Những bất cập của hệ thống thực tập sinh kỹ năng: lương thấp, bùng lương và bạo lực
Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch bãi bỏ chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng – chương trình bắt đầu từ năm 1993 và đã hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản trong 30 năm. Thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản đón nhận việc này như thế nào?
Ảnh minh hoạ
Tình hình thực tập sinh ở Nhật trong bối cảnh đồng yên yếu
Anh Nguyễn Quang Huynh(?), 28 tuổi, người Việt Nam làm việc cho một công ty xây dựng ở Mihara, tỉnh Hiroshima, đến Nhật Bản thực tập cách đây 8 năm và chứng kiến những bất cập của hệ thống cho biết: “Tôi hi vọng chính phủ tạo ra một hệ thống nơi người lao động có thể tự do lựa chọn công việc của mình và nhận được mức lương cao hơn”. Mỗi ngày làm thực tập sinh là một chuỗi ngày gian khổ. Để trang trải các chi phí ban đầu như: vé máy bay, tiền hoa hồng trả cho cơ quan phái cử ở Việt Nam, anh Huynh đã đến Nhật Bản với khoản vay khoảng 1,3 triệu yên (khoảng 200 triệu đồng), anh đã phải sử dụng đất đai và ruộng ở quê nhà của bố mẹ làm tài sản thế chấp. Kỳ thực tập đầu tiên của anh là tại một công ty xây dựng ở thành phố Fuchu, tỉnh Hiroshima.
Anh kể lại: “Tôi phải làm việc 6 ngày/tuần từ 6 giờ sáng đến 7 giờ 30 tối. Ban đầu, tôi không hiểu tiếng Nhật, vì vậy tôi đã học công việc bằng cách bắt chước những gì tôi nhìn thấy. Sau khi trừ phí ký túc xá và hóa đơn điện nước, tiền lương hàng tháng tôi mang về nhà là khoảng 70.000 – 80.000 yên (khoảng 11 triệu – 13 triệu đồng). Tôi giữ lại 20.000 yên (khoảng 4 triệu đồng) và gửi phần còn lại về nhà cho bố mẹ. Tôi đã tự học tiếng Nhật bằng cách tham gia một lớp học tình nguyện địa phương vào những ngày nghỉ. Môi trường làm việc thật sự tồi tệ, tôi thường xuyên phải chịu đựng những lời lăng mạ và bạo lực từ những người Nhật Bản.”
Vào tháng 11 năm 2019, anh đã nhờ đến sự giúp đỡ của Fukuyama Union Tanpopo, một liên đoàn lao động ở thành phố Fukuyama, tỉnh Hiroshima, chuyên bảo vệ các thực tập sinh. Kết quả là thông qua đàm phán giữa công đoàn và công ty, người ta đã phát hiện ra việc công ty ép nhân viên làm thêm giờ không lương. Trong quá trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng, đã có hàng loạt trường hợp phải trốn khỏi nơi đào tạo. Thật may mắn, anh Huynh đã được cứu nhờ kết nối với nhóm hỗ trợ.
Tình trạng thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản: muốn nghỉ việc cũng không được
Hiện tại, anh Huynh đã chuyển sang visa kỹ năng đặc định số 1 với công việc đòi hỏi các kỹ năng làm việc và mức lương mang về nhà của anh ấy đã tăng lên thành 250.000 yên mỗi tháng (khoảng 41 triệu đồng). Là một người vận hành thiết bị hạng nặng, anh chỉ huy công trường và học cách đọc các bản thiết kế, cùng với đó là trả hết các khoản nợ khi đến Nhật Bản.
Đối với anh Huynh, đào tạo thực tập sinh kỹ năng không phải là một “đóng góp quốc tế” của Nhật Bản. Đó đơn giản là 1 hình thức để doanh nghiệp thuê lao động giá rẻ, và là một cách để kiếm tiền của người lao động. Công việc xây dựng thì nóng vào mùa hè, lạnh vào mùa đông, và anh ấy đã thường xuyên bị la mắng.
Anh Huynh đang hẹn hò với một bạn nữ Việt Nam 23 tuổi cũng theo visa kĩ năng đặc định và dự định sẽ sớm kết hôn. Anh rất hài lòng với cuộc sống hiện tại “Nhật Bản rất đẹp. Người Nhật là những người tốt và luôn hết mình vì công việc. Tôi không nghĩ đến việc trở về nhà, tôi hy vọng mình sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp”.
Ông Muto Mitsugu, 73 tuổi – chủ tịch điều hành của công đoàn đã hỗ trợ anh Huynh, cho biết: “Các vi phạm nhân quyền như quấy rối, đánh đập, chửi bới và không trả lương làm thêm giờ đang xảy ra tại các địa điểm đào tạo thực tập sinh kỹ thuật, và gây ấn tượng xấu cho Nhật Bản. Cần có hệ thống mới thay thế hệ thống hiện tại.”
Kế hoạch xóa bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng
Nguồn: The Mainichi
Biên tập: LocoBee
bình luận