Theo Cơ quan cảnh sát Nhật Bản, số đồ vật “bị thất lạc và tìm thấy” được báo cáo cho cảnh sát trên toàn quốc vào năm 2023 là 29.787.068 chiếc, nhiều hơn khoảng 3,15 triệu so với năm 2022 và là con số cao nhất kể từ năm 1971 – khi số liệu thống kê bắt đầu được thực hiện. Nguyên nhân gia tăng đáng kể so với năm trước có thể là do việc dỡ bỏ các hạn chế di chuyển để ngăn chặn COVID-19 khiến lượng người ra ngoài, du lịch… ngày càng tăng. Ngoài ra, một số đồ vật bị thất lạc bao gồm động vật như chó, mèo, có trường hợp cảnh sát gặp khó khăn khi xử lý chúng.
Số lượng các thiết bị điện nhỏ bị thất lạc như tai nghe không dây và quạt di động… ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, ngoài ra còn có “túi vải”, “thuốc lá điện tử”, “pin di động. Cơ quan cảnh sát quốc gia đã phân tích rằng việc các sản phẩm mới ngày càng nhỏ hơn đã dẫn đến số lượng đồ đạc mà mọi người mang theo tăng lên, dẫn đến dễ thất lạc đồ đạc hơn.
Năm 2022 cảnh sát Tokyo nhận gần 4 tỉ yên tiền mặt thất lạc
Trong số “đồ thất lạc” được báo cho cảnh sát năm 2023 thì “tiền mặt” là 22.845.688.596 yên (khoảng 3719 tỉ đồng) – mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng số tiền mặt bị thất lạc và trao trả lại cho người làm rơi lên tới 15.780.094.242 yên (khoảng 2569 tỉ đồng). Số tiền trao cho người nhặt được do quá 3 tháng người làm rơi không đến nhận là 3.253.302.497 yên (khoảng 529 tỉ đồng).
Ngoài ra, số tiền thất lạc mà các tỉnh thu được là 3.406.996.217 yên (khoảng 554 tỉ đồng) do không tìm được người làm rơi và người nhặt cũng từ chối nhận. So sánh 22,8 tỷ yên (khoảng 3712 tỉ đồng) được báo tới cảnh sát là tài sản bị mất với ngân sách của chính quyền địa phương, nó gần bằng số tiền ngân sách trong năm tài chính của thành phố Hokuto, Hokkaido – nơi có dân số là khoảng 43.000 người. Lí giải cho việc ngày càng nhiều tiền mặt bị thất lạc, Cơ quan cảnh sát quốc gia cho rằng đó là do thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến hơn, mọi người ít có cơ hội sử dụng tiền mặt hơn và tiền mặt còn lại trong ví sẽ mất hết khi rơi ví.
Chi phí nuôi thú cưng trung bình ở Nhật
Trong số những đồ vật bị thất lạc có cả “thú cưng” như chó, mèo. Đây là trường hợp khiến cảnh sát đang gặp khó khăn khi giải quyết. Cụ thể có khoảng 25.535 động vật đã được báo là mất hoặc thất lạc với cảnh sát trên toàn quốc, có 12.722 con chó, 4.382 con mèo và 8.431 con khác như chim và rùa. Có nhiều loài động vật là thú cưng đã được cảnh sát tìm kiếm chủ nhân dựa trên các báo cáo bị mất, vòng cổ và vi mạch. Còn những con không có gì để xác định sẽ ở lại đồn cảnh sát tới 2 tuần, sau đó được chuyển đến các trung tâm bảo vệ động vật, tổ chức phúc lợi hoặc những người yêu động vật. Tuy nhiên, vì “vật thất lạc” có thời hạn lưu giữ là 3 tháng nên nếu người tìm thấy mong muốn được nuôi thì cảnh sát sẽ giao lại cho người đã tìm thấy, còn nếu không muốn thì họ sẽ giao lại cho trung tâm phúc lợi động vật hoặc tổ chức phúc lợi. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng và loại động vật, việc này có thể khó khăn. Trong những trường hợp này, có nhiều trường hợp cảnh sát và các nhân viên khác không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhận nuôi thú cưng bị thất lạc.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia khuyến cáo cách viết báo cáo đồ thất lạc để dễ dàng tìm kiếm hơn trong số lượng đồ vật bị thất lạc khổng lồ như sau:
- Nếu trong đồ vật có ghi tên người bị mất, chẳng hạn như thẻ ngân hàng thì ghi lại
- Điều quan trọng là phải ghi lại những đặc điểm độc đáo như màu sắc, hình dạng, hoa văn và trang trí của đồ bị mất
Làm gì khi để quên đồ hoặc làm mất đồ ở Nhật Bản
Nguồn: 警視庁
Biên tập: LocoBee
bình luận