Năm 2024, số lượng nhà hàng phá sản tại Nhật Bản đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Theo thống kê, có tổng cộng 894 trường hợp phá sản (với số nợ từ 10 triệu yên trở lên và đã tiến hành thủ tục pháp lý), tăng 16,4% so với năm trước (768 trường hợp). Con số này cũng vượt qua mức đỉnh điểm 780 trường hợp vào năm 2020.
Xét theo quy mô nợ, nhóm “từ 10 triệu đến dưới 50 triệu yên” chiếm tỷ lệ cao nhất với 692 trường hợp (77,4%), tiếp theo là “từ 100 triệu đến dưới 500 triệu yên” (93 trường hợp, 10,4%) và “từ 50 triệu đến dưới 100 triệu yên” (92 trường hợp, 10,3%). Tổng cộng, các trường hợp có nợ dưới 100 triệu yên chiếm 87,7% (784 trường hợp). Ngược lại, chỉ có 6 trường hợp phá sản với số nợ trên 1 tỷ yên (chiếm 0,7%). Trường hợp có khoản nợ lớn nhất là công ty Asahi Food Create ở Tokyo với khoản nợ lên đến 8,997 tỷ yên.
Nội dung bài viết
Hỗ trợ tài chính do COVID-19 kết thúc, giá cả tăng cao đẩy mạnh phá sản
Số lượng nhà hàng phá sản tăng mạnh vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình trạng khẩn cấp, với 780 trường hợp. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp hỗ trợ tài chính như cho vay lãi suất 0%, trợ cấp nghỉ việc và kinh phí duy trì hoạt động từ chính phủ và các địa phương, con số này giảm xuống còn 452 trường hợp vào năm 2022.
Tuy nhiên, sau khi các biện pháp hỗ trợ bị thu hẹp hoặc chấm dứt, cùng với việc bắt đầu hoàn trả các khoản vay không lãi suất, giá cả tăng cao do tác động của đồng yên giảm giá, số lượng nhà hàng nhỏ lâm vào tình trạng khó khăn tài chính tăng mạnh. Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch khiến nhiều ngành nghề đối mặt với tình trạng thiếu lao động, buộc các doanh nghiệp phải tăng lương để thu hút nhân sự, dẫn đến chi phí nhân công tăng cao.
5/11 loại hình kinh doanh lập kỷ lục phá sản mới
Trong số 11 loại hình kinh doanh, “quán rượu và quán bia” chiếm tỷ lệ cao nhất với 212 trường hợp, tiếp theo là “nhà hàng Trung Hoa và các món ăn phương Đông khác” (158 trường hợp) và “nhà hàng phương Tây” (123 trường hợp). Ngoài ra, 5 loại hình kinh doanh, bao gồm “quán mì soba và udon” (27 trường hợp) và “các quán ăn phổ thông khác” như quán bánh xèo và quán hamburger (65 trường hợp), đều lập kỷ lục phá sản mới.
Bên cạnh đó, các loại hình như “quán bar, câu lạc bộ đêm” (93 trường hợp) và “nhà hàng Nhật Bản” (77 trường hợp) cũng ghi nhận số lượng phá sản cao hơn năm trước. Đáng chú ý, số lượng nhà hàng Trung Hoa và các món ăn phương Đông khác tăng mạnh 45% so với năm trước, chủ yếu do sự gia tăng đột biến các trường hợp phá sản của quán ramen.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá sản ở các công ty ở Nhật?
Dự báo khó khăn tiếp tục với các doanh nghiệp nhỏ
Mặc dù các doanh nghiệp lớn đã có những bước cải thiện như cắt giảm chi phí, điều chỉnh giá bán hoặc chuyển đổi thương hiệu phù hợp với nhu cầu địa phương, các doanh nghiệp nhỏ lại đối mặt với nhiều thách thức lớn. Giá nguyên liệu, chi phí năng lượng và nhân công tiếp tục tăng, trong khi xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng khiến việc tăng giá trở nên khó khăn, làm chậm quá trình cải thiện doanh thu.
Do đó, tình trạng phá sản hoặc đóng cửa ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh kém.
Số lượng công ty ở Nhật phá sản đạt mức kỉ lục 6 tháng vừa qua
Nguồn: www.tdb.co.jp
Biên tập: LocoBee
bình luận