Nhật Bản nổi tiếng thế giới về xuất khẩu văn hóa như phim hoạt hình và món sushi ngon tuyệt. Người ta biết ít hơn một chút về văn hóa geisha và liệu nó có còn phát triển ở Nhật Bản hay không. Có thể bạn đã xem bộ phim Memories of a geisha (Hồi ức của một geisha) và đang tự hỏi liệu geisha có còn tồn tại không?
Nội dung bài viết
Những điều không nên làm khi du lịch ở Kyoto
“Geisha” ở Nhật
Từ “geisha” dễ dàng được dịch sang tiếng Anh khi chúng ta nhìn vào hai chữ Hán mà nó sử dụng: ‘Gei’ (芸) có nghĩa là ‘nghệ thuật’ và ‘sha’ (者) có nghĩa là ‘người’. Kết hợp lại, chúng ta có thể dịch geisha có nghĩa là một nghệ sĩ biểu diễn, giống như một nghệ sĩ giải trí hoặc nghệ nhân.
Cùng với khiêu vũ, ca hát và chơi nhạc cụ truyền thống, geisha được đào tạo chuyên nghiệp về cách cắm hoa, tiến hành nghi lễ trà đạo và trò chuyện. Tất cả những kỹ năng này, cùng với vẻ ngoài hoàn hảo và khó quên, geisha trở thành lớp nghệ sĩ được kính trọng nhất ở Nhật Bản.
Điều quan trọng cần lưu ý là sự cống hiến cần có của một geisha đối với nghề và sự nghiệp của họ. Những người phụ nữ này cống hiến hết mình để thể hiện nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, cuộc sống và công việc của họ đều xoay quanh nó.
Đã từng có khoảng 80.000 geisha trên khắp Nhật Bản, bắt đầu từ thời Edo (1603-1886) khi geisha được xếp vào loại ‘kỹ nữ’ cao cấp dành cho giới thượng lưu Nhật Bản. Họ sẽ biểu diễn, tiếp đãi trong các bữa tiệc và sống trong các khu vui chơi của thành phố. Ngày nay, chỉ còn 1.000 geisha ở Nhật Bản, hầu hết họ sống và làm việc chủ yếu ở Tokyo và Kyoto. Những geisha hiện đại này thường ở lại trong khu của mình bởi nơi đây họ được người dân địa phương Nhật Bản đối xử hết sức tôn trọng và không bị tiếp cận để chụp ảnh hay trò chuyện.
Quá trình đào tạo Geisha
Một phần của truyền thống geisha là phải trải qua nhiều cấp độ đào tạo trước khi trở thành một geisha thực sự. Nhưng vẫn còn những câu hỏi cần được trả lời. Maiko là gì? Làm thế nào để trở thành một geiko? Hãy cùng đọc để tìm hiểu thêm về quá trình đào tạo geisha hấp dẫn nhé!
SHIKOMI
Các cô gái ở độ tuổi 14 hoặc 15 vào các trường đào tạo chuyên biệt (okiya) để trở thành geisha, thường là sau khi học xong cấp hai. Những cô gái này được gọi là shikomi (仕込み), có nghĩa là ‘đang đào tạo’, và thường ở nội trú tại trường. Ngày nay, quy trình đầu vào thường được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách cha mẹ gửi email cho okiya và thảo luận về khả năng hội đủ điều kiện của con mình. Không giống như các giai đoạn trước đó, không có cô gái nào bị bán làm geisha. Các cô gái shikomi mới có thời gian thử việc 3 tháng đầu tiên, vì vậy nếu họ không hài lòng, họ có thể rời khỏi okiya trong thời gian này mà không gặp vấn đề gì.
Giai đoạn đào tạo shikomi tập trung vào việc làm các công việc gia đình như dọn dẹp và ủi đồ xung quanh nhà geisha để xây dựng kỷ luật. Các hành động hàng ngày, như quỳ gối, cúi chào và chào hỏi, thường xuyên được thực hiện đối với các geisha cao cấp như một dấu hiệu của sự tôn trọng. Những người cố vấn, được gọi là oneesan sẽ hướng dẫn học viên của mình như cách ngồi, đứng, đi và nói đúng cách. Họ cũng học cách mặc kimono – một phần mang tính biểu tượng của việc trở thành một geisha.
Giai đoạn shikomi thường mất ít hơn một năm. Tại thời điểm này, các cô gái shikomi tham gia nghi lễ misedashi, đánh dấu bước chuyển tiếp từ giai đoạn đào tạo ban đầu sang trở thành geisha tập sự. Trong buổi lễ, các cô gái shikomi mặc trang phục trang trọng nhất và đi dạo quanh khu vực địa phương của họ để chào hỏi những người trong khu phố. Họ cũng uống rượu sake theo nghi lễ với các đồng nghiệp và geisha khác.
MINARAI
Giai đoạn minarai diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ kéo dài khoảng một tháng và bao gồm nhiều hoạt động giống như maiko, bao gồm cả việc mặc bộ kimono tương tự và kiểu tóc nihongami. Tuy nhiên, trở thành minarai nghĩa là ‘học thông qua quan sát’: những cô gái này sẽ đi cùng maiko và geiko đến các bữa tiệc và sự kiện, đồng thời quan sát cách người lớn tuổi cư xử.
MAIKO
Geisha tập sự được gọi là maiko (舞妓), có nghĩa là ‘vũ kỹ’. Họ thường ở độ tuổi từ 15 đến 20 và quá trình đào tạo maiko sẽ mất từ 2 đến 6 năm. Đây là giai đoạn mà các geisha tập sự nhận các bài học hàng ngày để học và nghiên cứu tất cả các nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, cũng như cách tổ chức các buổi tiệc trà và cách trò chuyện hấp dẫn với các khách hàng tương lai. Các kỹ năng mà họ học được là múa truyền thống và chơi nhạc cụ truyền thống để tiếp đãi khách.
Maiko cũng mặc một bộ kimono có thiết kế sặc sỡ, tô vẽ khuôn mặt bằng lớp trang điểm phức tạp (bao gồm cả khuôn mặt trắng bệch và đôi môi đỏ), và tạo kiểu tóc bằng ghim và đồ trang trí – những phụ kiện này được gọi là kanzashi.
Khi giai đoạn maiko hoàn thành, một buổi lễ erikae sẽ được tổ chức để công nhận các geisha tập sự tốt nghiệp.
GEIKO
Trở thành geisha hoàn toàn gọi là geiko. Đây là lúc geisha đã hoàn thành khóa đào tạo của mình và có thể hành nghề. Có một số thay đổi tại thời điểm này: vẻ ngoài của geiko đoan trang và khiêm tốn hơn; mặc những bộ kimono đơn giản hơn với tay áo dài hơn và để dành lớp trang điểm màu trắng độc đáo cho những dịp đặc biệt, tóc tự nhiên cũng không còn được tạo kiểu nữa mà thay vào đó là đội tóc giả kiểu shimada.
Okiya – Ngôi nhà của Geisha
Trong một truyền thống có từ hàng thế kỷ trước, okiya (nhà geisha) chịu trách nhiệm dạy dỗ, nhà ở, quần áo và ăn uống cho các học viên của mình. Đổi lại, các cô gái dành nhiều năm để được huấn luyện từ okiya.
Văn hoá khi đi ăn ở ngoài tại Nhật bạn cần biết
Tất cả geisha tập sự sẽ sống tại nhà geisha cho đến khi hoàn thành khóa đào tạo và tất cả geisha phải được đăng ký hợp pháp với okiya được cấp phép trong suốt sự nghiệp của mình – mặc dù không phải tất cả sẽ tiếp tục sống ở đó trong khi làm việc. Okiya là một xã hội mẫu hệ, thường được điều hành bởi geisha ‘mẹ’, người này sẽ chăm sóc các cô gái bằng cách hỗ trợ học hành và sự nghiệp. Người phụ nữ này, được gọi là okami hoặc okaasan, thường là một geisha đã thôi hành nghề.
Chuyện gì đã xảy ra với các Geisha?
Số lượng geisha trong văn hóa Nhật Bản đã giảm dần kể từ Thế chiến thứ hai, khi phần lớn phụ nữ Nhật Bản được yêu cầu làm việc trong các nhà máy để khôi phục quốc gia sau chiến tranh, bên cạnh đó, cũng có ít khách hàng sử dụng dịch vụ geisha hơn.
Trong chiến tranh, những người hành nghề mại dâm ở Nhật Bản rõ ràng đã tự xưng là geisha để thu hút sự chú ý của binh lính nước ngoài, điều này dẫn đến huyền thoại rằng geisha cung cấp dịch vụ tình dục. Vì mại dâm là bất hợp pháp ở Nhật Bản, do vậy, không cần phải nói, tin đồn về geisha đặc biệt này chưa bao giờ là sự thật.
Trong thời hiện đại, rất ít phụ nữ chọn trở thành geisha. Họ cho rằng trở thành một geisha là một cam kết suốt đời – nhưng điều này không đúng! Mặc dù nhiều geisha gắn bó với nghề trong phần lớn cuộc đời của họ, nhưng họ cũng có thể nghỉ bất cứ khi nào họ muốn. Điều này thường xảy ra nếu một geisha muốn lập gia đình vì geisha thường được cho là còn độc thân khi họ đang trong giai đoạn làm việc.
Các Geisha thời hiện đại đang ở đâu?
Nếu quan tâm đến việc ủng hộ các geisha, bạn vẫn có thể ghé thăm các quán trà truyền thống ở Nhật Bản. Có khoảng một nghìn geisha sống ở một số thành phố lớn như Tokyo và Kanazawa, nhưng phần lớn làm việc ở Kyoto – nơi được coi là quê hương của văn hóa geisha hiện đại.
Để gặp được một geisha, bạn phải trả một khoản phí (mặc dù chi phí chính xác của việc này không bao giờ được tiết lộ). Hơn nữa, khả năng gặp gỡ chỉ khả thi nếu bạn nhận được lời mời từ một vị khách quen của một quán trà mà các geisha thường lui tới. May mắn thay, rất nhiều công ty du lịch có thể sắp xếp việc này.
Như vậy là, Geisha vẫn còn tồn tại. Cũng không thể biết được truyền thống này sẽ tồn tại bao lâu, nó đang mai một dần và chỉ có thời gian mới trả lời được liệu truyền thống này có bao giờ kết thúc hay không.
5 văn hóa Nhật Bản nhất định bạn nên trải nghiệm
Tổng hợp: LocoBee