau sinh phải soi đèn khoảng 3-4 ngày (ở mức độ nhẹ thôi).

Các bạn biết đấy, tỉ lệ sinh ở Việt Nam rất lớn, nữa là lượng người sinh tại các bệnh viện đầu ngành cực đông, vậy thì làm sao đủ chỗ cho những trường hợp không phải quá khẩn cấp như này đúng không.

 

Phẫu thuật cấp cứu

Mình được chỉ định sinh mổ do mang song thai và ngôi thai không thuận. Ngày mổ đã được định ở tuần thai thứ 36 bởi bác sĩ khuyên mang đa thai không nên để qua tuần 37. Nhưng ngay sau đó, bác sĩ kiểm tra thì dây rốn của một thai nằm ở vị trí rất bất lợi nếu chẳng may mình vỡ ối. Do đó, mình lại bị chỉ định nhập viện ngay trong lần khám định kỳ tuần 34 đó.

Sau 2 ngày nằm viện, mình bất ngờ vỡ ối trong đêm và phải mổ cấp cứu đưa thai nhi ra ngoài. Thật may mắn khi mà cả ba mẹ con mình đã an toàn sau ca mổ. Nhưng trước đó khi phát hiện vỡ ối, tuy vẫn lí trí để bấm nút gọi hộ lý nhưng mình đã thật sự rất lo sợ ngay cả khi bác sĩ khám và chẩn đoán hai em bé vẫn trong khả năng kiểm soát. Do đó, vào giai đoạn nước rút này, các bạn hãy cực kỳ cẩn trọng và chuẩn bị tâm lý thật ổn định, kiến thức vững vàng về cả sinh mổ lẫn sinh thường, đặc biệt cần 100% nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để dù trong bất kì trường hợp nào mình cũng ứng biến kịp thời. Đến bây giờ khi nghĩ lại, thật không thể tưởng tượng nổi nếu hôm đó mình không nhập viện ngay thì sự việc sẽ như thế nào.

Ngoài ra, dù là thai kỳ ổn định thì vẫn nên chuẩn bị sẵn vài số điện thoại taxi và số điện thoại cấp cứu để khi cần ta có thể gọi được xe đến viện ngay, phòng trường hợp khẩn cấp như vỡ ối hay ra máu bất thường.

 

Tiểu đường thai kỳ

Đây cũng một vấn đề lớn cần quan tâm khi bạn mang đa thai. Tiểu đường thai kỳ cũng do nhiều nguyên nhân chứ không hẳn do mỗi chế độ ăn. Bệnh thường sẽ hết sau sinh, tuy nhiên cũng không ít trường hợp bệnh sẽ tiến triển nặng hơn.

Mình đã phải nhập viện để điều trị ở khoa Nội theo chỉ thị của bác sĩ sau 2 lần xét nghiệm dung nạp đường huyết. Chỉ số đường máu hơi vượt quá ngưỡng một chút nên điều chỉnh chế độ ăn nghiêm ngặt thì sẽ ổn. Nhưng vì mình mang thai đôi vốn dĩ nguy cơ đã cao hơn so với người mang thai một rồi, cộng thêm những biến chứng cực kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nên bác sĩ vẫn khuyên nhập viện để tiện theo dõi cũng như học cách kiểm soát lượng đường.

Bảng ghi lại chỉ số đường huyết tự đo hàng ngày (ngoài những lần xét nghiệm máu)

 

Một điều nữa là bạn đừng hiểu khi mang đa thai thì khẩu phần ăn cần tăng vọt theo kiểu ăn cho 3-4 người. Thừa dinh dưỡng gây béo phì ở mẹ, tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, cân nặng thai nhi quá lớn gây khó sinh và còn làm tăng nguy cơ béo phì ở con sau này nữa… Vậy nên, các bạn hãy ăn theo một chế độ hợp lý, ăn rau xanh trước khi ăn cơm cũng là một biện pháp hạn chế đường nạp vào máu quá nhanh đấy. Kiểm soát được lượng đường máu sẽ giúp bạn có thai kì khỏe mạnh an toàn hơn.

 

Đây là suất ăn khi mình điều trị tiểu đường thai kỳ, dựa trên tính toán của bác sĩ thì mình chỉ được ăn tối đa 150g cơm/bữa (Thông tin thêm để các bạn tham khảo, mình cao 155cm nặng 46kg khi chưa bầu, tăng 13kg khi lên bàn mổ)

Sau khoảng 1 tuần điều trị chỉ số về mức ổn định, mình được xuất viện. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn phải tự đo đường huyết, ghi chép lại để mỗi lần khám thai định kỳ sẽ phải “trình diện” khoa nội. Rất may là mình kiểm soát tốt, nên “trình diện” xong là được ra về ngay chứ không cần điều trị thêm nữa. ^^

 

Tiếng Nhật rất quan trọng

Còn một kinh nghiệm xương máu nữa đó là ngoài từ vựng về mang thai ra thì mảng từ vựng liên quan đến phẫu thuật các bạn cũng nên biết trước. Không biết với người khác thì sao chứ với mình, từ vựng về mảng này sao khó nhớ khủng khiếp, chuyên môn hóa cực cao, mỗi từ gồm rất nhiều chữ Hán.

Khi nhập viện mình được phát tài liệu để đọc trước, nhiều từ mới quá mình tra còn chưa xong thì bất ngờ vỡ ối. Khi các nhân viên bệnh viện đến làm các thủ tục liên quan phẫu thuật, mình bối rối một hồi rồi từ chối không đồng ý kí vào giấy gây tê màng cứng làm họ phải mất bao nhiêu thời gian giải thích trong tình trạng mọi thứ đều phải gấp rút. Vì quả thực lúc ấy mình vừa đau vừa sợ, tâm trí chạy lung tung hết cả mà tài liệu thì chưa đọc xong. Các bạn đừng như mình nhé, không biết tiếng trong trường hợp cấp bách là rối lắm luôn.

 

Chế độ khi mang đa thai

1. Mang đa thai bạn sẽ được nghỉ trước sinh 14 tuần (bình thường là 6 tuần)

2. Số tiền trợ cấp sinh con với thai đôi là 420.000 x 2 = 840.000 yên (thai 3 thì bạn x 3 nhé)

Hy vọng là kinh nghiệm của mình sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn đang mang đa thai ở Nhật. ^^

Những điều cần biết khi tiêm phòng trước mang thai tại Nhật Bản

 

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る