Mùa trượt tuyết năm nay ở Hokkaido, ngày càng có nhiều người trượt tuyết bị lạc ở vùng hẻo lánh sau khi đi ra khỏi ranh giới khu nghỉ dưỡng.
Nội dung bài viết
Liên tiếp các vụ việc mất tích
Vào ngày 5 tháng 2, một yêu cầu cứu hộ đã được gửi đi từ một ngọn núi phủ đầy tuyết ở khu vực Jozankei, Sapporo. Một nhóm gồm 5 người nước ngoài đã đi cáp treo lên Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Sapporo Kokusai và trượt tuyết địa hình ngoài đường trượt tuyết trước khi bị mắc kẹt trên một con dốc đứng. Cuối cùng, họ đã tự tìm cách xuống núi an toàn.
Ở khu vực phía Tây thành phố, 2 người đàn ông nước ngoài ngoài 30 tuổi trượt ván tại khu trượt tuyết Teine cũng đi lạc khỏi đường trượt và bị mất phương hướng. May mắn thay, họ đã được tìm thấy an toàn vào buổi tối cùng ngày. Tính đến cuối tháng 1 năm nay, đã có 32 vụ mất tích với tổng cộng 38 người bị mắc kẹt trong các khu vực núi tuyết mùa đông, tăng mạnh 13 vụ và 18 người so với cùng kỳ mùa trước. Trong số đó, một người đã tử vong, một người vẫn đang mất tích và 15 người khác bị thương.
Đặc biệt, trong số 38 người mắc kẹt trong mùa này, 34 người – gần 90% đang trượt tuyết hoặc trượt ván tuyết tại vùng hẻo lánh vào thời điểm gặp nạn, nhiều hơn gấp đôi so với mùa trước.
Thảm họa do trượt tuyết ở khu vực hẻo lánh
Vào tháng 3 năm ngoái, một trận tuyết lở trên Núi Rishiri đã khiến 1 người tham gia tour du lịch vùng hẻo lánh tử vong và làm bị thương 3 người khác, bao gồm cả hướng dẫn viên. Các nguồn tin điều tra cho biết, ngày 4 tháng 2 năm nay, cảnh sát Hokkaido đã gửi hồ sơ điều tra về chủ tịch công ty tổ chức tour và một đại diện khác đến cơ quan công tố với nghi ngờ gây chết người và thương tích do sơ suất nghề nghiệp. Cảnh sát đã để quyền quyết định truy tố cho phía công tố viên. Trong vụ tai nạn, tổng cộng 6 người tham gia tour cùng một hướng dẫn viên đã bị cuốn vào trận lở tuyết.
Theo báo cáo từ cảnh sát, trong 5 mùa đông gần đây (từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 3 năm 2024), đã có 16 vụ tai nạn liên quan đến lở tuyết, khiến 11 người tử vong và 10 người bị thương. Trong số này, 75% các vụ tai nạn xảy ra vào tháng 2 và tháng 3. Riêng vào tháng 3 năm ngoái, đã có 2 vụ tai nạn chết người, trong đó có vụ trên núi Rishiri.
Biến đổi nhiệt độ đột ngột làm tăng nguy cơ lở tuyết
Theo ông Yusuke Harada (51 tuổi), trưởng nhóm nghiên cứu tuyết và băng tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Xây dựng vùng lạnh, vụ tai nạn trên núi Rishiri xảy ra khi một người trượt tuyết đang đổ dốc đã vô tình kích hoạt một trận lở tuyết bề mặt, cuốn theo những người đang trượt tuyết hoặc chờ đợi phía dưới.
Ông Harada là một trong những nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Tuyết và Băng Nhật Bản, điều tra các vụ lở tuyết, bao gồm vụ trên núi Rishiri. Ông giải thích rằng khi tháng 3 đến gần, nguy cơ lở tuyết ở khu vực núi càng tăng cao. Nguyên nhân là do lớp tuyết mới từ các trận bão tuyết liên tiếp tích tụ trên bề mặt dốc đã bị làm nhẵn trước đó, tạo điều kiện cho các vụ lở tuyết bề mặt xảy ra.
“Để tránh tai nạn lở tuyết, không chỉ cần xem xét điều kiện thời tiết trong ngày hoạt động, mà còn phải hiểu rõ sự thay đổi nhiệt độ và mức độ chiếu sáng mặt trời trong những ngày trước đó đã ảnh hưởng như thế nào đến kết cấu tuyết. Những yếu tố này tác động trực tiếp đến chất lượng tuyết trên sườn dốc.” Ông nhấn mạnh rằng việc đánh giá tổng thể, bao gồm địa hình, thảm thực vật và các yếu tố khác, là cần thiết để đảm bảo an toàn.
11 thứ cần mang theo cho chuyến đi trượt tuyết ở Nhật
Lời khuyên cho người yêu thích trượt tuyết ở vùng hẻo lánh
Đối với những người đam mê trượt tuyết ở vùng hẻo lánh, ông Harada khuyên họ nên cập nhật thông tin về các điều kiện tại địa phương và cân nhắc lại việc trượt tuyết hoặc trượt ván ngay sau khi có bão hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột. Ông nhấn mạnh rằng đối với chuyến đi trượt tuyết, việc có thiết bị phù hợp là điều cần thiết, nhưng điều quan trọng không kém là đảm bảo nhóm thảo luận về cách tránh tuyết lở và những việc cần làm trong trường hợp xảy ra.
Top 10 bãi trượt tuyết được yêu thích nhất Hokkaido
Nguồn: asahi
Biên tập: LocoBee