Người Nhật thấy ngại khi nhường chỗ trên tàu điện?

Ở Việt Nam khi đi xe buýt nếu thấy người cần được nhường chỗ như người già, phụ nữ, trẻ em thì mọi người sẽ nhanh chóng đứng lên nhường ghế. Nếu như người đang ngồi không để ý thì cũng sẽ có ai đó nhắc nhở “Nhường ghế đi” và người ngồi sẽ tự giác đứng lên nhường ghế ngay. Đối với người Việt Nam thì đây là một hành động phản xạ, thấy là tự động nhường chỗ nhưng với người Nhật thì dường như vẫn còn hơi xa lạ.

Không phải người Nhật không nhường ghế cho người già và phụ nữ mà là chuyện ai ai cũng tự giác đứng lên nhường chỗ hay là để ý nhắc nhở người khác nhường chỗ cho người cần ngồi như người Việt Nam vẫn còn rất hiếm. Người Nhật vốn nổi tiếng là tuân thủ lễ nghi nhưng sao lại có chuyện như thế này?

Tác giả của bài viết lần này là một người Nhật đang sống tại Việt Nam. Qua bài viết lần này, tác giả hi vọng có thể chia sẻ với bạn đọc là người Việt Nam đang sống ở Nhật một chút quan điểm về sự khác biệt giữa văn hóa hai nước từ góc nhìn của một người Nhật.

 

Cũng định nhường ghế nhưng lại ngại!

Ở trên tàu hay trên xe buýt mà đứng dậy nhường ghế thì tự nhiên bạn sẽ trở nên nổi bật. Tuy chuyện này ở Nhật cũng không phải là chuyện rất tốt hay rất xấu nhưng người Nhật thường có xu hướng tránh làm những chuyện khiến mình trở nên khác người. Trong những trường hợp này người Nhật sẽ nghĩ “cũng định nhường ghế nhưng thế thì bị người khác nhìn, ngại lắm” hay “không thích bị nghĩ là mình giả vờ làm người tốt”…

Những suy nghĩ này đối với người nước ngoài mà nói thì thực sự rất khó hiểu nhưng cũng thể hiện một mặt phức tạp trong lối suy nghĩ của người Nhật. Cảm xúc lẫn lộn giữa việc muốn nhường chỗ và việc không muốn trở nên nổi bật chính là lí do khiến một số người Nhật e dè trong việc nhường ghế trên phương tiện công cộng.

 

Có người không thích được nhường chỗ thì sao?

Bạn đã từng bao giờ nhường chỗ cho một cụ già nhưng lại bị từ chối chưa? Ở Việt Nam thì ngoại trừ trường hợp cụ già đó sắp xuống xe thì hầu như không có người từ chối. Tuy nhiên ở Nhật có nhiều trường hợp nhường chỗ cho người già lại bị coi thành hành vi thất lễ.

Đối với nhiều người Nhật thì hành động được nhường chỗ làm họ nghĩ mình bị coi là người già hoặc bị đối xử như người nhà và họ cho đó là hành vi bất lịch sự. Quả thực là suy nghĩ của người Nhật rất phức tạp.

 

Người Nhật mệt mỏi quá độ?

Ngoài hai lí do là không muốn trở nên nổi bật và vì quan tâm tới cảm nhận của đối phương mà không nhường chỗ thì vẫn còn nhiều trường hợp khác. Người Nhật đi học đi làm hầu hết đều sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đi làm đi học từ sáng sớm hay giờ về nhà cũng đều là những giờ cao điểm tàu luôn chen chật cứng. Dù có mệt mỏi đến đâu thì chỗ ngồi trên tàu có giới hạn nên hầu hết mọi người đều không được ngồi.

Thêm vào đó, khi đi học đi làm thường tốn khoảng một tiếng do đó chỉ nguyên di chuyển tới chỗ học chỗ làm cũng đã rất mệt mỏi rồi. Với những ai đi tàu, đi buýt ngoài giờ cao điểm thì cũng vẫn có những người để ý nhường chỗ, thế nhưng tóm lại những người phải chen chúc trong giờ cao điểm thì thực sự không còn tâm trí nào để cân nhắc chuyện nhường ghế.

 

Ghế ưu tiên riêng

Tuy có nhiều lí do khiến người Nhật e dè trong việc nhường ghế ngồi nhưng hãy yên tâm vì ở trên phương tiện công cộng ở Nhật chắc chắn đều có ghế được đánh dấu ưu tiên dành cho người già, phụ nữ có thai, thân thể bất tiện như bị thương, tàn tật,… Mặc dù có nhiều lúc những thanh niên khỏe khoắn ngồi vào nhưng khi thấy người cần được nhường chỗ bước lên tàu họ chịu nhường ghế là được. Kể cả khi tàu đông thì khu vực ghế ưu tiên vẫn thường bỏ trống để cho những người cần có thể nhanh chóng tìm được chỗ ngồi.

 

Thói quen này của người Việt thật tuyệt vời! Nhật Bản cũng cần phải cố gắng hơn nữa!

Người trẻ tuổi ở Nhật Bản nên học tập và noi gương người trẻ Việt Nam trong việc tự động, tự giác nhường ghế cho người cần ở trên phương tiện công cộng. Những thói quen, suy nghĩ tốt như này thì người Nhật nhất định nên cố gắng học hỏi!

Tìm hiểu văn hoá Nhật Bản

 

Nami (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る