Chương trình thực tập sinh kỹ năng có mục đích ban đầu là cho phép người nước ngoài học các kỹ năng trong khi làm việc tại Nhật Bản nhằm đóng góp cho cộng đồng quốc tế thông qua phát triển nguồn nhân lực ở các nước đang phát triển. Nhưng thực tế cho thấy có hàng loạt rắc rối xuất hiện trong quá trình thực hiện chương trình này.
Nội dung bài viết
Chương trình Thực tập sinh kỹ năng là gì?
Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng bắt đầu vào năm 1993 với mục đích đóng góp cho môi trường lao động quốc tế bằng cách chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển. Các thực tập sinh có thể học các kỹ năng trong thời gian làm việc lên đến 5 năm trong 86 ngành nghề như ngành xây dựng và ngành sản xuất thực phẩm. Theo Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản, tính đến cuối tháng 6 năm ngoái, có khoảng 330.000 thực tập sinh kỹ năng, trong đó hơn 50% là người Việt Nam. Họ được phân loại thành “Số 1” đến “Số 3” tùy thuộc vào thời gian lưu trú và kết quả bài kiểm tra thực tế. Họ có mức lương trung bình hàng tháng vào năm 2020 là khoảng 170.000 yên đối với “Thực tập sinh kỹ năng loại 1” và hơn 200.000 yên đối với “Thực tập sinh kỹ năng loại 3”.
Trong khi thị trường lao động có nhu cầu cao đối với thực tập sinh kỹ năng ở khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, thì vẫn không ngừng xảy ra các trường hợp bị ép làm việc nhiều giờ với mức lương thấp bất hợp pháp và bị bị bạo hành tại nơi làm việc. Ngoài ra, hơn 50% thực tập sinh phải vay nợ trước khi sang Nhật Bản để trả phí cho các cơ quan phái cử và trung gian ở nước sở tại. Khoảng 7.000 thực tập sinh đã rời bỏ nơi làm việc của họ trước 2 năm vì theo nguyên tắc, họ không thể thay đổi công việc hoặc thay đổi công ty mà họ đang làm việc.
Để xem xét tình hình này, chính phủ đã thành lập một hội đồng chuyên gia vào tháng 11 năm 2021 và kể từ tháng 12 năm 2022, các cuộc thảo luận đã được tổ chức 4 lần. Tại cuộc họp, các thành viên kêu gọi tiếp tục chương trình thực tập sinh kỹ năng phát biểu rằng: “Thực tập sinh kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho thế giới” và “Việc tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Ngược lại, những thành viên ủng hộ việc loại bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng đưa ra các lý do như: “Tư tưởng sử dụng lao động nước ngoài với giá rẻ sẽ không thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế để có được nguồn nhân lực.”, “Chúng ta nên công nhận họ là lực lượng lao động quan trọng và nên đưa ra chính sách để cho phép họ có thể sống ở Nhật Bản lâu dài”, hoặc “ Cần phải bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng và chuyển sang chế độ mới như 1 hệ thống đảm bảo nguồn nhân lực của các ngành công nghiệp trong nước”. Tuy nhiên, kết quả là phần lớn các thành viên đều đồng tình với phương án bãi bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng.
Tình trạng thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản: muốn nghỉ việc cũng không được
Kêu gọi bãi bỏ hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ năng
Vào ngày 10/4, hội đồng chuyên gia của chính phủ Nhật Bản đã trình bày các luận điểm kêu gọi bãi bỏ hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ năng và chuyển sang một hệ thống mới. Mục đích chính của hệ thống mới không chỉ là phát triển mà còn đảm bảo nguồn nhân lực làm việc ngày càng tăng. Ngoài ra, việc miễn kỳ thi “Kỹ năng đặc định” đối với các thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành khóa đào tạo từ 3 năm trở lên sẽ giúp quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và đảm bảo nguồn nhân lực trong trung và dài hạn.
Hơn thế nữa, trong quá trình thực hiện chương trình, đã có một loạt trường hợp các “Tổ chức giám sát” đóng vai trò trung gian tiếp nhận thực tập sinh nhưng không thực hiện tốt việc kiểm tra và giám sát đối với các công ty tiếp nhận. Do có nhiều trường hợp đã bị phát hiện và bị xử lý hành chính, nên hệ thống mới sẽ đảm bảo tính độc lập với các công ty và siết chặt các yêu cầu. Hội đồng chuyên gia có kế hoạch đệ trình báo cáo cuối cùng vào khoảng mùa thu năm nay.
Tại cuộc họp chuyên gia vào ngày 10/4, các thành viên hội đồng nhìn chung đồng ý với dự thảo chuyển đổi sang hệ thống mới. Tuy nhiên, về vấn đề “Chuyển việc” được cho là chỉ nới lỏng ở một mức độ nhất định, một số ý kiến cho rằng “Người lao động cần được tự do chuyển đổi công việc theo luật lao động, giống như những lao động bình thường khác”. Ngoài ra, nguồn nhân lực có thể thiên về khu vực thành thị, do đó cũng có những ý kiến cho rằng “Cần tập trung vào khu vực nông thôn hơn.”
Phản ứng ở phía Việt Nam
Trước việc nhóm chuyên gia của chính phủ Nhật Bản trình bày dự thảo chuyển đổi sang một hệ thống mới, Việt Nam bày tỏ hy vọng phía Nhật Bản xem xét lại hệ thống. Tại Việt Nam, có nhiều tổ chức phái cử dạy tiếng và văn hóa Nhật Bản tại địa phương cho những người có mục tiêu ra nước ngoài làm việc. Trong số này, tính đến nay cơ quan phái cử tại Hà Nội đã đưa hơn 2.500 người sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh kỹ năng. Hiện tại, có 150 bạn trẻ có dự định sang Nhật Bản đang học tiếng Nhật và thói quen sinh hoạt tại các cơ sở đào tạo, cũng như trải qua khóa đào tạo thực hành về chế biến món ăn, dọn giường tại các khách sạn.
Câu chuyện của một thực tập sinh Việt ngành may mặc bị bóc lột sức lao động
Hi vọng về môi trường làm việc được cải thiện
Một phụ nữ 24 tuổi có kế hoạch làm thực tập sinh kỹ thuật tại một công ty bánh Nhật Bản vào tháng tới cho biết: “Tôi yêu Nhật Bản từ khi còn nhỏ. Tôi hy vọng rằng môi trường làm việc sẽ được cải thiện”. Một thanh niên 22 tuổi khác cho biết: “Sau khi tích lũy kinh nghiệm ở Nhật Bản, tôi muốn trở lại Việt Nam và phát triển. Tôi hy vọng rằng hệ thống mới sẽ cho phép tôi cảm thấy an toàn khi làm việc tại Nhật Bản”.
Ngoài ra, ông Bùi Xuân Quân – Giám đốc cơ quan phái cử đã chỉ ra những điểm bất cập của chế độ thực tập sinh kỹ năng hiện tại: “Chế độ hiện tại gây bất lợi cho người lao động, lương không tương xứng với công việc của thực tập sinh. Hơn nữa, thời gian làm việc lại kết thúc khi họ đã quen với công việc, điều này thật lãng phí”. Với những rắc rối tại các điểm đào tạo và khiếu nại vi phạm nhân quyền vẫn tiếp diễn, ông Quân hy vọng rằng hệ thống sẽ được xem xét lại: “Tôi hi vọng phía Nhật Bản xem xét lại các đối tác kinh doanh và công ty của mình để các thực tập sinh yên tâm làm việc”.
Công ty Nhật quyên góp 500 man yên cho nhóm thực tập sinh bị nợ lương ở Ehime
Các công ty tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng
Một số công ty tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng tỏ ra tích cực đón nhận việc chuyển đổi sang một hệ thống mới nhằm đảm bảo nguồn nhân lực, nhưng họ lo ngại về dòng chảy nhân lực do việc nới lỏng các quy định hạn chế chuyển việc. Tại một công ty may mặc ở tỉnh Gifu đã nhận thực tập sinh kỹ năng trong 8 năm qua, 7 trong số 15 nhân viên là người Việt Nam. Công ty nhìn nhận một cách tích cực rằng bằng cách đặt mục tiêu “đảm bảo nguồn nhân lực” trong hệ thống mới, cuối cùng sẽ có thể chấp nhận họ là công nhân và mâu thuẫn giữa hệ thống và thực tế sẽ biến mất.
Mục đích của hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ năng hiện nay là đóng góp cho cộng đồng quốc tế, nhưng với tình trạng thiếu hụt lao động Nhật Bản, thực tập sinh đóng vai trò quan trọng là người lao động cho các công ty và trở thành 1 phần không thể thiếu. Mặt khác, có ý kiến lo ngại về việc nới lỏng các hạn chế đối với việc “chuyển việc” khiến người lao động dễ dàng từ bỏ công việc. Điều này sẽ gây bất lợi với phía công ty trả lương cho thực tập sinh như người Nhật, đồng thời chịu chi phí đi lại và học phí học tiếng Nhật sau khi nhập cảnh. Có thể các chi phí ban đầu bỏ ra cao hơn so với thuê người Nhật, nhưng tình hình hiện nay, các công ty này không còn cách nào khác là phải nhờ đến thực tập sinh do khan hiếm lao động.
Ông Igawa Takahiro, Giám đốc điều hành của công ty may ISJ Enterprises, cho biết: “So với sinh viên mới tốt nghiệp Nhật Bản, gánh nặng chi phí đối với người nước ngoài là rất lớn, và nếu họ được chuyển việc ngay lập tức, chúng tôi sẽ không thu hồi được chi phí đã bỏ ra. Tương tự, việc bảo vệ nhân quyền của người nước ngoài là điều đương nhiên, nhưng tôi muốn các cuộc thảo luận trong tương lai sẽ được tiến hành dựa trên tình hình thực tế của các doanh nghiệp nhỏ địa phương.”
Giấc mơ thực tập sinh – có đáng để lựa chọn?
Tổ chức hỗ trợ thực tập sinh kỹ năng
Ngoài các vấn đề như thời gian làm việc dài và không được trả lương, các khiếu nại về vi phạm nhân quyền như bạo lực tại nơi làm việc liên tục xuất hiện. Từ năm 2020, Hiệp hội hỗ trợ Tomoiki Nhật-Việt tại Nakano, Tokyo đã bảo vệ và hỗ trợ các thực tập sinh đến từ Việt Nam. Một trong số đó là người đàn ông ở độ tuổi 20 mà họ đã hỗ trợ từ tháng 12 năm ngoái làm việc tại một công ty xây dựng ở vùng Kansai, mỗi lần anh ta mắc lỗi đều bị người Nhật đánh đập tại chỗ làm, thậm chí khi anh ta đề nghị chuyển sang công việc thực tập khác, anh ta cũng bị từ chối. Người đàn ông nói: “Tôi đã rất bất lực khi được thông báo rằng tôi không thể chuyển việc. Nhật Bản là một đất nước rất phát triển, nhưng nó cũng có mặt tiêu cực. Người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản có nhiều việc không hài lòng và cảm thấy rằng họ bị đối xử bất công.”
Đã có hơn 300 cuộc tư vấn được tiến hành kể từ khi tổ chức hỗ trợ này được thành lập. Lý do tại sao những rắc rối trong tổ chức không có hồi kết là về nguyên tắc, việc thay đổi nơi đào tạo, được gọi là “chuyển việc”, không được phép với lý do tiếp thu kỹ năng. Ngoài ra, sự hỗ trợ của nghiệp đoàn hay còn gọi là “tổ chức giám sát” hoạt động của các công ty nhận thực tập sinh và giải quyết những vấn đề rắc rối có thể không đủ.
Ông Yoshimizu Jiho, đại diện của tổ chức, cho biết: “Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng nhằm mục đích chuyển giao kỹ năng, nhưng trên thực tế nó được chấp nhận như một cách để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động. Vi phạm nhân quyền, quấy rối, và ép buộc, tất cả những điều này đã và đang diễn ra. Điều quan trọng là phải có một hệ thống giúp các thực tập sinh tìm việc làm mới một cách suôn sẻ để họ không bị bắt buộc phải trở về nước.” Ngoài ra, về dự thảo được công bố lần này, ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng, bằng cách chấp nhận các thực tập sinh như những người lao động bình thường, chúng ta có thể đánh giá tầm quantrọng của họ. Tuy nhiên, liệu điều này có thể được nhìn nhận đúng cách hay không. Ở một khía cạnh khác, tôi hi vọng có nhiều ý kiến ủng hộ việc chuyển sang hệ thống mới hơn, từ đó mở ra con đường mới cho những thực tập sinh hiện tại”.
Ông Menju Toshihiro, giám đốc điều hành của Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, chuyên về các vấn đề lao động cho người nước ngoài, đã nhận xét về cơ sở của báo cáo tạm thời, nói rằng: “Chúng tôi sẽ bãi bỏ hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ thuật vốn đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, và bắt đầu lại từ đầu. Quyết định tạo ra một hệ thống mới là vô cùng quan trọng và nó sẽ gửi một thông điệp tươi sáng đến thế giới rằng Nhật Bản đang thực sự thay đổi.” Mặt khác, ông nói, “Vấn đề là loại hệ thống mới nào có thể được tạo ra tiếp theo. Nếu vẫn giữ nguyên hệ thống cũ và cải cách thì điều đó có nghĩa là Nhật Bản sẽ không thay đổi. Hệ thống mới sẽ liên quan đến rất nhiều bên khác, vì vậy điều quan trọng là cần phải có một hướng đi mới. Rất khó để tìm ra nó, nhưng thách thức là liệu nó có trở thành một hệ thống dẫn đến tương lai hay không.”
Mặc dù tình trạng thiếu lao động đã trở nên rõ ràng trên toàn thế giới sau sau đại dịch COVID – 19, nhưng thực tế là Nhật Bản hiện nay không phải là một quốc gia hấp dẫn đối với người nước ngoài do tác động của đồng yên yếu. Chúng ta nên thoát khỏi nhận thức thông thường rằng lao động nước ngoài là lao động giá rẻ. Từ đó, tạo ra một hệ thống mới nơi người nước ngoài có thể yên tâm đóng vai trò lao động tích cực ở Nhật Bản.”
Hi vọng bài viết mang lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn muốn biết thêm các thông tin khác, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee chuẩn bị các bài viết trả lời cho vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Thông tin Đường dây Tư vấn khẩn cấp dành cho thực tập sinh tại Nhật
Nguồn: NHK
Tổng hợp: LocoBee