Giới thiệu các nhân vật, địa danh được in trên tiền giấy Nhật Bản
Mới đây vào ngày 9 tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nhật Bản Taro Aso thông báo sẽ có những thay đổi về hình ảnh in trên các tờ tiền giấy của Nhật. Tuy nhiên, không phải tất cả mà chỉ những tờ mang mệnh giá 10.000 yên, 5.000 yên và 1.000 yên mới có sự thay đổi thôi. Thời gian dự kiến những tờ tiền mới này được lưu thông rộng rãi là vào năm 2024, đánh dấu lần thay đổi đầu tiên sau 20 năm kể từ năm 2004.
Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các danh nhân và thắng cảnh được vinh dự nằm trên các tờ tiền yên Nhật nhé!
Tờ 1000 yên
Thay hình nhà vi khuẩn học Noguchi Hideyo bằng Kitasato Shibasaburo.
Ảnh: npb.go.jp
Noguchi Hideyo (1876 – 1928) là một nhà vi khuẩn học nổi tiếng của Nhật Bản vào đầu thế kỉ 20. Ông là người đầu tiên phân lập được gây bệnh giang mai và phát hiện ra bệnh giang mai là nguyên nhân gây các bệnh rối loạn thần kinh. Những đóng góp của ông Noguchi cho khoa học sức khỏe đã đạt được nhiều giải thưởng lớn, giúp ông được vinh danh trong và ngoài nước. Mặt sau của tờ 1000 yên hiện tại in hình núi Phú Sĩ và hoa anh đào, biểu tượng của đất nước mặt trời mọc.
Ảnh: boj.or.jp
Trên tờ 1000 yên mới sẽ là hình của bác sĩ – nhà vi khuẩn học Kitasato Shibasaburo (1853 – 1931). Năm 1894, ông nổi danh do công trình nghiên cứu khám phá căn bệnh dịch hạch tại Hong Kong năm 1894 – cùng lúc với bác sĩ Alexandre Yersin. Mặt sau của tờ 1000 yên mới là tác phẩm “Trong lòng tiếng sóng lớn ngoài khơi Kanagawa” (In the Well of the Great Wave off Kanagawa) của bậc thầy nghệ thuật ukiyo-e Katsushika Hokusai. Đây là một tác phẩm tranh khắc gỗ nổi tiếng trên thế giới.
Tờ 5000 yên
Thay hình nhà văn Huguchi Ichigo bằng nhà lãnh đạo Umeko Tsuda.
Ảnh: npb.go.jp
Higuchi Ichigo (1872 – 1896), tên thật là Natsu Higuchi là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết ngắn và thơ tanka trong thời Meiji. Dù bà mất sớm khi mới 24 tuổi nhưng những tác phẩm của bà được xem như những viên ngọc quý trong nền văn học Nhật Bản.
Ảnh: boj.or.jp
Tờ tiền 5000 yên mới là Umeko Tsuda (1864 – 1929), người tiên phong trong giáo dục phụ nữ Nhật Bản. Bà là một trong những phụ nữ Nhật Bản đầu tiên sang Mỹ du học năm 6 tuổi và sau đó quay về thành lập Đại học Tsuda ở Tokyo.
Tờ 10000 yên
Thay hình ông Fukuzawa Yukichi bằng ông Shibusawa Eiichi.
Ảnh: npb.go.jp
Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901) là một nhà văn, nhà giáo dục và nhà báo có ảnh hưởng đến nền giáo dục Nhật Bản lâm thời. Nhiều người cho rằng tư tưởng của ông đã giúp kết thúc chế độ tài phiệt và khởi đầu một Nhật Bản hiện đại. Ông ủng hộ việc kết hợp các ý tưởng phương Tây vào Nhật Bản, đặc biệt là trong giáo dục và ủng hộ bình đẳng giàu – nghèo, nam – nữ trong giáo dục. Thành tựu lớn nhất của Fukuzawa là thành lập Đại học Keio và tờ báo Jiji-Shinpou. Mặt sau của tờ tiền 10000 yên hiện tại in hình con chim phượng hoàng lấy cảm hứng từ tòa nhà nổi tiếng Hội trường Phượng hoàng trong đền Byodo-in (平等院), Kyoto.
Ảnh: boj.or.jp
Shibusawa Eiichi (1840 – 1931) là nhân vật tiếp theo vinh dự được đưa lên tờ tiền giấy mệnh giá 10000 yên. Ông là một doanh nhân, lãnh đạo chính trị vĩ đại của Nhật Bản từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 và được coi là “cha đẻ của nền chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”. Sau Cải cách Minh Trị, ông Eiichi làm việc với bộ tài chính trước khi trở thành một doanh nhân. Ông đã giúp thành lập và phát triển hơn 500 doanh nghiệp, trong số đó có ngân hàng đầu tiên của Nhật Bản, sau này trở thành ngân hàng Mizuho. Ông cũng là người đặt tiền đề cho Sở giao dịch chứng khoán Tokyo và Phòng thương mại Tokyo. Mặt sau tờ tiền 10000 yên mới là hình ảnh ga tàu trung tâm Tokyo. Đây là một trong những ga tàu đông đúc nhất Tokyo và cũng là ga tàu mang màu sắc kiến trúc đặc trưng của Nhật Bản.
Ngoài ra, mặc dù kích thước tờ tiền giấy không đổi nhưng chữ số trên tờ tiền mới cũng sẽ được in to hơn. Nhật Bản cũng sẽ kết hợp công nghệ in 3D mới cùng các kĩ thuật chống giả mạo khác, điều mà Nhật Bản kì vọng sẽ là lần đầu tiên trên thế giới công nghệ này được tích hợp vào sản xuất tiền giấy. Trên đây là 3 loại mệnh giá tiền giấy đang được lưu hành rộng rãi nhất sẽ có sự thay đổi trong thiết kế. Các chuyên gia về tài chính cũng cho rằng việc thiết kế lại tờ tiền là một sự thúc đẩy cho nền kinh tế, tạo ra nhu cầu đổi tiền trong một loạt các ngành công nghiệp.
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.
bình luận