Làm gì khi trẻ không muốn đến trường? – Lời khuyên từ chuyên gia Nhật Bản

Khi năm học mới bắt đầu ở Nhật Bản, hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội xuất hiện về việc các bậc phụ huynh đang vật lộn với việc con cái không muốn đến trường. Bạn có đang gặp phải vấn đề này không? Cùng nghe một số lời khuyên từ chuyên gia nhé.

 

Thực trạng của các ông bố bà mẹ Nhật Bản

Trên X (trước đây là Twitter), các bậc phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc đối phó với con mới vào lớp một đã viết những bình luận như “Buổi sáng là thời điểm nổi cơn thịnh nộ, đúng như tôi đã lo sợ” hay “Con tôi vừa khóc vừa được giáo viên dẫn vào lớp”…

 

Làm gì khi trẻ không muốn đến trường?

Cha mẹ gặp phải tình huống như vậy nên xử lý thế nào?

Giáo sư Yayoi Watanabe của Đại học Hosei, một chuyên gia về Tâm lý học phát triển, cho rằng nước mắt và sự phản kháng của trẻ em là bằng chứng của sự phát triển bình thường.

Nguyên nhân tự tử hàng đầu của học sinh Nhật Bản

Bà Watanabe chỉ ra: “Người lớn có xu hướng nghĩ đến hiệu quả về thời gian và cố gắng giải quyết mọi việc nhanh chóng. Nhưng tôi muốn họ trước tiên hãy quan sát cẩn thận xem con cái họ đang lo lắng về điều gì.” Bà nói, nguồn gốc của sự lo lắng không chỉ là do cuộc sống học đường xa lạ với bọn trẻ. Đôi khi, trẻ không theo kịp tốc độ chuẩn bị buổi sáng và sự cáu kỉnh của cha mẹ khi ép con chuẩn bị bằng giọng điệu và thái độ gay gắt…

Sự lo lắng về môi trường mới là cảm giác chung của cả người lớn và trẻ em. Bà Watanabe nói rằng điều quan trọng là phải thông cảm với cảm xúc của trẻ và diễn đạt điều đó thành lời, chẳng hạn như nói: “Chúng ta đều cảm thấy bỡ ngỡ khi đến một nơi mới, phải không?” Biểu hiện trên khuôn mặt và giọng nói cũng rất quan trọng, vì trẻ có thể cảm thấy mình đang bị mắng nếu thông điệp đó không xuất phát từ trái tim.

Bà nói rằng điều quan trọng là phải chú ý đến từng bước nhỏ, chia nhỏ mục tiêu thành những nhiệm vụ nhỏ, có thể đạt được để dần dần hoàn thành chúng.

Để trẻ làm quen với môi trường mới, điều cần thiết là trẻ phải có cảm giác an toàn. Khi đưa chúng đến trường, điều quan trọng là phải trò chuyện và nói những câu như: “Hôm nay thời tiết đẹp nhỉ” hoặc “Bố/mẹ nhớ hồi mới vào học lớp một”. Nếu phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị đến trường, phụ huynh có thể cho con lựa chọn như “Con muốn mang tất xanh hay tất đen?” Thêm vào đó, việc tự mình đưa ra quyết định góp phần tạo nên sự tự tin cho trẻ – bà Watanabe nói.

Chắc chắn có khá nhiều bậc cha mẹ bắt đầu ghét bản thân mình vì nổi giận với con cái. Khi điều này xảy ra, bà Watanabe khuyên bạn nên “dán nhãn/đặt tên cho những cảm xúc” đó. Sự khó chịu thường không chỉ liên quan đến sự tức giận mà còn là sự pha trộn giữa nỗi buồn, lo lắng và những cảm xúc khác. Bằng cách tự đặt câu hỏi và viết ra những yếu tố này, họ có thể biết rằng nguồn gốc hoặc vấn đề không phải là do con họ hoặc hành vi của các con mà là do công việc của chính họ hoặc sự so sánh được đưa ra với những đứa trẻ khác. Bằng cách bình tĩnh phân tích những cảm xúc đó và tiếp tục cố gắng giải quyết vấn đề, cuối cùng họ có thể kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực của mình.

Cuối cùng, bà Watanabe có lời động viên: “Hơn cả việc xử lý nhanh chóng mỗi ngày, điều quan trọng là cha mẹ cũng phải chăm sóc bản thân bằng cách làm những việc như để tâm trí được nghỉ ngơi hoặc thư giãn và thoải mái.”

 

Vài nét về năm học mới ở Nhật

Năm học ở Nhật bắt đầu vào tháng 4. Học kỳ đầu tiên kéo dài đến khoảng ngày 20 tháng 7, khi kỳ nghỉ hè bắt đầu. Học sinh trở lại trường vào đầu tháng 9 cho học kỳ 2 kéo dài đến khoảng ngày 25/12. Học kỳ cuối cùng bắt đầu vào đầu tháng 1 và tiếp tục đến cuối tháng 3.

Hầu hết mọi người đều nghĩ mùa xuân – khi cuộc sống bắt đầu lại – là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu những điều mới mẻ. Học sinh háo hức và tràn đầy mong đợi khi năm học mới đến gần. Đầu tháng 4 cũng là thời điểm hoa anh đào nở rộ. Vì vậy, khi mọi người nghĩ đến việc vào trường mới và bắt đầu sự nghiệp, họ thường liên tưởng đến hình ảnh những bông hoa xinh đẹp này. Nhiều trường học trồng cây anh đào trong khuôn viên trường và các bậc phụ huynh thích chụp ảnh con mình lần đầu tiên đến trường dưới những tán hoa màu hồng nhạt này.

Tuy nhiên, có một số người muốn thay đổi năm học để bắt đầu vào tháng Chín. Họ nói rằng điều này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho học sinh, sinh viên các nước khác đến học tập ở đây và học sinh, sinh viên Nhật Bản có thể theo học ở nước ngoài dễ dàng hơn. Nhưng vì mùa xuân gắn liền với những khởi đầu mới nên năm học có thể sẽ tiếp tục khai giảng vào tháng 4.

Năm tài chính mà chính phủ và doanh nghiệp sử dụng để lập kế hoạch hoạt động hàng năm cũng bắt đầu vào tháng 4.

Hi vọng những thông tin trên đây hữu ích cho các ông bố bà mẹ đang gặp chung vấn đề này hoặc các ông bố chuẩn bị có con ở độ tuổi này nhé.

Nhật phát triển hệ thống dựa trên AI phát hiện học sinh ngủ gật trong lớp

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN LOCOBEE

Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 10.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!

Phiếu giảm giá tại Don Quijote: Miễn thuế 10% và giảm thêm 5%

 

Tổng hợp: LocoBee

Facebook