Giấc mơ thực tập sinh – có đáng để lựa chọn?

Tại thành phố thuộc tỉnh Hyogo, miền Tây Nhật Bản có một nơi “trú ẩn” cho những người lao động nước ngoài đã bỏ trốn khỏi điều kiện làm việc tồi tệ và không còn nơi nào khác để đi. Tờ Mainichi Shimbun đã điều tra những điều kiện khắc nghiệt mà người lao động đã và đang phải đối mặt.

 

Đau đầu và chóng mặt nhưng không thể đi khám bệnh

Một phụ nữ Indonesia 30 tuổi tại nơi tạm trú do Trung tâm Giao lưu Nhật – Việt Hyogo điều hành ở phường Nagata, Kobe giải thích về công việc khó khăn mà cô ấy đã phải làm. Nhiệm vụ của cô là buộc 10 chiếc lá shiso (gần giống lá tía tô) có cùng kích thước bằng dây chun rồi cho vào túi nhựa, tiền lương là 40 yên/túi. Khi đã quen với công việc, cô có thể đóng gói 10 túi – mỗi túi gồm 10 bó – trong 1 giờ nhưng tính ra tiền lương chỉ 400 yên (khoảng 70 nghìn đồng) mỗi giờ.

Người phụ nữ này có tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định – Tokuteigino” và cô ấy đã ký hợp đồng với một người trồng shiso ở quận Aichi, miền Trung Nhật Bản. Thời gian làm việc quy định là từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều các ngày trong tuần với mức lương là 960 yên/giờ. Công việc của cô bắt đầu từ tháng 4. Điều khoản của hợp đồng không được tuân thủ, sau khi làm xong công việc ở ngoài đồng, một giỏ lá shiso lớn được mang tới phòng của cô để cô cho lá vào túi.

thực tập sinh ở Nhật Bản
Ảnh The Mainichi – Thực tập sinh người Indonesia

Mới đầu chưa quen cô làm rất mất nhiều thời gian, người nông dân người Nhật đã hét vào mặt cô: “không được, phải làm nhanh hơn”. Cô không thích mùi lá này và bắt đầu cảm thấy chán ăn, đau đầu và chóng mặt. Cô yêu cầu người chủ cho mình đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện nhưng được nói rằng “Chúng tôi không có thời gian cho việc đó”. Sau khi làm việc được 3 tuần, cô chỉ nhận lại khoảng 40.000 yên (khoảng 7 triệu đồng) sau khi trừ tiền thuê nhà và các chi phí khác.

Ông Yoshihisa Saito, phó giáo sư trường đại học Kobe đã chỉ ra rằng mức lương của người nữ thực tập sinh này không phù hợp với những gì được quy định trong hợp đồng của cô. Ngoài ra, cô ấy bị buộc phải làm công việc không được liệt kê trong hợp đồng của mình, điều này đã vi phạm Đạo luật tiêu chuẩn lao động .

Người phụ nữ không thể chịu đựng được công việc đóng gói lá shiso đã báo nghỉ việc nhưng người môi giới ở Indonesia đòi cô bồi thường 300.000 yên (khoảng 54 triệu đồng) và đe dọa cô rằng, “Nếu cô từ chối trả tiền, chúng tôi sẽ báo cảnh sát”.

Sau đó, cô biết về nơi trú ẩn ở Kobe, Hyogo này từ một người quen cũng là người Indonesia. Khi được nghỉ một ngày, cô trốn khỏi chỗ ở của mình và lên xe buýt đến Kobe.

Nơi trú ẩn bắt đầu hoạt động vào năm 2019, là một ngôi nhà 3 tầng nơi các thực tập sinh kỹ thuật – những người bị buộc phải rời khỏi nơi làm việc để đến đây. Người phụ nữ chạy trốn khỏi nông trại ở tỉnh Aichi sống trên tầng 2. Ngoài ra còn có 1 nữ giới người Việt Nam sống trên tầng 2 và 4 nam giới từ Việt Nam ở tầng 3. Về nguyên tắc, tiền thuê nhà là miễn phí nhưng nếu người đó đang đi làm, họ phải trả cho tổ chức phi lợi nhuận 5.000 yên mỗi tháng. Cho đến nay, 13 người đã chuyển đến và 7 người rời đi (về nước hoặc được giới thiệu công việc khác).

 

Lời nói dối trắng trợn của người môi giới

Từ tháng 9 năm 2021, một nam giới Việt Nam 32 tuổi sống tại trung tâm đã bắt đầu làm việc tại công ty xây dựng ở tỉnh Toyama. Anh ấy đã vay số tiền tương đương khoảng 1 triệu yên (khoảng 180 triệu đồng) từ ngân hàng ở quê nhà và đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh từ tháng 7 năm 2018. Mức lương sau khi trừ đi thuế, bảo hiểm của anh từ công ty xây dựng là 84.000 yên/tháng (khoảng 15 triệu đồng).

Anh chia sẻ “Người môi giới nói với tôi rằng nếu tôi làm việc ở Nhật Bản, tôi có thể trả hết nợ rất nhanh, nhưng đó là một lời nói dối trắng trợn”.

thực tập sinh ở Nhật Bản
Ảnh The Mainichi – Thực tập sinh người Việt Nam

Thực tập sinh không được phép thay đổi công việc trừ khi có vấn đề với công ty tiếp nhận họ, chẳng hạn như hành vi bất hợp pháp. Nam thực tập sinh này để lại cậu con trai 7 tuổi ở quê để sang Nhật Bản làm việc nhằm trang trải chi phí học tập cho con trai. Sau khoảng một năm, anh rời công ty xây dựng mà anh đã từng làm việc và chuyển đến nhà máy sản xuất giày ở Kobe qua một người họ hàng giới thiệu. Thông qua công việc bất hợp pháp này, thu nhập của anh tăng lên khoảng 150.000 yên/tháng (khoảng 27 triệu đồng).

Nhưng điều này không được lâu. Do virus corona, số ngày làm việc của anh bị giảm và tư cách cư trú hết hạn. Không biết phải làm gì, anh hỏi ý kiến ​​một người quen và đến đây. Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ từ tổ chức phi lợi nhuận, anh đã có được tư cách cư trú hợp pháp và đang làm việc qua ngày. Anh đã trả hết khoản vay của mình nhưng anh nói “Tất cả những gì tôi đã làm đều phải dùng để trả nợ. Giờ tôi không còn gì cả”. Anh đang chuẩn bị về nước với vợ và con trai.

Chi tiết vụ việc: 

Thực tập sinh người Việt bị bạo hành tại Nhật

Thực tập sinh Việt Nam bị bạo hành ở Okayama đạt được thoả thuận với phía công ty

Nhiều thực tập sinh mất tích

Nhật Bản bắt đầu nhận thực tập sinh từ các nước đang phát triển vào năm 1993 dưới cái tên chuyển giao công nghệ. Trong hầu hết các trường hợp, họ được phép ở lại đến 3 năm. Năm 2019, số lượng thực tập sinh đạt đỉnh cao nhất là 410.972 người. Tuy nhiên, con số này sau đó đã giảm do đại dịch corona, dừng ở mức 276.123 vào năm 2021. Vào mùa xuân năm nay, các hạn chế đầu vào đã được nới lỏng và thực tập sinh có thể được tiếp nhận trở lại. Từ ngày 1 tháng 6, các hạn chế về biên giới đã được nới lỏng hơn nữa và dự kiến ​​lượng người tới Nhật sẽ tăng theo.

nhập cảnh

Bản sửa đổi năm 2019 đối với Đạo luật Kiểm soát Nhập cư và Công nhận Người tị nạn đã bổ sung tình trạng cư trú mới “kỹ năng đặc định – tokuteigino” cho người lao động nước ngoài bao gồm 14 lĩnh vực công nghiệp bao gồm ngành nông nghiệp và nhà hàng, vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Với điều kiện người lao động phải vượt qua kỳ kiểm tra kỹ năng và tiếng Nhật hoặc hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ thuật nhất định. Về nguyên tắc, họ được phép ở lại Nhật Bản tối đa 5 năm sau khi đạt yêu cầu.

Theo Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3 năm nay, 64.730 người đang cư trú tại Nhật Bản theo diện “kỹ năng đặc định”. Trong số này, 40.696 là người Việt Nam, đại diện cho nhóm lớn nhất theo quốc tịch. Tổng cộng 79% trong số họ là cựu thực tập sinh đang làm việc thay cho thực tập sinh mới không thể đến Nhật Bản do corona tạo nên sự thiếu hụt lao động.

Theo Bộ Tư pháp, số lượng thực tập sinh mất tích được cơ quan giám sát của họ và các bên khác thông báo vào năm 2021 là 7.167, tăng hơn tổng số 1.282 so với năm 2020. Người ta cho rằng nhiều trường hợp công nhân mất tích do bạo hành tại nơi làm việc, không được trả lương và các vấn đề về môi trường làm việc, hoặc vì họ không kiếm được nhiều tiền như mong đợi để trả nợ.

thực tập sinh Nhật Bản

Ông Toshiaki Torimoto, 74 tuổi, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Nhật – Việt Hyogo chỉ ra rằng “Khi những người gặp hoàn cảnh khó khăn, họ buộc phải rời khỏi nơi làm việc. Họ bị coi là “những kẻ bỏ trốn” và sẽ khó nhận được sự hỗ trợ về mặt hành chính”.  Theo ông có những trường hợp thực tập sinh không còn nơi nào để dừng chân và để trả nợ nên họ đã đi vào con đường tội phạm như trộm cắp. Ông nói thêm “Để ngăn chặn tội phạm, họ cần một nơi để dựa vào.”

Biện pháp cần thực hiện khi bị lừa đảo tại Nhật

Thông tin Đường dây Tư vấn khẩn cấp dành cho thực tập sinh tại Nhật

Theo The Mainichi 

bình luận

ページトップに戻る