Theo ước tính của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thì đến năm 2025, Nhật Bản có khoảng 7 triệu người mắc bệnh sa sút trí tuệ từ 65 tuổi trở lên. Trong đó, bệnh Alzheimer chiếm 60% đến 70% các trường hợp này và hiện vẫn chưa có cách chữa trị cơ bản.
Nội dung bài viết
- Già hoá dân số và Alzheimer
- Thuốc điều trị Alzheimer hiện nay
- Tại sao LEQEMBI™ có thể ngăn chặn sự suy giảm chức năng nhận thức?
- Nguy cơ phù não và chảy máu
- Khi nào LEQEMBI™ sẽ đến được với bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer ở Nhật Bản?
- Yêu cầu công nghệ chẩn đoán
- Có thể đánh giá khả năng bị bệnh chỉ bằng cuộc trò chuyện hàng ngày?
- Điều trị chứng sa sút trí tuệ sẽ bước vào một kỷ nguyên mới?
Già hoá dân số và Alzheimer
Khi số lượng bệnh nhân tăng lên do vấn đề già hóa dân số, các bác sĩ đã khám cho bệnh nhân lâu năm cảm thấy rằng việc giảm tương tác giữa mọi người do đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh mất trí nhớ. Các loại thuốc hiện tại không đủ để mang lại hiệu quả điều trị nên bệnh nhân được khuyến khích tích cực tập thể dục và tương tác với những người khác.
Bệnh Alzheimer chiếm hơn một nửa số trường hợp sa sút trí nhớ. Kể từ khi bác sĩ người Đức Alois Alzheimer lần đầu tiên mô tả căn bệnh này hơn 100 năm trước, nghiên cứu về nguyên nhân và phương pháp điều trị đã được tiến hành trên khắp thế giới. Tuy nhiên, cơ chế điều trị chi tiết vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn.
Thuốc điều trị Alzheimer hiện nay
Hiện tại, có 4 loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer được phê duyệt tại Nhật Bản. Bằng cách tăng cường chức năng của các tế bào thần kinh còn lại, tiến trình của các triệu chứng được trì hoãn trong vài năm nhưng không thể ngăn chặn sự phá hủy các tế bào thần kinh trong não. Vì lý do này, các viện nghiên cứu và công ty dược phẩm trên khắp thế giới đã nghiên cứu để phát triển các loại thuốc điều trị cơ bản có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Một trong những mục tiêu của nó là loại protein bất thường “amyloid β” tích tụ trong não. Amyloid β được biết là chất tích tụ trong não của bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Người ta tin rằng chất này làm hỏng các tế bào thần kinh trong não dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức. Các tế bào thần kinh đã bị tổn thương không thể phục hồi. Tuy nhiên, nếu có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh trước khi suy giảm nhận thức dẫn đến mất khả năng hoạt động, thì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân có thể được cải thiện rất nhiều. Dự kiến thuốc sẽ giúp kéo dài thời gian trước khi cần chăm sóc điều dưỡng và dành nhiều thời gian hơn cho các thành viên trong gia đình, đồng thời sẽ là một bước tiến lớn về cả phương pháp điều trị chứng mất trí nhớ và có ý nghĩa lớn với xã hội.
Gần đây, công ty dược phẩm Eisai của Nhật Bản cùng một số công ty khác đã phát triển một loại thuốc mới có tên LEQEMBI™ (レカネマブ) và đã được phê duyệt tại Hoa Kỳ vào tháng 6/2022. Người ta hy vọng rằng nó sẽ sớm được sử dụng cho bệnh nhân Alzheimer tại Nhật Bản. Sự ra đời của loại thuốc này có thể là bước đột phá giúp thay đổi cách điều trị chứng mất trí nhớ. Thuốc LEQEMBI™ cũng là một loại thuốc kháng thể được điều chế để loại bỏ “amyloid β”. Đó là cơ chế liên kết một kháng thể được tổng hợp nhân tạo với “amyloid β” để các tế bào miễn dịch có thể phân hủy nó. Tháng 11 năm 2022, kết quả của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối được trình bày tại hội nghị quốc tế về chứng sa sút trí nhớ cho thấy khoảng 27% bệnh nhân dùng thuốc LEQEMBI™ đã cải thiện sức khỏe sau 1,5 năm so với những người dùng các loại thuốc khác, điều này cho thấy tác dụng làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng. Cho đến nay, các loại thuốc loại bỏ “amyloid β” cũng đã được phát triển nhưng không thể chứng minh đủ dữ liệu để ngăn chặn sự suy giảm chức năng nhận thức. Vì lý do này, kết quả thử nghiệm lâm sàng của LEQEMBI™ cho thấy hiệu quả rõ ràng đã khiến các chuyên gia ngạc nhiên.
Ngày 6/1/2023, LEQEMBI™ đã được FDA – Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ – chấp thuận là thuốc điều trị cho bệnh nhân Alzheimer. Lý do được phê duyệt là nó có tác dụng làm giảm protein bất thường “amyloid β” trong não của bệnh nhân. Việc phê duyệt này được thực hiện theo cơ chế “phê duyệt tăng tốc” nhằm cung cấp phương pháp điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sớm hơn và được đánh giá dựa trên kết quả của các thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn trung gian. FDA có kế hoạch tiến hành các phân tích bổ sung về kết quả của các thử nghiệm giai đoạn cuối để đánh giá lại hiệu quả của nó.
Tại sao LEQEMBI™ có thể ngăn chặn sự suy giảm chức năng nhận thức?
Giáo sư Ono Kenjiro của Đại học Kanazawa (Khoa Thần kinh học) tin rằng bí mật nằm ở việc nhắm mục tiêu vào một giai đoạn cụ thể của “amyloid β”. Trong nỗ lực tìm ra nguyên nhân của bệnh Alzheimer, ông đã quan sát “amyloid β” trong nhiều năm bằng một thiết bị đặc biệt gọi là kính hiển vi lực nguyên tử tốc độ cao. “Amyloid β” tích tụ trong não dưới dạng các khối xơ khi các hạt riêng lẻ dần dần tập hợp lại trong khoảng thời gian hơn 10 năm.
Trên thực tế, nhiều loại thuốc đã được phát triển cho đến nay được thiết kế để loại bỏ các khối xơ “amyloid β”. Tuy nhiên, LEQEMBI™ được thiết kế để phá hủy liên kết ở giai đoạn gọi là “protofibril” trước khi nó trở thành xơ. Giáo sư Ono từ lâu đã nghi ngờ rằng giai đoạn gọi là protofibrils¥ có ảnh hưởng xấu đến các tế bào thần kinh trong não. Vì vậy, ông đã quay phim xem LEQEMBI™ hoạt động như thế nào trên các protofibrils. Lần này, video đã ghi lại cách LEQEMBI™ liên kết với “amyloid β” trước khi nó trở thành một khối xơ. LEQEMBI™ bao quanh “amyloid β” và ngăn nó trở thành xơ. Sau đó, sử dụng LEQEMBI™ bị ràng buộc làm dấu hiệu khiến các tế bào miễn dịch loại bỏ “amyloid β”.
Giáo sư Ono Kenjiro nhận định rằng kết quả của nghiên cứu này về LEQEMBI™ có thể ảnh hưởng đáng kể thay đổi tương lai của các phương pháp điều trị chứng sa sút trí nhớ.
Nguy cơ phù não và chảy máu
Mặc dù kỳ vọng cao đối với LEQEMBI™ nhưng các thử nghiệm lâm sàng cho đến nay cũng đã chỉ ra rằng nguy cơ sưng não và chảy máu tăng lên. Có 2 trong số những bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc sau khi thử nghiệm kết thúc được thông báo là đã chết vì xuất huyết não. Về điều này, công ty Eisai đã giải thích vào tháng 11 năm ngoái rằng nguyên nhân tử vong không phải do LEQEMBI™ vì ngay từ ban đầu cả 2 bệnh nhân đã có những biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, không có sự khác biệt về tỷ lệ người tử vong trong thời gian thử nghiệm lâm sàng có hoặc không dùng thuốc. Trong tương lai, cần phải xác minh cẩn thận đối tượng bệnh nhân nào có nguy cơ gia tăng khi dùng thuốc.
Đại học Keio thành công tạo ra “bộ não thu nhỏ” tái tạo trạng thái mất trí nhớ
Khi nào LEQEMBI™ sẽ đến được với bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer ở Nhật Bản?
Sau khi nhận được sự chấp thuận ở Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành của Eisai, đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 7 tháng 1 và nói rằng ông muốn nộp đơn xin chấp thuận ở Nhật Bản càng sớm càng tốt và cho biết ý định nhắm đến việc phê duyệt trong năm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi được phê duyệt, loại thuốc này không có sẵn cho tất cả bệnh nhân. Mục tiêu được giới hạn ở những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu, những người có các triệu chứng tương đối nhẹ và những người đã được xác nhận là đã tích lũy “amyloid β” trong não.
Có nhiều bệnh khác ngoài bệnh Alzheimer gây ra chứng mất trí nhớ và không dễ để tìm ra nguyên nhân chính xác đó là bệnh Alzheimer hay bệnh gì khác, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Chìa khóa để sử dụng thuốc này hiệu quả là phải phát hiện bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer sớm. Để chẩn đoán bệnh Alzheimer người ta dùng một thiết bị gọi là PET có thể chụp ảnh các mô bên trong cơ thể để hình dung lượng “amyloid β” đã tích tụ trong não như thế nào. Tuy nhiên, thiết bị PET lớn và đắt tiền nên chi phí khám cao, các cơ sở y tế lắp đặt thiết bị này tập trung ở khu vực thành thị. Hơn nữa, không dễ để đảm bảo các cơ sở chuyên môn và kỹ thuật viên vì một loại thuốc đặc biệt phát ra bức xạ yếu được sử dụng trong quá trình chụp ảnh. Mặt khác, các xét nghiệm sử dụng dịch não tủy đôi khi cũng được sử dụng nhưng do mẫu được lấy bằng cách đâm kim vào thắt lưng nên áp lực cho cơ thể bệnh nhân rất nặng và đó là một vấn đề khó khăn để tìm ra bệnh nhân mục tiêu của loại thuốc này. Các chuyên gia nói rằng cần phải chuẩn bị một hệ thống chẩn đoán để phù hợp với các biện pháp điều trị mới.
Yêu cầu công nghệ chẩn đoán
Hiện nay, điều được mong đợi là sự xuất hiện của công nghệ chẩn đoán đơn giản hơn và ít gánh nặng hơn cho bệnh nhân. Tập đoàn Shimadzu, nhà sản xuất thiết bị phân tích lớn ở Kyoto, đang nghiên cứu phát triển một thiết bị có thể chẩn đoán bệnh Alzheimer dễ dàng hơn bằng cách áp dụng nghiên cứu của Tanaka Koichi, người đã đoạt giải Nobel Hóa học.
Bằng cách tách các protein cần thiết để phân tích ra khỏi máu và so sánh trọng lượng của chúng, chúng ta có thể ước tính lượng “amyloid β” đã tích tụ trong não. Họ đã xác minh một cách khoa học rằng độ chính xác của bài kiểm tra là gần 90%, gần bằng hiệu suất của PET và đã công bố kết quả này trên một tạp chí học thuật toàn cầu. Hơn nữa, từ tháng 1, họ sẽ bắt đầu nghiên cứu ở tỉnh Oita với sự cộng tác của các trường đại học và hiệp hội y tế địa phương để xem liệu thiết bị này có thể được sử dụng để chẩn đoán sớm cho bệnh nhân thực tế hay không.
Có thể đánh giá khả năng bị bệnh chỉ bằng cuộc trò chuyện hàng ngày?
Một số nghiên cứu cũng đang được tiến hành để sử dụng AI chẩn đoán bệnh sớm. Một công ty ở Tokyo phát triển trí tuệ nhân tạo đang tiến hành nghiên cứu để phát hiện các dấu hiệu của chứng mất trí từ các cuộc trò chuyện hàng ngày. AI phân tích các cuộc hội thoại hàng ngày kéo dài khoảng 5 đến 10 phút và phát hiện các đặc điểm của bệnh nhân sa sút trí nhớ, đồng thời xác định các triệu chứng đã tiến triển đến đâu để xác định rủi ro. Họ cũng đã xuất bản một bài báo tóm tắt kết quả xác minh rằng độ chính xác của việc dự đoán chứng sa sút trí nhớ từ một cuộc trò chuyện khoảng 5 phút là 90%. Hy vọng rằng công nghệ này sẽ được sử dụng như một công cụ hỗ trợ bổ sung trong các cuộc phỏng vấn với các bác sĩ và phát hiện bệnh trong những trường hợp rủi ro cao, giúp các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh tốt hơn.
Điều trị chứng sa sút trí tuệ sẽ bước vào một kỷ nguyên mới?
Liên quan đến thuốc điều trị bệnh Alzheimer, các công ty dược phẩm lớn ở nước ngoài cũng đang sử dụng các thuốc liên quan đến “amyloid β”. Đồng thời, một số công ty đang bắt đầu phát triển thiết bị và công nghệ giúp chẩn đoán sớm. Eisai đã đặt giá trung bình của LEQEMBI™ ở Mỹ là 26.500 USD/người/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu yên (nếu thuốc được sử dụng 2 tuần/lần trong 1 năm). Mặc dù giá của LEQEMBI™ vẫn chưa được công bố tại Nhật Bản nhưng nếu nó được thông qua để bán ra thị trường thì giá được cho là sẽ hơi đắt. Cũng có những lo ngại rằng nếu bảo hiểm y tế công chi trả cho khoản này sẽ gây áp lực tài chính cho các cơ quan bảo hiểm. Hơn nữa, cần phải thảo luận sâu hơn không chỉ từ quan điểm của bệnh nhân và gia đình họ, mà còn từ quan điểm kinh tế, y tế, về việc liệu hiệu quả của việc trì hoãn sự suy giảm chức năng nhận thức được thể hiện trong các thử nghiệm lâm sàng có đáng giá hay không. LEQEMBI™ là “thuốc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer” chứ không phải là thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh Alzheimer và phục hồi các tế bào thần kinh. Do đó cần tránh kỳ vọng quá mức nhưng nên tin rằng nó có khả năng thay đổi lớn cách xã hội đối mặt với bệnh Alzheimer cùng với công nghệ phát hiện bệnh nhân ở giai đoạn sớm.
Dịch vụ quản lí tài sản – biện pháp cho bệnh mất trí nhớ
Nguồn: www.eisai.co.jp
Biên tập: LocoBee