Nước thải phóng xạ của Nhật Bản có an toàn hay không?
Từ năm 2023, Nhật Bản đã chính thức bắt đầu các đợt xả nước thải phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi thuộc Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) ra biển. Vậy nước này là nước gì? Có an toàn cho môi trường và con người hay không?
Cùng LocoBee tìm hiểu thông tin trong bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
Nước đã qua xử lí ALPS là gì?
Quy trình xử lí ALPS
Nước thải phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi là nước đã qua xử lí ALPS. Đây là quá trình tinh chế để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn bằng cách sử dụng thiết bị loại bỏ đa hạt nhân. Kết quả là loại bỏ các chất phóng xạ khác ngoài Tritium. Đương nhiên Tritium cũng đã được pha loãng đáng kể với nước biển trước khi xả thải để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Nước được xử lí ALPS từ nhà máy điện hạt nhân được pha loãng với nước biển trước khi thải ra đại dương, ở mức giới hạn hàng năm là 22 nghìn tỷ becquerel, đây là mục tiêu kiểm soát xả thải được đặt ra trước khi xảy ra sự cố hạt nhân. Nồng độ Tritium sau khi pha loãng nhỏ hơn 1/40 tiêu chuẩn an toàn Nhật Bản (bằng khoảng 1/7 tiêu chuẩn nước uống của WHO). Tổng lượng phát thải được quản lý và xử lý sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nên không có khả năng gây bất kỳ tác động nào đến môi trường hoặc cơ thể con người.
Tritium là gì?
Đã có những lo ngại về Tritium có trong nước đã qua xử lý ALPS khi nó được thải ra đại dương. Tritium là chất phóng xạ đồng vị của hydro (tritium) và có mặt trong tự nhiên hàng ngày như nước biển, nước máy, nước mưa và thậm chí cả trong cơ thể con người, khiến nó trở thành một “chất phóng xạ tồn tại rộng rãi trong tự nhiên”.
Do Tritium kết hợp với oxy và tồn tại dưới dạng chất lỏng có các đặc tính gần giống như nước nên việc tách riêng Tritium ra khỏi nước là cực kỳ khó khăn và hiện tại không có công nghệ nào có thể áp dụng cho nước được xử lý bằng ALPS. Tuy nhiên, năng lượng của bức xạ phát ra từ Tritium cực kỳ yếu và có thể bị chặn bởi một mảnh giấy nên dù có đi vào cơ thể cũng khó có khả năng tích tụ. Nước chứa Tritium thải ra biển từ nhiều cơ sở hạt nhân trên khắp thế giới, nhưng không có tác động nào do Tritium được tìm thấy ở khu vực lân cận các cơ sở đó.
Tại sao phải thải bỏ nước đã qua xử lý ALPS?
Từ khi bắt đầu xử lí hậu quả của sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, số lượng bể chứa khổng lồ chứa nước đã qua xử lý ALPS trong khuôn viên nhà máy tiếp tục tăng và số lượng bể chứa đã vượt quá 1.000 bể. Để tiến hành công việc ngừng hoạt động một cách an toàn, nhà máy sẽ cần một nơi để xây dựng cơ sở mới, đồng thời cần phải xử lý nước đã qua xử lý ALPS và giảm số lượng bể chứa. Vì vậy, việc xử lý nước trên và giảm số lượng bể chứa là một nhiệm vụ cần thiết để ngừng hoạt động và tái thiết nhà máy.
Việc xả nước thải phóng xạ có thực sự ổn không?
Nước thải phóng xạ được kiểm tra kỹ lưỡng bởi bên thứ ba (JAEA) để đảm bảo không có thay đổi lớn về nồng độ chất phóng xạ trong đại dương trước và sau khi xả thải. IAEA – cơ quan của Liên hợp quốc có chuyên môn cao về năng lượng hạt nhân – cũng đưa ra một báo cáo toàn diện cho biết việc xả nước đã qua xử lý ALPS ra đại dương “phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế” và “các tác động phóng xạ đối với con người và môi trường là không đáng kể”. Việc kiểm tra của IAEA không chỉ được tiến hành trước khi xả thải mà còn được thực hiện trong một thời gian dài ngay cả sau khi xả thải.
Cá đánh bắt ở gần biển có vấn đề gì không?
Khi Nhật Bản tiến hành đánh giá tác động đến cơ thể con người khi xả nước thải phóng xạ ra biển dựa trên các phương pháp quốc tế, chẳng hạn như giả định rằng hàng ngày con người ăn nhiều cá từ các vùng biển gần đó thì thấy rằng tác động lên cơ thể con người là cực kỳ nhỏ, bằng khoảng 1/1.000.000 đến 1/70.000 ảnh hưởng của bức xạ chúng ta nhận được hàng ngày (bức xạ tự nhiên). Do đó không có vấn đề về an toàn nào với cá đánh bắt ở vùng biển gần đó.
Tình trạng xả thải của các nước khác
Tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tổng lượng tritium thải ra hàng năm là 22 nghìn tỷ becquerels. Theo Niên giám Năng lượng hạt nhân Trung Quốc thì vào năm 2021, có ít nhất 13 nhà máy điện hạt nhân, nghĩa là Trung Quốc còn thải ra nhiều tritium hơn Nhật Bản. Trong số này, nhà máy điện hạt nhân Qinshan ở phía đông tỉnh Chiết Giang đã thải ra 218 nghìn tỷ becquerel nước thải phóng xạ trong 1 năm, lượng tritium thải ra gấp khoảng 10 lần tổng lượng thải ra hàng năm của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi được sử dụng để làm mát nhiên liệu hạt nhân tan chảy trong vụ tai nạn. Họ cho rằng tính xác thực và chính xác của dữ liệu chưa được chứng minh cũng như những tác động lâu dài đối với an toàn thực phẩm và sức khỏe cũng chưa được chứng minh.
* Thông tin tham khảo từ www.meti.go.jp, gov-online.go.jp
Thực tập sinh Việt Nam kiện doanh nghiệp ở Fukushima vì bị bắt khử nhiễm phóng xạ
Bạn nghĩ thế nào về vấn đề này? Hãy cho LocoBee biết ngay dưới phần bình luận nhé!
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Tổng hợp: LocoBee
bình luận