Tại Tokyo, sau khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế đi lại cá nhân để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, số lượng du khách đến Nhật Bản đã bắt đầu tăng lên khoảng 500.000 người vào tháng 10, gấp khoảng 2,4 lần so với con số của tháng 9. Trong khi đó, đồng Yên đã giảm xuống mức thấp lịch sử và chính phủ hy vọng điều này sẽ thúc đẩy chi tiêu hàng năm của du khách lên 5 nghìn tỷ Yên (khoảng 36,5 tỷ USD) trong thời gian ngắn. Nhưng chính xác thì du khách nước ngoài mua thường mua gì ở Nhật Bản trong thời kỳ đồng Yên suy yếu này? Hãy cùng LocoBee tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
Tác động việc đồng Yên yếu đến chi tiêu mua sắm của khách du lịch
Dưới đây là một số sản phẩm được khách du lịch săn lùng rất nhiều trong thời kỳ đồng Yên yếu như hiện nay
Máy chơi game/đĩa game cũ ở Akihabara
Vào một ngày mưa giữa tháng 11 tại khu vực bán đồ điện tử Akihabara, Tokyo, trong khi các cửa hàng khác có ít người qua lại thì một cửa hàng đồ cũ chật kín khách nước ngoài. Trong số đó có Nordtun Steinar, 29 tuổi, một giáo viên trung học đến từ Na Uy. “Bạn bè của tôi muốn tôi mua cho họ những thứ liên quan đến anime và Super Famicom (Super Nintendo)”, anh nói. Ba lô lớn của anh ấy trống rỗng và sẵn sàng để lấp đầy những thứ cần mua. “Tôi nghĩ rằng tôi đã nhìn thấy một chiếc Super Famicom cũ cách đây 5 năm ở Akihabara. Tôi hy vọng họ vẫn còn giữ nó,” anh nói thêm trong khi xem qua các sản phẩm của cửa hàng. Anh ấy rất vui khi bắt gặp những trò chơi điện tử đã qua sử dụng có giá từ 5.000 Yên đến 6.000 Yên (khoảng $37-$44) mỗi chiếc và bỏ chúng vào giỏ hàng của mình. Trong số những đĩa game anh ấy đã mua có “Kirby’s Dream Land” và “Street Fighter”. Anh ấy cũng chọn một trò chơi “Mega Man” với giá 1.188 Yên (khoảng 8,70 đô la). “Ở Na Uy, cái này sẽ có giá khoảng 20.000 Yên!” anh ấy nói. Thêm một món đồ chơi nhồi bông cho mẹ anh, một người hâm mộ trò chơi “Animal Crossings New Horizons”, tổng giá cho những đồ mà anh ấy chọn lên tới 17.000 Yên (khoảng 124 USD). “Bây giờ tôi đã mua đủ quà Giáng sinh cho tất cả mọi người”, anh ấy vui vẻ nói.
Những con dao Nhật quanh Asakusa
Tại một cửa hàng ở khu đồ dùng nhà bếp Kappabashi gần Asakusa, du khách Mỹ cũng đang mua sắm rất đông. Cô Bonnye Price, 44 tuổi, đã mua một con dao trị giá 30.000 Yên (khoảng 241 USD) ngay tại cửa hàng dao Tsubaya ở đó. “Nó được làm thủ công. Khi bạn nghĩ về chất lượng của nó, tôi nghĩ đó là một món hời lớn,” cô nói và nói thêm, “Chồng tôi thích nấu ăn. Đây sẽ là một món quà vô cùng ý nghĩa cho anh ấy”. Ông chủ 47 tuổi của Price đứng cạnh cô đã chọn 4 món đồ trong đó có dao đầu bếp mà không cần nhìn giá và trả 60.000 Yên cho chúng. Đặc biệt, cửa hàng có nhân viên người Nhật có thể nói thông thạo Tiếng Anh. Anh Jack Tang, 31 tuổi, làm việc tại một cửa hàng dao ở địa phương khác tên là Washindou, anh có thể nói thông thạo tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Nhật. Khoảng 70% khách hàng của cửa hàng là người nước ngoài, do đó thật khó để thuê một người chỉ nói tiếng Nhật.
Trước đại dịch năm 2019, số lượng du khách đến Nhật Bản đạt gần 32 triệu lượt và mức tiêu thụ nội địa đạt 4,8 nghìn tỷ Yên. Nhưng tất cả đã thay đổi khi đại dịch ập đến. Khoảng 500.000 du khách đã đến Nhật Bản vào tháng 10, chỉ bằng 1/5 trong số khoảng 2,5 triệu du khách đã đến vào tháng đó vào năm 2019. Vào cuối tháng 10, chính phủ Nhật Bản đã công bố gói chính sách nhằm khôi phục hoạt động du lịch nội địa trên quy mô lớn, hy vọng sẽ đạt mức tiêu thụ 5 nghìn tỷ Yên mỗi năm từ du khách nước ngoài.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nói gì về việc đồng yên xuống thấp kỉ lục?
Đồng Yên mất giá làm cho Nhật Bản trở thành một nền kinh tế yếu hơn
Trong khi giá cả tại Nhật Bản tăng trong năm nay, một phần do chi phí nguyên vật liệu thô tăng vọt sau khi Nga xâm lược Ukraine, Nhật Bản đã phải chịu đựng một thời gian dài giảm phát. Theo phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình thực tế ở Nhật Bản hầu như không thay đổi trong 30 năm qua, nhưng giá cả trong nước cũng không tăng nhiều trong khoảng thời gian đó, vì vậy mọi người thường không cảm thấy họ đã trở nên nghèo khó. Tuy nhiên, đồng Yên yếu đã làm tăng chi phí nhập khẩu, đẩy giá điện, thực phẩm và các mặt hàng khác lên cao, gây áp lực lên các tài khoản hộ gia đình. Khi nhìn vào mức độ chi tiêu của du khách nước ngoài, rõ ràng là sức mua của những người sống ở Nhật Bản đã bị thu hẹp.
Vào đầu năm nay, đồng Yên nằm trong khoảng 115 Yên đổi một đô la, nhưng đến tháng 10, nó đã suy yếu xuống mức 150 Yên, mức thấp nhất trong 32 năm. Nó đã bắt đầu mạnh trở lại kể từ tháng 11, phục hồi về phạm vi 136 Yên kể từ ngày 7/12, nhưng thực tế là đồng Yên vẫn dao động quanh mức thấp lịch sử.
Đánh giá từ chuyên gia
Nhà phân tích kinh tế Keiichi Kaya chỉ ra rằng sự mất giá của đồng Yên đã khiến giá trị tương đối của nó so với đồng đô la Mỹ giảm 2/3 chỉ trong khoảng nửa năm. Từ quan điểm của Hoa Kỳ và các quốc gia khác, giá tiêu dùng, bất động sản và tiền lương của Nhật Bản đã giảm xuống còn 2/3 so với mức ban đầu.
Kaya nói thêm: “Mặc dù đồng Yên yếu làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và hóa đơn năng lượng, nhưng có những lợi ích to lớn đối với xuất khẩu và du lịch trong nước. Tuy nhiên, khi xem xét sự cân bằng tổng thể của Nhật Bản, vẫn còn các ý kiến tranh cãi về việc liệu tác động tích cực có cao hơn tiêu cực hay không”. Ông cho rằng lý do là “Nếu đồng Yên tiếp tục mất giá, nhiều lao động nước ngoài sẽ rời Nhật Bản do lương thấp và tình trạng thiếu hụt nhân sự có thể trở nên trầm trọng hơn.” Ông nói thêm, “Nói chung, một đồng tiền yếu không phải là một điều tốt, vì điều đó có nghĩa là sức mạnh kinh tế và sức mạnh tín dụng của quốc gia đó đã giảm”. Những lý do chính khiến đồng Yên mất giá bắt nguồn từ sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ khiến việc mua đồng Đô la với lãi suất cao trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ông Kaya chỉ ra rằng mức thấp lịch sử của đồng Yên là kết quả của việc bản thân Nhật Bản trở nên yếu kém về kinh tế – một dấu hiệu của các vấn đề cơ cấu như khả năng cạnh tranh xuất khẩu và sức mạnh quốc gia của Nhật Bản đang suy giảm. “Mọi người có xu hướng tập trung vào tác động của du lịch trong nước ngay trước mắt, nhưng từ quan điểm trung và dài hạn, sẽ tốt hơn nếu ngăn chặn sự suy yếu của đồng Yên. Để có được chỗ đứng, chúng ta nên đặt mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh của các công ty và chuyển sang cơ cấu kinh tế cho phép trả lương cao trong nước.”
Kế hoạch chống lại sự mất giá của đồng yên của Nhật
Nguồn: The mainichi
Biên tập: LocoBee
bình luận