Nghệ sĩ Nhật Bản chế tạo đồ vật tí hon nổi tiếng khắp thế giới

Một nghệ sĩ sống tại thành phố phía Osaka, Nhật Bản đang gây được tiếng vang lớn trên mạng xã hội quốc tế với tư cách là người tạo ra những đồ vật tí hon trông giống như thật.

Nồi cơm điện Nhật Bản tự động đầu tiên trên thế giới

 

Đồ vật tí hon trông như thật

Tanaka

Ảnh: nunus-house

Anh Tanaka Tomo (43 tuổi) sống ở Osaka là nghệ sĩ thủ công chuyên làm đồ vật phiên bản cực nhỏ, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt có đường kính 8mm và “takoyaki”(viên bạch tuộc chiên) 4mm. Trong các bức ảnh cận cảnh, các chi tiết tái tạo trông chân thực đến mức có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với bản sao có kích thước thật.

Một đầu bếp Nhật Bản đã nhận xét về bức ảnh chụp một đĩa “sanma” (cá thu đao Thái Bình Dương) nướng muỗi rộng khoảng 2cm của anh Tanaka là “Sẽ tốt hơn nếu ít muối hơn một chút”. Mặc dù nhỏ bé nhưng các tác phẩm của anh Tanaka giống thật đến mức chuyên gia trong các lĩnh vực cũng đưa ra phản hồi về độ chính xác của chúng. Anh Tanaka chia sẻ rằng bản thân rất vui khi các chuyên gia và những người đam mê các thể loại tương ứng phản hồi các tác phẩm của mình. Những kiến thức đó giúp anh học hỏi được nhiều điều hơn.

 

Đam mê từ nhỏ

Ảnh: nunus-house

Anh Tanaka rất thích làm đồ thủ công từ khi còn rất nhỏ. Một ngày nọ, anh nảy ra ý tưởng làm các món đồ tí hon từ loạt trò chơi điện tử “Dragon Quest”. Khi xem kỹ hướng dẫn do Toriyama Akira minh họa, anh ấy vẫn không biết làm thế nào để tạo hình hoàn chỉnh các đồ vật từ giấy bồi. Tuy nhiên, bằng trí tưởng tượng của mình, anh đã tạo ra các phiên bản 3 chiều của các bức vẽ. Mặc dù đó là thử thách khó khăn nhưng đó là lúc cậu bé Tanaka bắt đầu hiểu được niềm vui của việc tạo ra mọi thứ bằng trí tưởng tượng của mình. Anh cười và nói “Khi nhìn lại, điều đó đã khơi dậy niềm yêu thích của tôi đối với việc tạo ra những bức tiểu họa, và có thể nói rằng Toriyama là người cố vấn của tôi.”

Khoảng năm 2001, anh Tanaka mua một số đồ nội thất nhà búp bê từ nước ngoài tại một khu chợ trời. Thích thú với những món đồ này, anh nghĩ: “Sao không thử làm những món đồ nhỏ khác nhỉ?” và bắt đầu tạo ra nhiều đồ vật tí hon hơn. Anh ấy làm việc với chúng trên ghế hành khách của chiếc xe tải mà anh đang lái cho một công ty vận tải vào giờ nghỉ và tiếp tục lặng lẽ chế tạo chúng trên bàn ở nhà. Anh Tanaka lắp ráp mọi thứ từ đầu mà không sử dụng các bộ phận làm sẵn. Mỗi hạt gạo được tạo ra bằng cách kéo nhựa đất sét có độ dày 0,3mm và ép từng hạt một bằng đầu bút chì cơ học có đường kính 0,5mm. Để làm những thứ trong suốt như lọ đựng mứt, anh cạo các thanh acrylic. Sử dụng trí tuệ của mình, anh đã mài giũa kỹ năng thông qua nhiều lần thử nghiệm để đạt đến mức độ mà các tác phẩm của mình có thể bán được trên thị trường.

 

Từ đam mê đến thành công

Từ khoảng năm 2007, anh đã dạy các lớp học tại nhiều trung tâm văn hóa ở Osaka và Tokyo. Năm 2011, anh thành lập xưởng của riêng mình đồng thời là nơi dạy nghề. Để có thêm thời gian dành cho nghệ thuật, anh Tanaka đã thay đổi công việc sang các công ty xây dựng và sản xuất thực phẩm. “Tôi có thể đưa kinh nghiệm làm việc vào tác phẩm của mình, bắt đầu từ những chi tiết như cấu trúc và hệ thống dây điện trong nhà cũng như khung cửa sổ của chúng, cho đến việc nhìn cận cảnh nhiều loại nguyên liệu thực phẩm.”

Giờ đây, anh Tanaka sở hữu một thương hiệu tên là Nunu’s House, bắt nguồn từ từ tiếng Pháp có nghĩa là gấu bông, “nounours”. Anh cũng là tác giả của 4 cuốn sách, bao gồm “Tomo Tanaka no Miniature Selection” hay “The Selected Miniatures of Tomo Tanaka”. Là một người sáng tạo chuyên nghiệp, anh biết giá trị của việc đưa kiến thức của mình vào các tác phẩm sáng tạo.  Anh nói “Bằng cách hiểu các đối tượng thực tế, các tác phẩm sẽ tạo ra cảm giác về chiều sâu. Tôi cũng đánh giá cao việc hiểu được “mức trung bình” của các loại sự vật khác nhau”.

Ví dụ, anh đã đến thăm một tiệm bánh lâu đời để có cảm nhận trực tiếp về bếp lò và bánh mì mới nướng. Anh cũng ghi chú về bánh mì làm sẵn và gắn trải nghiệm này với hiểu biết thông thường của mình khi chế tạo những đồ vật như thế này. Anh Tanaka nhấn mạnh “Việc tạo ra những phiên bản thu nhỏ của những thứ thông thường này đã khiến mọi người kinh ngạc và thích thú.

Vì không giới hạn mình trong một thể loại cụ thể nên anh Tanaka đã nhận được yêu cầu từ các doanh nghiệp và chính quyền địa phương khắp nơi. Anh đã làm việc cho thành phố Toba, tỉnh Mie về các sản phẩm thu nhỏ của vùng là ngọc trai cùng với các công cụ nhỏ được sử dụng bởi thợ lặn ngọc trai “Ama” nổi tiếng của họ. Anh cũng đã làm việc trong dự án có chủ đề không gian cho một nhà sản xuất kẹo của Đài Loan. Anh Tanaka dốc hết công sức vào công việc. “Vì họ trả tiền cho tôi qua những công việc này nên tôi luôn muốn dùng kỹ năng của mình một cách sắc bén và chuyên nghiệp”, anh nói.

Trong thời đại mà bất kỳ ai cũng có thể bán sản phẩm trực tuyến, anh Tanaka tự hào là một người vô cùng chuyên nghiệp. Anh khuyên các học sinh trung học cơ sở tham dự một trong những buổi hội thảo của mình rằng, “Điều quan trọng là hãy coi trọng tất cả những trải nghiệm khác nhau của bạn, hãy tự hỏi “điều này diễn ra như thế nào” và quan sát mọi thứ. Bằng cách đào tạo và dạy nghề thủ công làm đồ vật tí hon, tôi muốn hỗ trợ tương lai của giới trẻ ngày nay.”

Ngoài các hội thảo ở Osaka và Tokyo, anh Tanaka còn dạy nghề trực tuyến. Bạn có thể tìm thấy trang Instagram của anh ấy tại @nunus_house và tài khoản Twitter của anh ấy là @miniature_MH.

10 phát minh đẳng cấp thế giới của Nhật Bản

Nghệ thuật làm đồ siêu nhỏ tí hon chỉ bằng 1/12 đồ thật

Nếu bạn muốn biết thêm các thông tin khác, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee chuẩn bị các bài viết trả lời cho vấn đề mà bạn quan tâm nhé.

Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí! 

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN LOCOBEE

 

Nguồn: nunus-house

Biên tập: LocoBee

bình luận

ページトップに戻る