Xe gắn máy (原付きバイク, đọc: gentsuki baiku) đã được phổ biến từ lâu tại Nhật Bản với vai trò là phương tiện đi lại để đi làm, đi học, mua sắm, vận chuyển hàng hóa… Với tổng dung tích dưới 50cc, nó đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhờ khả năng dễ dàng điều khiển và tiết kiệm nhiên liệu, nhưng do các quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải từ tháng 11 năm 2024, các nhà sản xuất xe máy tại Nhật Bản dự kiến sẽ chấm dứt sản xuất trong nước.
Nội dung bài viết
Thời kì hoàng kim của xe gắn máy
Năm 1958, sản phẩm mở đầu cho kỉ nguyên của xe gắn máy là chiếc “Super Cub” của Honda. Nó nổi tiếng không chỉ vì mã lực và khả năng tiết kiệm nhiên liệu mà còn vì sự tiện lợi cho người dùng, chẳng hạn như thiết kế giúp phụ nữ mặc váy dễ dàng sử dụng, và nó đã trở thành một sản phẩm ăn khách không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới.
Năm 1981 các lô hàng xe gắn máy tại Nhật Bản đạt 2,59 triệu chiếc, vượt quá 2 triệu chiếc lần đầu tiên và năm sau đó 1982 đạt mức cao kỷ lục 2,78 triệu chiếc. Tuy nhiên, vào những năm 1990, doanh số bán hàng đã giảm xuống dưới 1 triệu chiếc do suy thoái kinh tế và xu hướng chuyển sang sử dụng xe máy (バイク, đọc: baiku) của giới trẻ. Kể từ đó, số lượng xe gắn máy tiếp tục giảm với sự ra đời của những chiếc xe đạp hỗ trợ điện tương đối rẻ tiền không cần giấy phép, và cuối cùng vào năm 2023 đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể là 90.000 chiếc, tức là chỉ bằng khoảng 3% so với mức đỉnh thời trước.
Cân nhắc dừng sản xuất xe gắn máy
Trước đây, các quy định thường xuyên được thắt chặt và các nhà sản xuất xe gắn máy đã phản ứng bằng cách cải tiến công nghệ lọc khí thải. Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chuẩn mới nhất thì cần phải xem lại bản thân thiết kế động cơ.
Hiện Honda và Suzuki là 2 hãng tiếp tục sản xuất xe gắn máy tại Nhật Bản nhưng cả 2 hãng đều đang cân nhắc việc dừng sản xuất do quy định ngày càng thắt chặt. Có vẻ như các công ty đã quyết định rằng việc đầu tư mới vào một thị trường đang bị thu hẹp là không có lãi, vì về mặt kỹ thuật rất khó phát triển một động cơ tuân thủ các quy định đề ra. Một số người liên quan đến nhà sản xuất nói rằng họ muốn giữ xe gắn máy như một phương tiện quen thuộc nhưng xét đến khả năng sinh lời khi thị trường thu hẹp thì việc ngừng sản xuất là một lựa chọn không thể tránh khỏi.
Mặc dù doanh số bán hàng hiện tại đã giảm mạnh nhưng vẫn còn khoảng 4,3 triệu xe gắn máy tồn kho trên toàn quốc. Vì lý do này, các nhà sản xuất đang cố gắng tiến tới “điện khí hóa xe gắn máy” theo nhu cầu là phương tiện di chuyển cho cuộc sống hàng ngày.
Xe gắn máy trong thời hiện đại
Honda – hãng chiếm khoảng 50% thị phần xe gắn máy đã cho ra mắt mẫu xe máy điện chạy bằng động cơ vào tháng 8 năm ngoái. Nó sử dụng pin di động và được cho là có thể đi được quãng đường 53km chỉ sau 1 lần sạc. Mặc dù đây là quãng đường ngắn hơn rất nhiều so với một động cơ có thể đi được hơn 300km trong 1 lần tiếp nhiên liệu nhưng ưu điểm là nếu thay pin, bạn có thể tiếp tục lái xe mà không cần phải chờ sạc. Bao gồm cả mẫu này thì cho đến nay, Honda đã tung ra thị trường 4 mẫu và họ có kế hoạch tiếp tục mở rộng dòng sản phẩm của mình cũng như tăng doanh số bán hàng. Ngoài quãng đường đi ngắn thì xe máy điện hiện đắt hơn khoảng 150.000 yên so với xe gắn máy có hiệu suất tương tự nên cũng chưa phổ biến lắm.
Suzuki cũng đang phát triển một loại xe máy điện mới để thay thế cho xe gắn máy. Tháng 9 này, họ đã giới thiệu với báo giới 1 loại xe 2 bánh gấp có động cơ và bàn đạp được gọi là “xe máy điện”, có thể được lái bằng giấy phép lái xe gắn máy. Về mặt pháp lý, nó là một chiếc xe đạp gắn máy nên nó được trang bị gương và đèn xi nhan, đồng thời phải có giấy phép lái xe gắn máy. Những điểm này rất khác với xe đạp điện trợ lực nhưng chúng có thể được sử dụng theo cách tương tự. Cụ thể, có 3 chế độ lái và nếu bạn chạy như một chiếc xe đạp điện chỉ sử dụng động cơ, bạn có thể đi được quãng đường 20km chỉ trong 1 lần sạc. Mặt khác, nếu bạn sử dụng động cơ làm chức năng hỗ trợ để đạp, bạn có thể kéo dài quãng đường của mình hơn nữa và ngay cả khi động cơ hết điện, bạn vẫn có thể tiếp tục di chuyển bằng bàn đạp, mặc dù bàn đạp xe này nặng hơn xe đạp bình thường.
Phong trào hợp tác giữa các công ty nhằm phổ biến xe máy điện
Honda, Yamaha Motor, Suzuki và Kawasaki Heavy Industries đã đồng ý tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn pin và làm cho chúng có thể thay thế được, với mục đích điện khí hóa xe gắn máy thuộc phân khúc xe máy. 2 năm trước, 4 công ty này đã hợp tác với một nhà phân phối dầu lớn và đang nỗ lực thiết lập các cơ sở để có thể trao đổi pin xe máy điện tại các trạm xăng ở Tokyo, Osaka và các khu vực khác. Khi các biện pháp môi trường trở nên cấp bách hơn, mỗi công ty đều nỗ lực hướng tới điện khí hóa nhưng vẫn còn nhiều thách thức về giá cả và quãng đường đi được đối với việc sử dụng rộng rãi xe máy điện.
Trong một cuộc khảo sát với người sử dụng xe máy do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thực hiện năm ngoái, 61% cho biết “giá mua thấp hơn” là điều kiện phổ biến nhất để cân nhắc mua một chiếc xe máy điện, tiếp theo là “quãng đường đi được dài hơn”. Trong hoàn cảnh này, một số nhà sản xuất nước ngoài đang bắt đầu thâm nhập thị trường Nhật Bản bằng cách đặt ra mức giá thấp. Nhà sản xuất xe máy Trung Quốc Yadia vừa thông báo rằng họ sẽ tung ra một mẫu xe máy điện thuộc phân khúc xe máy vào mùa hè tới. Giá dự kiến vào khoảng 100.000 yên, rẻ hơn so với xe đạp điện trợ lực và có tiềm năng trở thành đối thủ mạnh của các nhà sản xuất Nhật Bản. Trong lĩnh vực ô tô, BYD – công ty đứng thứ 2 thế giới về doanh số bán xe điện (EV) – đã gia nhập thị trường Nhật Bản nhưng sự cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc cũng sắp bắt đầu trong lĩnh vực xe máy.
Chi phí cần chi trả khi sở hữu xe máy ở Nhật
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Phiếu giảm giá tại Don Quijote: Miễn thuế 10% và giảm thêm 5%
Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 10.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!
Tổng hợp: LocoBee
bình luận