Việc phải nhập viện là điều không mong muốn khi ở Nhật trừ những trường hợp như phẫu thuật thẩm mỹ, sinh nở… Khi nhập viện do bệnh tật, ốm đau, hay bị thương… có lẽ nhiều người lo lắng không biết chi phí nhập viện cơ bản ở Nhật là bao nhiêu.
Tại bài viết này, LocoBee sẽ giới thiệu tới bạn để phòng khi cần thiết, bạn có thể cảm thấy an tâm hơn nhiều khi sẽ hoặc đang sống ở Nhật nhé.
Nội dung bài viết
Chi phí sinh hoạt cơ bản ở Nhật gồm những gì?
Chi phí nhập viện cơ bản ở Nhật gồm những gì?
Một số chi phí nhập viện cơ bản ở Nhật như sau:
- Chi phí điều trị
- Phí nằm viện cơ bản
- Chi phí ăn uống
- Phí giường chênh lệch
- Chi phí trị liệu y tế nâng cao
- Chi phí đi lại
- Chi phí dành cho đồ tiêu hao
Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn từng mục.
Chi phí điều trị
Tên tiếng Nhật: 治療費 (Chiryohi)
Chi phí điều trị bệnh tật hoặc thương tích. Ngoài các chi phí xét nghiệm, thuốc, tiêm, truyền, chi phí điều trị còn bao gồm phí phẫu thuật và phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
Theo quy định chung, bảo hiểm y tế công ở Nhật sẽ chi trả nên bạn sẽ phải trả 30%. Tuy nhiên, trong trường hợp khám chữa bệnh tự ý như những điều trị hoặc sử dụng thuốc không được chấp thuận của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, bảo hiểm y tế công sẽ không được áp dụng và bạn sẽ phải chịu 100% mọi chi phí điều trị.
Phí nằm viện cơ bản
Tên tiếng Nhật: 入院基本料 (Nyuin kihon ryo)
Là phí nhập viện cơ bản hàng ngày. Ví dụ, nếu bạn nằm viện trong 3 ngày, bạn sẽ phải trả viện phí cơ bản cho 3 ngày. Ngoài việc khám sức khỏe và điều dưỡng, chi phí cung cấp môi trường y tế như tiền phòng, tiền giường cũng được bao gồm trong chi phí này.
Về chi phí khám chữa bệnh, bạn sẽ được bảo hiểm y tế công chi trả nên bạn sẽ phải trả 30%.
Chi phí ăn uống
Là chi phí ăn uống được phục vụ tại bệnh viện trong thời gian nằm viện.
Vì nó không được bảo hiểm y tế công cộng chi trả nên bạn sẽ phải trả toàn bộ số tiền.
Phí giường chênh lệch
Tên tiếng Nhật: 差額ベッド代
Khi nằm viện, nếu bạn chọn phòng từ 4 giường trở xuống thay vì khu chung gọi là phòng lớn thì ngoài viện phí, bạn sẽ phải trả thêm phí.
Tiền giường chênh lệch thay đổi tùy theo hạng phòng bệnh (phòng riêng đặc biệt, phòng riêng thông thường, phòng từ 2 đến 4 người, v.v.).
Chi phí trị liệu y tế nâng cao
Tên tiếng Nhật: 先進医療費
Điều trị y tế nâng cao là điều trị/phẫu thuật sử dụng công nghệ y tế tiên tiến đã được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật phê duyệt. Các chi phí liên quan đến chăm sóc y tế nâng cao không được bảo hiểm y tế công lập, vì vậy bạn sẽ chịu mọi chi phí. Chi phí phụ thuộc vào loại hình chăm sóc y tế tiên tiến và bệnh viện, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể lên tới hàng triệu yên.
Chi phí đi lại
Chi phí đi lại được coi là chi phí cá nhân. Nó không được bảo hiểm y tế công cộng chi trả và bạn phải chịu mọi chi phí.
Chi phí dành cho đồ tiêu hao
Bạn sẽ chịu chi phí đối với tất cả các đồ dùng tiêu hao như tạp chí, quần áo thay, đồ chăm sóc da, đồ tắm và đồ uống đã mua khi bạn nằm viện. Thời gian nằm viện càng lâu, bạn càng phải chi trả nhiều chi phí chi tiết hơn và nếu để ý, gánh nặng chi phí nằm viện có thể tăng lên.
Chi phí nằm viện thường là bao nhiêu?
Theo “Khảo sát về an ninh sinh kế trong năm 2019” của Trung tâm Văn hóa Bảo hiểm Nhân thọ, số ngày nhập viện trung bình của những người đã nhập viện trong 5 năm qua kể từ năm 2019 là 15,7 ngày. Trong đó 27,3% là trong 5 đến 7 ngày, tiếp theo là 27,1% trong 8 đến 14 ngày. [Lưu ý 2]
Ngoài ra, chi phí tự trả (sau khi hưởng hỗ trợ từ bảo hiểm) bao gồm chi phí điều trị, chi phí ăn uống, chi phí giường bệnh chênh lệch, chi phí vận chuyển, đồ tiêu hao, v.v. tại thời điểm gần nhất nhập viện như sau:
- 10~20 man yên (từ 20 ~ 40 triệu đồng): 30.6%
- 5~10 man yên (từ 10 ~ 20 triệu đồng): 25.7%
- 20 ~ 30 man yên (từ 40 ~ 60 triệu đồng): 13.3%
Số tiền trung bình là 208.000 yên. (khoảng 41 triệu đồng).
Ngoài ra, chi phí tự chi trả cho một ngày, được tính bằng cách chia tổng chi phí tiền tự chi trả cho số ngày nằm viện như sau:
- 1 ~ 1,5 man yên (2 ~ 3 triệu đồng): 24,2%
- 4 man yên trở lên (từ trên 8 triệu đồng): 16%
- 2 ~ 3 man yên (từ 4 ~ 6 triệu đồng): 12.8%
Số tiền tự chi trả cho một ngày là mức trung bình 23.300 yên (khoảng 4,6 triệu đồng).
Theo: Trung tâm Văn hóa Bảo hiểm Nhân thọ “Khảo sát về An ninh Sinh kế trong năm 2019”
Làm thế nào để giảm chi phí xuất khi phải nhập viện?
Theo “Khảo sát về an ninh cuộc sống trong năm 2019” của Trung tâm Văn hóa Bảo hiểm Nhân thọ Nhật Bản, thu nhập bị mất (lẽ ra phải có được nếu không phải nhập viện) trong lần nhập viện gần đây nhất đối với những người đã nhập viện trong 5 năm qua kể từ năm 2019 là 21,6%.
Số thu nhập bị mất trung bình là 320.000 yên (khoảng 64 triệu đồng) và thu nhập bình quân hàng ngày là 19.500 yên (khoảng 4 triệu đồng), vì vậy có thể thấy rằng thu nhập cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Nếu phải nằm viện, chúng ta vừa phải trả chi phí nhập viện vừa bị giảm thu nhập lẽ ra có được. Do đó, nó trở thành một gánh nặng lớn cho bản thân, gia đình.
Có những cách sau đây để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách hộ gia đình nhiều nhất có thể.
1. Sử dụng hệ thống điều trị y tế chi phí cao
Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chi phí cao là hệ thống được hoàn trả số tiền vượt mức khi chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong 1 tháng (từ ngày 01 đến cuối tháng) của người đăng ký bảo hiểm y tế công vượt định mức tự thanh toán.
Giới hạn số tiền tự chi trả thay đổi tùy theo thu nhập và độ tuổi. Nếu đơn đăng ký của bạn được chấp thuận, bạn sẽ được hoàn trả chi phí y tế cho phần vượt quá giới hạn tự thanh toán trong khoảng 3 tháng.
Nếu bạn dự định phẫu thuật hoặc nằm viện có thể tốn nhiều chi phí y tế, bạn nên xin trước “Giấy chứng nhận Giới hạn Áp dụng” – 限度額適用認定証. Nếu bạn xuất trình giấy chứng nhận áp dụng hạn mức tại cơ sở y tế, bạn có thể thanh toán theo hạn mức tại thời điểm hạch toán.
2. Xin khấu trừ chi phí y tế
Nếu chi phí y tế được thanh toán trong một năm (1/1 đến 31/12) vượt quá 100.000 yên (*) cho một hộ gia đình, bạn có thể nhận được khoản “khấu trừ chi phí y tế” sẽ khấu trừ một phần trong số đó vào số thu nhập chịu thuế thu nhập.
Số tiền khấu trừ tối đa là 2 triệu yên (khoảng 400 triệu đồng), và cách tính được quy định theo thu nhập.
Các khoản khấu trừ chi phí y tế được xử lý vào thời điểm khai thuế hàng năm. Ngoài tờ khai thuế cuối cùng, bản kê khai khấu trừ chi phí y tế phải được lập và đính kèm với thủ tục. Ngoài ra, nếu bạn là nhân viên công ty, bạn sẽ cần một phiếu khấu trừ khi khai thuế.
Không cần phải nộp biên lai chi phí y tế từ năm 2017, nhưng bắt buộc phải giữ biên lai trong vòng 5 năm kể từ ngày sau thời hạn khai thuế cuối cùng. Số chi phí y tế được trừ phải được trừ vào tổng số chi phí y tế thực tế đã thanh toán, chẳng hạn như quyền lợi nằm viện do bảo hiểm nhân thọ cung cấp và chi phí khám chữa bệnh chi phí cao do bảo hiểm y tế cung cấp.
Nguyên tắc để xác định đó có phải là chi phí y tế được khấu trừ hay không đó là khoản đó có được dùng cho mục đích điều trị hay không. Không chỉ chi phí khám chữa bệnh, điều trị và thuốc men mà các phương pháp điều trị của như bấm huỵệt, châm cứu… đều được khấu trừ.
Mặt khác, tiền mua thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe như vitamin, massage phục hồi mệt mỏi không được khấu trừ.
(*) Nếu tổng thu nhập dưới 2 triệu yên (khoảng 400 triệu) số tiền ở đây là 5% tổng thu nhập.
Trên đây là thông tin về chi phí nhập viện cơ bản ở Nhật.
Hi vọng bài viết mang lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn muốn biết thêm về thông tin gì, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee biết để chuẩn bị các bài viết để trả lời các vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Chế độ bảo hiểm lương toàn dân của Nhật Bản (kì 1)
Theo Bảo hiểm nhân thọ Taiyo Seimei